Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên 168 bà mẹ và 165 ông bố có con trẻ. Các chuyên gia đã hỏi những đối tượng này về việc sử dụng smartphone, máy tính bảng, máy tính xách tay và các công nghệ khác, và rằng phản ứng của trẻ như thế nào?
Câu trả lời nhận được phổ biến là: “Con tôi hay than vãn là nhìn bạn bè được đi ra ngoài, được đi chơi thật thỏa thích, không giống như con suốt ngày phải ở nhà, chỉ quanh quẩn trong nhà với bài tập, với ti vi.”
Tuy nhiên, hậu quả không chỉ dừng lại ở việc phàn nàn của các con. Nó ảnh hưởng rất nhiều tới hành vi của trẻ sau này. Các chuyên gia của Đại học bang Illinois (Mỹ) cho biết, con cái của những phụ huynh nghiện điện thoại dễ có những hành vi sai trái, chẳng hạn như khóc, hờn dỗi và cáu kỉnh. Đó là những phản ứng dễ hiểu khi bố mẹ chú ý nhiều vào điện thoại khiến trẻ có cảm giác mình bị bỏ rơi, không được lắng nghe. Dần dần nó ảnh hưởng tới việc hình thành tính cách của trẻ sau này.
|
Ảnh minh họa. |
Trước đó, trao đổi với trang Zing.vn, tiến sĩ Trần Thành Nam, giảng viên Tâm lý học lâm sàng trẻ em (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định, thực trạng trong xã hội ngày nay trong gia đình thiếu sự tương tác cảm xúc bởi mọi người quá lạm dụng việc sử dụng các thiết bị di động.
Tiến sĩ Nam cho rằng, tìm kiếm sự chú ý của bố mẹ có thể bắt đầu bằng những hành vi gây khó chịu, từ khóc đến các hành động nghiêm trọng hơn như đánh nhau, bỏ học. Hoặc khi lớn, trẻ có thể tìm kiếm đến các hành vi khác để giải tỏa cảm xúc tiêu cực như tham gia hoạt động băng nhóm, quan hệ tình dục sớm, đánh bạc, đua xe, nghiện...
Đã bao giờ bạn nghe con mình nói: “Mẹ xem điện thoại nhiều quá đấy!” – hãy chú ý bởi đã đến lúc bạn phải cân bằng thời gian và sự quan tâm dành cho con.