Trở về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, Ngọc chỉ muốn lên giường ngủ ngay. Vậy mà, chồng Ngọc bảo mẹ mới gọi điện cho anh, trách sao nhắn tin cho con dâu mà không thấy trả lời. Ngọc ngẩn người, lấy điện thoại ra kiểm tra rồi đưa cho chồng: “Có tin nhắn nào đâu anh”.
Chồng nói Ngọc xem thử phần tin nhắn trên Facebook xem, mẹ thường dùng ứng dụng đó. Ngọc mở ra thì thấy một loạt các tin nhắn của mẹ chồng cả hỏi thăm xen lẫn trách móc. Cô giải thích: “Hồi nào giờ em có sử dụng phần tin nhắn trên này đâu nên không biết mẹ nhắn”. Chồng không nói gì thêm, nhắc vợ gọi lại cho mẹ để bà khỏi phiền lòng.
Đây không phải lần đầu tiên, Ngọc bị nhắc nhở liên quan đến chuyện dùng Facebook. Hồi mới về ra mắt, chồng Ngọc kể ba mẹ chồng và các cô dì chú bác tân tiến lắm, ai cũng sử dụng điện thoại thông minh, tương tác qua mạng xã hội. Đúng vậy thật, sau buổi gặp mặt, họ hàng nhà chồng liên tiếp gửi lời mời kết bạn qua Facebook với Ngọc.
Cô nghĩ đơn giản nên đồng ý kết bạn hết, nhưng về sau mới biết quá nhiều chuyện rắc rối. Có lần về chơi, mẹ chồng nhắc: “Sao con không “like” ảnh dì Hoa, dì cứ trách hoài”. Ngọc chưa kịp nói gì thì mẹ giãi bày: “Chồng dì mất sớm, con cái ở xa, dì chỉ có niềm vui trên mạng thôi”.
Ngọc vội vàng mở tìm Facebook của dì để “like” ảnh. Quả thật, công việc bận rộn, Ngọc ít khi để ý mọi người đăng gì trên trang cá nhân. Từ đó, thỉnh thoảng, Ngọc phải tìm Facebook của các thành viên nhà chồng, đặc biệt là người lớn tuổi để không bỏ sót trạng thái cập nhật nào.
Linh lại rơi vào trường hợp khác, cô tham gia vào nhiều hội nhóm tư vấn chuyện hôn nhân gia đình nên có chút kinh nghiệm. Nghe các chị khuyên không nên kết bạn trên Facebook với nhà chồng sẽ tránh được nhiều rắc rối.
Trước khi cưới, Linh âm thầm đổi tên Facebook, hủy kết bạn với chồng để bảo vệ khoảng riêng tư của bản thân. Vì trang cá nhân là nơi Linh giải tỏa áp lực bằng những bài đăng tếu táo, chia sẻ tâm trạng ẩm ương.
Thế mà, chẳng hiểu sao anh em nhà chồng lại dò ra Facebook của cô nhanh chóng. Họ gửi lời mời kết bạn nhưng Linh không đồng ý. Điều này khiến cả nhà không hài lòng, mỗi lần gặp nhau, mọi người nói ra nói vào rằng Linh không xem nhà chồng là người thân, giữ khoảng cách ngay trên mạng xã hội.
Sau đó, chồng khuyên Linh cứ chấp nhận kết bạn nhưng thay đổi chế độ đăng tải là được. Linh đã phải mất mấy ngày để khóa những bài đăng nhạy cảm trước đó khi đồng ý kết bạn. Nhưng rồi, một tấm ảnh chụp cùng người cũ cách đây cả chục năm lại bị đào lên vì nút “like” của cô em họ khiến Linh hoảng hốt xóa bài không kịp khi thấy họ hàng nhà chồng vào bình luận rôm rả.
|
Làm sao vừa để bản thân thoải mái vừa hài lòng nhà chồng khi dùng Facebook khiến nhiều cô vợ đau đầu (Ảnh minh họa) |
Huệ thì chọn cách khác, từ lúc kết hôn, cô dùng song song hai nick Facebook khác nhau. Một cái đã có từ lâu, kết bạn với bạn bè thân thiết, tha hồ đăng tải tâm trạng cá nhân, còn một cái để kết bạn với họ hàng, nhà chồng, đồng nghiệp chỉ để chia sẻ những bài đăng chỉn chu, nghiêm túc. Cô thoải mái khoe quà chồng tặng mà không lo mẹ chồng tự ái, đăng ảnh đi chơi, uống cà phê mà không sợ đánh giá ham chơi không quan tâm đến chồng con.
Huệ kể, chứng kiến câu chuyện của cô bạn thân hồi mới lấy chồng, thấy nhớ nhà nên thay đổi ảnh bìa là tấm hình chụp với bố mẹ ruột cùng dòng chữ “Ngôi nhà hạnh phúc”. Thế mà, mẹ chồng bắt gỡ hình rồi chất vấn: “Bộ về làm dâu nhà này cực khổ lắm hay sao mà thay hình rồi ghi thế kia”. Thậm chí từng cái bình luận của cô cũng bị thành viên nhà chồng soi mói.
Có lần cô đăng hình con gái và người thím bên chồng vào bình luận khen dễ thương, cô nhã nhặn trả lời "Chỉ mong được xinh như chị Su nhà thím là thích rồi ạ". Vậy mà mẹ chồng đọc thấy lại bắt bẻ: "Sao không phải là xinh hơn mà xinh bằng? Con cháu nhà mình phải hơn chứ". Lâu nay, mẹ và thím vốn không vừa ý nhau.
Sau vài sự cố, bạn của Huệ âm thầm bỏ nick Facebook cũ, lập nick Facebook mới và không quên “block” hết nhà chồng. Nhờ dùng hai tài khoản Facebook, Huệ tránh được những rắc rối không đáng có như cô bạn mình.