Theo Bộ luật lao động 2019, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là “hành vi có tính chất tình dục” của một cá nhân này đối với cá nhân khác tại nơi làm việc nhưng “không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận”.
Theo TS Khuất Thu Hồng, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một vấn đề xã hội lớn tại Việt Nam cũng như thế giới.
Tổ chức Action Aid Việt Nam đã khảo sát 2.000 phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Kết quả khảo sát cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục.
Chia sẻ với Tri thức - ZNews, Ngọc Hân (Znews đã đổi tên nhân vật) cho biết bản thân bị quấy rối tình dục hơn 40 lần sau 9 năm làm việc ở các vị trí phục vụ nhà hàng, trợ lý giám đốc, người mẫu túi xách. Đến giờ, cô vẫn bị ám ảnh và không dám làm việc ở những nơi có quản lý là nam.
Bị quấy rối tình dục 5-7 lần/năm
“Mình đã đi làm khoảng 9 năm. Trung bình, mình bị ‘sếp’ nam quấy rối tình dục ít nhất 5-7 lần/năm”, Ngọc Hân nói với Tri thức - Znews. “Năm 18 tuổi, mình thường bị khách sờ mông khi làm phục vụ nhà hàng. Khi báo lại với quản lý, họ chỉ cười nhếch mép rồi thôi”.
Sự việc lặp lại đến khi Ngọc Hân phản ứng hành vi sàm sỡ của khách. “Anh sờ bên phải rồi có giỏi thì sờ luôn bên trái đi”, cô dõng dạc nói với kẻ quấy rối. Sau đó, cô sinh viên 18 tuổi bị khiển trách vì gây hấn với khách hàng.
Năm 20 tuổi, Hân ứng tuyển làm trợ lý giám đốc ở một tập đoàn lớn. “Đây là thời gian kinh khủng nhất. Mình bị giám đốc quấy rối tình dục vô số lần ở nơi làm việc”, cô nói.
Theo nghiên cứu, 50% phụ nữ được hỏi cho biết họ từng bị quấy rối tình dục ở nơi làm việc. Ảnh minh họa: The New York Times.
Trong 3 năm làm trợ lý giám đốc, điều làm cô sợ nhất là vào căn phòng được dán giấy kín mít của giám đốc. Những cái khoác vai, sờ soạng ám ảnh đến mức cô phải rủ một hoặc hai đồng nghiệp đi theo trong mỗi lần nộp hồ sơ, báo cáo. Không ít lần Ngọc Hân nghĩ đến chuyện thôi việc. Song, áp lực "cơm áo gạo tiền" lại làm cô chùn bước.
Các quản lý nam còn liên tục yêu cầu Ngọc Hân đi “hầu rượu” cho các nhân vật quan trọng. “Mỗi lần như vậy là mình sẽ bị ôm cứng ngắc rồi ép uống rượu liên tục”, cô nói thêm mình luôn cố gắng né những buổi “hầu rượu”. Tuy nhiên, khi thấy Hân từ chối, một quản lý cấp cao cảnh cáo Hân sẽ “không thể thăng tiến và khó làm việc trong tương lai”. Hân còn được hứa hẹn “cho thêm tiền nếu làm các ‘sếp’ hài lòng”.
Đôi khi, cô còn bị các "sếp" rủ đi du lịch. “Họ bảo mình đi du lịch chung mấy ngày đi. Làm họ thích thì sẽ cho tiền”, cô nói. Ngọc Hân từ chối. Cùng năm đó, cô bị đuổi việc.
Suốt 9 năm làm việc là 9 năm Hân bị quấy rối, về thể chất lẫn tinh thần. Cô đã phản kháng, tố cáo, thậm chí nghỉ việc. Tuy nhiên, những gì cô nhận lại chỉ là “nụ cười nhếch môi” và lời buộc tội “em phải quyến rũ người ta thì người ta mới làm vậy".
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, nhận xét trường hợp của Ngọc Hân không phải cá biệt mà là “một vấn đề lớn trong xã hội Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới”.
“Bộ luật lao động 2012 và 2019 đều đề cập đến quấy rối tình dục như một vấn đề xã hội. Đã có nhiều bộ luật khẳng định quấy rối tình dục là vấn đề nghiêm trọng, phổ biến và cần được chú ý giải quyết”, TS Hồng cho biết.
Ám ảnh tâm lý
“Mình như bị trầm cảm khi bị quấy rối tình dục liên tục ở nơi làm việc. Lúc đó mình không muốn nói chuyện với ai cả. Đến giờ mình vẫn ám ảnh, không thể làm việc ở môi trường có quản lý là nam”, Ngọc Hân cho biết thêm cô đang là một freelancer (người làm việc tự do - PV) ở TP.HCM.
Theo TS Khuất Thu Hồng, hậu quả của việc bị quấy rối tình dục ở công sở đối với mỗi trường hợp là khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung là nạn nhân thường “bị ảnh hưởng dài hạn” và “rất khó vượt qua” ám ảnh tâm lý.
Respect@Work, Hội đồng Phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc của Australia, xác định nạn nhân bị quấy rối tình dục có thể bị ảnh hưởng về tâm thần, thể chất lẫn sự nghiệp. “Nghiên cứu chỉ ra rằng quấy rối tình dục nơi làm việc có thể là rào cản tai hại nhất đối với sự nghiệp của nạn nhân”.
Một trong những lý do khiến nạn nhân bị quấy rối tình dục im lặng là vấn nạn "đổ lỗi cho nạn nhân". Ảnh minh họa: Daily Bruin.
Ngoài các hành vi quấy rối, thứ đáng sợ thứ hai đối với các nạn nhân là câu hỏi “tại sao”. “‘Tại sao người ta lại quấy rối bạn? Bạn phải làm gì, ăn mặc thế nào đó thì người ta mới quấy rối bạn chứ’ là những điều không được nói với nạn nhân. Hãy luôn nhớ nạn nhân của quấy rối tình dục không có lỗi, không có gì đáng xấu hổ. Người cần xấu hổ là những kẻ quấy rối tình dục”, TS Hồng nhấn mạnh.
Trong trường hợp người bị quấy rối tình dục tố cáo, tâm sự về câu chuyện của mình, người được tâm sự có trách nhiệm “lắng nghe” và giúp nạn nhân hiểu được đó "không phải lỗi của họ”.
“Có người cần những sự hỗ trợ khác, ví dụ về tâm lý, tinh thần để họ mạnh mẽ hơn và đưa được sự việc ra ánh sáng. Người đầu tiên nhận được lời kêu cứu, chia sẻ của nạn nhân nên là người ủng hộ, giúp nạn nhân vượt qua ám ảnh sau quấy rối tình dục”, bà Hồng nhận định.
Cần có chính sách rõ ràng
Khi vừa tốt nghiệp đại học, chị Kim Thanh (Znews đã đổi tên nhân vật) xin vào làm việc ở bộ phận tín dụng của một ngân hàng. Mới ra trường, chưa có mối quan hệ, chị khá chật vật trong thời gian đầu làm việc.
“Thời gian đó ngân hàng có chính sách cho nhân viên mới đi xem nhân viên cũ tiếp khách để học hỏi. Thế là mình cũng được một đàn anh trong công ty dẫn theo”, chị chia sẻ với Tri Thức - Znews. “Lúc đó mình cứ nghĩ là người ta tốt nên giúp đỡ, chỉ dạy mình thôi”.
Dù vậy, khi tiếp khách xong, thay vì về ngân hàng, nam nhân viên lại chở chị Thanh đến một khách sạn ven đường rồi bảo: “Trời nóng quá! Vào đây nghỉ ngơi, chơi tí rồi về”.
“Mình bất ngờ lắm. Nghe xong chỉ biết nhảy khỏi xe thật nhanh, chạy ra đường kêu xe ôm chở về ngân hàng”, chị kể. “Hồi đấy mình cũng nhát nên cũng không kể chuyện này với ai. Thế rồi câu chuyện cứ trôi qua”.
Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục, bất kể tuổi tác, giới tính hay công việc. Ảnh minh họa: Claudia Humphrey.
Sau này, khi nhận công việc ở cấp cao hơn và giữ quyền quản lý, chị Thanh hầu như không còn gặp quấy rối tình dục khi làm ở ngân hàng. Song, một nhân viên dưới quyền của chị lại bị quấy rối. Từng là nạn nhân của vấn đề này, chị chọn tin tưởng nhân viên và lên tiếng tố cáo kẻ quấy rối với bộ phận quản lý cấp cao.
“Dù mình đã lên tiếng nhưng phía hội sở cũng không giải quyết. Họ trả lời không có đủ bằng chứng, còn thiếu nhiều yếu tố để xử lý. Kẻ quấy rối thì làm việc ở bộ phận khác nên mình cũng không can thiệp được gì”, chị tâm sự.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS Khuất Thu Hồng nhận xét hầu hết cơ quan, doanh nghiệp ở Việt Nam chưa có chính sách rõ ràng để phòng chống quấy rối tình dục mà chỉ giải quyết khi có thiệt hại rõ ràng. “Các đơn vị cũng hiếm khi tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục cho người lao động”, TS Hồng nói thêm.
Để giải quyết vấn đề này, theo TS Hồng, các doanh nghiệp, cơ quan cần xây dựng một bộ chính sách phòng chống quấy rối tình dục. “Chính sách tốt sẽ ngăn ngừa hành vi xấu. Và nếu có quấy rối xảy ra, nhờ những chính sách, quy trình đã đề ra, các hành vi sai phạm cũng được xử lý rõ ràng, minh bạch, tránh oan sai”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội nhận định.
Mặt khác, theo Bộ luật lao động 2019, bản thân người lao động cũng phải là người chủ động đấu tranh, bài trừ và sẵn sàng tố cáo hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc để ngăn ngừa vấn đề xã hội này từ ban đầu.
Theo nghiên cứu của Social Psychological and Personality Science, một nửa phụ nữ và gần 20% nam giới được hỏi cho biết họ từng bị quấy rối tình dục trong 12 tháng trước khảo sát. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục, bất kể giới tính, công việc hay độ tuổi. Vấn đề này đòi hỏi sự chung tay của xã hội và các cơ quan có thẩm quyền để cùng nhau bài trừ nạn quấy rối tình dục.