Câu chuyện đầu tiên
Tôi lớn lên trong một gia đình trung lưu. Tôi mặc định bố mẹ là người có điều kiện và tôi luôn được hưởng những điều tốt đẹp nhất. Ngoài ra, tôi còn có một chị gái tên N. N chỉ hơn tôi một tuổi nên tôi hoàn toàn không có ký ức về sự hiện diện của N trong quá khứ.
Chúng tôi cứ thế lớn lên bên nhau vô cùng thân thiết. Trong mắt N, tôi như một anh hùng luôn xuất hiện đúng lúc mỗi khi bị bạn bè trêu chọc.
Hiện tại chúng tôi đều đã trưởng thành. Tôi đã đi làm được 5 năm và chuẩn bị lập gia đình. N cũng đã lấy chồng và có con đầu lòng.
N không ở cùng với gia đình tôi nữa và theo nhà chồng về tận dưới quê. Tôi cũng sắp có gia đình riêng nên bố mẹ tôi đã quyết định làm rõ những vấn đề mà anh em chúng tôi còn chưa biết trong quá khứ.
Khi biết được bố mẹ quyết định sang tên căn nhà lớn cho N, tôi đã thực sự sốc. Tôi là con trai duy nhất,nhưng không được thừa kế mảnh đất để sau này còn lo hương khói. Đổi lại tôi chỉ có vài trăm triệu tiền tiết kiệm của bố mẹ.
Tôi đã gặng hỏi xem liệu bố mẹ có nhầm lẫn hay hiểu lầm gì không, nhưng câu trả lời đã khiến tôi thất vọng. Nói đúng hơn, tôi đã sốc khi biết được N thậm chí còn không phải con đẻ của bố mẹ.
Nhiều chục năm về trước, bố mẹ tôi vào đây để trốn nợ. Khi đó ông bà không có gì trong tay và được bố mẹ N cưu mang. Hai người đó đã tạo điều kiện cho bố mẹ tôi làm lại cuộc đời.
Bố mẹ tôi nên duyên rồi sinh ra tôi cũng đều là nhờ công ơn to lớn của bố mẹ N. Thế nhưng, người tốt luôn chịu thiệt thòi. Không lâu sau khi đẻ N, mẹ cô ấy lâm trọng bệnh không qua khỏi. Bố N vì thương vợ cũng đổ bệnh và ra đi.
Trước khi qua đời, bố N đã để lại hết tài sản cho bố mẹ tôi và gửi gắm cô con gái chưa đầy 2 tuổi. Bố mẹ tôi đã hoàn thành tốt lời hứa với ân nhân. Họ nuôi dạy N trở thành cô gái xinh đẹp, nết na và đã yên bề gia thất.
Giờ đây, khi tôi cũng đã thực sự trưởng thành, bố mẹ tôi muốn hoàn trả nốt tài sản mà bao năm qua đã thay bố mẹ N bảo quản cho cô ấy.
N đã khóc rất nhiều khi biết sự thật. Tôi cũng không còn trách bố mẹ khi thiên vị cô con gái mà tôi hiểu rằng N xứng đáng được như vậy.
Tuy nhiên, N cũng cảm ơn bố mẹ tôi và khẳng định mãi mãi xem họ là bố mẹ ruột. Chưa hết, N còn từ chối quyết định thừa kế của bố mẹ tôi.
N nói rằng món nợ ân tình trong quá khứ đã không còn nữa. Cô ấy đã trưởng thành, đã yên ấm bên gia đình chồng nên căn nhà này sẽ để lại cho tôi. Tôi có trách nhiệm phải phụng dưỡng bố mẹ và duy trì việc thờ tự không chỉ cho bố mẹ tôi mà còn cả bố mẹ N nữa.
Từ thời khắc tôi biết được N không phải chị ruột của mình, tôi không hề cảm thấy xa lạ mà ngược lại còn thấy quý mến và trân trọng thứ tình cảm này hơn.
Câu chuyện thứ 2
Khi bạn sinh ra, bạn không có quyền lựa chọn số phận. Thế nhưng cách đối diện với số phận sẽ định nghĩa con người của bạn. Cách đây chưa lâu, tôi sẽ thấy câu triết lý này thật tầm phào thế nhưng sau những gì tôi đã trải qua cùng bài học nhớ đời, tôi đã thực sự tỉnh ngộ.
Tôi là một bà mẹ đơn thân 28 tuổi. Phút nông nổi của tuổi trẻ đã khiến cuộc sống của tôi không hạnh phúc. Một bà mẹ trẻ nuôi con một mình phải chịu đựng biết bao khó khăn buồn tủi. Chính vì thế tôi luôn tự biến mình thành một người đáng thương trước mặt mọi người.
Tôi luôn cho rằng cuộc sống này phải có trách nhiệm bù đắp cho mẹ con tôi. Tôi luôn lợi dụng mình là một bà mẹ đơn thân để có được sự giúp đỡ.
Ở công ty, mỗi khi không hoàn thành công việc, tôi đều mang đứa con nhỏ làm lý do để biện hộ. Không chỉ vậy, tôi còn rất dễ dàng vay được tiền của đồng nghiệp. Chỉ cần một tin nhắn: “Chị ơi giúp em với, con bé ốm quá mà em đang kẹt tiền”, lập tức tài khoản của tôi sẽ có tiền về.
Vì có được sự trợ giúp quá dễ nên tôi luôn ỷ lại. Tôi vay hết người này đến người khác, thậm chí cả cô lao công, chú bảo vệ cũng không thoát khỏi tầm ngắm của tôi.
Các đồng nghiệp nam cũng là đối tượng cho tôi lợi dụng. Lúc thì tôi nhờ đưa đón đi làm, lúc thì tôi nhờ sửa hộ cái điện thoại, tất nhiên là không ai nỡ lấy tiền của một bà mẹ đơn thân nuôi con vất vả cả.
Và rồi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lộ ra. Tôi đã trở thành đề tài để những người trong công ty bàn luận. Câu chuyện tôi vay tiền quá nhiều người đã vỡ lở khi một lần tôi vay tiền chị trưởng phòng.
Chị ấy không từ chối nhưng vì thiếu tiền mặt nên có mượn một người khác trong phòng để đưa cho tôi. Thế là chuỗi domino sụp đổ khi tất cả đều chung một câu: “Ơ thế nó cũng vay tiền của chị à?”, “Nó cũng mượn em mấy trăm từ lâu rồi nhưng chưa thấy trả”...
Mọi người đã thay đổi hoàn toàn thái độ, từ thương cảm cho hoàn cảnh của tôi sang lảng tránh. Họ cho rằng lòng tốt đã bị lợi dụng và không còn muốn quan hệ với tôi để tránh phiền phức. Chị trưởng phòng cũng đã khéo léo nhắc nhở tôi để cứu vãn tình hình. Tôi như được dội một gáo nước lạnh và bừng tỉnh.
Tôi đã thống kê lại hết những khoản vay mượn, mỗi người chỉ vài trăm nghìn nhưng tổng lại cũng lên đến vài chục triệu. Lúc này tôi mới thấy rằng mình đã sống ký sinh vào người khác và quá hèn nhát để đối diện với cuộc đời.
Câu chuyện thứ 3
Tôi là một người may mắn. Từ bé đến lớn, tôi chưa phải trải qua bất kỳ biến cố lớn nào.
Tôi được ăn học đàng hoàng, tốt nghiệp thì lập tức được nhận vào một doanh nghiệp lớn. Công việc phát triển đều đều và giờ đã làm trưởng phòng. Cuộc sống gia đình cũng rất viên mãn, tôi mới lấy vợ và cô ấy đang mang thai đứa con đầu lòng.
Tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm báo đáp cuộc đời. Tôi rất chịu khó tham gia các hoạt động thiện nguyện. Ngoài ra, bạn bè cứ ai chia sẻ một trường hợp, hoàn cảnh khó khăn nào, tôi cũng đều sẵn sàng ủng hộ.
Với những người thân, tôi chưa bao giờ tiếc bất kỳ điều gì, nhất là chuyện tiền bạc. Tôi luôn quan niệm tiền bạc là vật ngoài thân, tình cảm thật sự với nhau mới là trân quý.
Trong nhóm bạn của tôi có một người thường xuyên hỏi vay tiền. Mỗi lần chỉ một vài triệu và trả rất đúng hạn. Chứng kiến tôi cho bạn vay tiền quá dễ dàng như vậy, không ít người đã đưa ra lời cảnh báo sẽ có ngày tôi mất cả tiền lẫn bạn. Lúc đó tôi chỉ cười nhẹ nhàng và không tin vào viễn cảnh tồi tệ đó.
Thế nhưng, thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Bất kỳ cái gì khi lặp đi lặp lại đều trở thành thói quen và việc anh bạn kia vay tiền tôi cũng vậy. Lần này, anh ta muốn mượn tôi 100 triệu với lý do đầu tư thua lỗ nên cần tiền để xoay xở.
Tôi cũng không quan tâm vào công việc riêng của bạn nhưng số tiền này quá lớn và tôi nhắn lại cần thời gian suy nghĩ. Tuy nhiên, đáp lại thiện chí của tôi là một thái độ hằn học kiêm chút bực bội.
Anh ta cáu gắt bảo tôi là thằng bạn đểu, thấy bạn sa cơ nên sợ không dám cho vay tiền. Anh ta còn kể lể những lần vay trước đều trả rất đúng hạn và uy tín. Tôi thấy thật nực cười với kiểu suy nghĩ đó, vay tiền phải trả đúng hạn là điều hiển nhiên, thậm chí tôi còn không cần tính lãi.
Đây không phải trường hợp duy nhất, bạn học cùng lớp với vợ tôi cũng đã hỏi mượn tiền từ khi hai đứa còn chưa kết hôn.
Cô nàng này có tiếng ăn chơi và từng có “vết” đào mỏ các anh có điều kiện. Có lần cô ấy muốn tôi góp vốn mở một cửa hàng làm đẹp nhỏ. Tôi bảo muốn xem kế hoạch kinh doanh thì bỗng dưng cô ấy nổi đóa.
Cô ấy nói tôi không tin tưởng, xem thường năng lực và rồi nói không cần góp vốn mà muốn vay trả lãi đàng hoàng.
Tất nhiên tôi không đồng ý bởi biết rằng nếu cho vay thì gần như không thể lấy lại. Cô gái ấy đã muốn lợi dụng tính sĩ diện của một người đàn ông đang yêu, cô ấy tưởng là tôi muốn ghi điểm với vợ nên sẽ hào phóng rút ví cho bạn vay tiền.
Thế nhưng tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, người tốt quá thường sẽ chịu thiệt thòi và lòng tốt đặt không đúng chỗ sẽ trở nên lố bịch, thậm chí tôi còn trở thành trò cười cho người khác.