Cơ thể phát triển bình thường, vòng kinh đều đặn và ổn định là yếu tố vô cùng quan trọng đối với sức khoẻ của phụ nữ. Tuy nhiên, trong cuộc sống lại có không ít những nguyên nhân dẫn đến rối loạn kinh nguyệt ở chị em như rong kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều, lượng máu ra quá nhiều hoặc quá ít... gây bất tiện cho sinh hoạt hằng ngày của chị em, dẫn đến tình trạng cơ thể mệt mỏi, xanh xao, gầy yếu, có thể xuất hiện những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt không đều và không ổn định, lượng máu mất đi sau những ngày hành kinh quá ít hoặc quá nhiều, mức độ huyết sắc tố sau chu kỳ kinh thấp hơn mức bình thường (120g/l) và các triệu chứng kèm theo (đau bụng kinh, đau lưng, buồn nôn, mệt mỏi...) là những biểu hiện thường thấy nhất ở những phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt.
Có nhiều nguyên nhân khiến kinh nguyệt không đều (thiểu kinh, cường kinh, rong kinh... thậm chí vô kinh). Ngoài các nguyên nhân do bệnh chẳng hạn như mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn hormon sinh dục, buồng trứng đa nang, các bệnh phụ khoa hay nhiễm khuẩn “vùng kín”... rối loạn kinh nguyệt còn xảy ra theo từng giai đoạn lứa tuổi, ví dụ như tuổi dậy thì, tuổi tiền mãn kinh hay giai đoạn cho con bú. Thần kinh căng thẳng, cơ thể bị xúc động mạnh hay thay đổi về thể trạng, môi trường đột ngột cũng là những nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt. Những người mắc bệnh béo phì hoặc quá gầy cần cẩn thận với chứng bệnh này. Ngoài ra, các loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc giảm cân cũng làm thay đổi các hormon sinh dục, có thể gây rong kinh hoặc tắt kinh trong một thời gian dài. Những hiện tượng này nhẹ thì gây khó chịu, mệt mỏi, xanh xao, nhưng nếu để lâu bệnh nặng dễ gây biến chứng rất nguy hiểm, dẫn đến nguy cơ vô sinh ở phụ nữ.
|
Ảnh minh họa. |
Làm gì để cải thiện tình trạng?
Để không bị rối loạn kinh nguyệt chị em phụ nữ đầu tiên cần ăn uống đủ chất trong thực đơn hằng ngày, ăn nhiều rau, hoa quả và thực phẩm giàu vitamin nhóm B, E, C gồm: Cá, thịt bò, trứng, sữa; tăng cường các thức ăn giàu canxi, magiê, mangan và kali (có nhiều trong thịt, trứng, sữa, ngũ cốc, các loại rau củ và hoa quả tươi như chuối, cam, quýt...); hạn chế dùng các loại đồ ăn nhiều chất béo và các thức ăn mặn; tránh các nước uống có chất kích thích như rượu, bia, cà phê... và các loại nước giải khát có thể làm đầy hơi khiến tình trạng đau bụng kinh thêm trầm trọng. Uống nhiều nước cũng có tác dụng trong việc giảm thiểu các triệu chứng rối loạn trước kỳ kinh.
Chị em cũng cần chú ý ngủ đủ giấc và chơi một số môn thể thao mà bạn ưa thích, hoặc đơn giản hơn là hãy tích cực đi bộ. Các nghiên cứu đã cho thấy, phụ nữ chăm hoạt động thể chất ít cảm thấy khó chịu trong chu kỳ kinh nguyệt và vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng. Tập thể dục nhẹ nhàng cũng giúp tăng lưu lượng máu đến lưng và vùng xương chậu, từ đó giúp giảm các cơn đau.
Bên cạnh việc điều chỉnh các thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng của bản thân, chị em phụ nữ cũng có thể tìm hiểu và sử dụng những phương thuốc Đông y để bồi bổ cơ thể, giảm đau bụng và bảo vệ sức khoẻ sinh sản cho bản thân. Các bài thuốc Đông y kết hợp những vị thuốc có công dụng ích khí dưỡng huyết sẽ giúp tăng cường quá trình sản sinh hồng cầu, làm tăng lượng huyết sắc tố, bồi bổ máu, lưu thông khí huyết; từ đó phòng chống hữu hiệu tình trạng thiếu máu, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, cải thiện hệ tuần hoàn, chống mệt mỏi, giúp cơ thể nhuận sắc, giảm thiểu nguy cơ gây vô sinh và một số bệnh sản phụ khoa.