Gia đình tôi đang rất xáo trộn vì biến cố ập đến không ngờ. Khi viết ra những dòng này, tôi đang ngồi trong bệnh viện chăm bố chồng, thật sự rất chạnh lòng và buồn.
Người ta ngoài kia được đi sắm đồ Tết, thế mà nhà tôi cứ hết chuyện này lại tới chuyện khác. Tôi chỉ muốn về nhà ngoại, để được sum vầy trong khoảnh khắc cận Tết.
Lấy chồng mới được khoảng 3 năm, tôi có một em bé 3 tuổi, nhưng hạnh phúc thì chẳng được hưởng nhiều. Bởi lẽ nhà chồng tôi phức tạp, bố mẹ chồng sinh được 5 người con mà tính nết khác nhau, không hề hòa thuận.
Trong đó chồng tôi là con trai thứ, trên anh có một anh cả đã ly dị vợ. Dưới anh còn là một cậu em trai nữa, lập gia đình rồi. Ở cuối là có 2 cô con gái, cũng lập gia đình, sinh con đẻ cái ổn định. Chồng tôi lấy vợ muộn, theo tôi đánh giá anh là người hiền lành, trầm tính nhất nhà.
Trái với chồng tôi chính là anh trai cả và em trai chồng. Một người luôn cục tính, cọc cằn còn một người thì lì lợm, khó ưa. Nhưng chung quy lại, họ rất ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho quyền lợi cá nhân chứ có mấy khi để tâm đến người xung quanh.
Nhất là khi nhà chỉ còn bố chồng, ông đã ngoài 70 rồi, nhiều bệnh nền và các vấn đề sức khỏe. Bố hiện đang sống ở dưới quê, gần nhà một cô con gái và cậu con trai thứ ba.
Người ngoài nhìn vào gia đình thì nghĩ bố chồng sẽ được các con chăm sóc tận tình chu đáo. Thế nhưng hai người con ở gần cũng dửng dưng. Đúng với một câu chua xót mà mọi người thường nói "cha chung không ai khóc".
Chồng tôi hiếu thảo, anh ấy luôn quan tâm, chăm lo cho bố nhiệt tình nhất mặc dù không phải trưởng nam.
Thực ra tâm tính của tôi cũng tốt, không để ý quá nhiều đến chuyện thiệt hơn, làm tròn trách nhiệm con dâu trong nhà. Nhưng tôi cũng muốn những người khác phải đồng lòng, có trách nhiệm. Nếu chỉ có gia đình tôi cố gắng thôi thì chẳng đủ, sớm muộn cũng đuối sức.
Năm nay, sức khỏe của bố chồng không tốt, nhưng mọi người vẫn nghĩ là bố vẫn bình yên trong dịp Tết để ra Tết thì đưa bố vào viện khám. Vậy mà những ngày cận Tết, bố chồng tôi lại phải đi cấp cứu nhập viện.
Gia đình sốt sắng, bao vấn đề phát sinh. Bởi thời gian này nhà nào cũng bận, việc phân công túc trực trông bố trong viện khó khăn. Vả lại, bố chồng là đàn ông, nhiều chuyện nhạy cảm như vệ sinh cá nhân thì buộc con trai phải lo lắng, tận tay chăm sóc.
Thêm một vấn đề nan giải nữa là viện phí. Tiền khám chữa bệnh không hề nhỏ, đúng vào đợt cuối năm nhà nào cũng phải trả nợ chỗ nọ chỗ kia. Nói thật, kể cả có 10 người con thì cũng vất vả, chứ chưa nói gì nhà này chỉ có 3 ông con trai. Phần đóng góp của 2 cô út cũng chẳng đáng kể.
Tôi nói với chồng là mình cứ bảo anh cả đứng ra làm trụ cột, quản lý tiền. Sau đó thì hết bao nhiêu viện phí sẽ chia 3 phần để 3 con trai đóng góp. Còn lại những khoản lặt vặt chắc 2 cô con gái út sẽ giúp đỡ bố.
Anh cả nghe ý kiến của vợ chồng tôi thì cũng gật gù đồng ý. Cả nhà có một buổi gặp mặt để nói rõ mọi chuyện, đi đến một thống nhất cuối cùng. Tuy nhiên, cô em dâu của tôi lại buông ra một lời chua chát:
"Các bác trên thành phố thì đóng hết đi, có điều kiện mà chia ra làm gì, vợ chồng em chưa đủ khổ sao?".
Thật sự em dâu và em trai chồng tôi không hề nghèo khó, họ cũng đi làm, cũng dành dụm, chẳng qua là keo kiệt không muốn đóng góp vào tiền viện phí cho bố mà thôi.
Thế là từ câu nói của em dâu, anh chị em trong nhà mới cãi nhau om tỏi, không ai chịu ai.
Sau đó em dâu bỏ về quê, không lên chăm bố chồng buổi nào nữa. Vì tôi làm nội trợ, gửi được con cho nhà ngoại nên chồng mới nói tôi hãy ở bệnh viện chăm bố lâu hơn chút, sẽ có người vào giúp đỡ.
Giờ đây, tôi không biết là anh em trong nhà xử lý sao nữa. Chồng tôi vẫn phải ứng một phần tiền ra thay cho em trai. Tôi thương chồng, và cũng thương chính mình...