Vừa mới đây, trong một diễn đàn trên mạng xã hội được đông đảo bạn trẻ quan tâm theo dõi, một thành viên nam đã có dịp chia sẻ câu chuyện trái ngang mà vợ chồng anh đang gặp phải.
Trong những phút giây lỡ lầm và không làm chủ được bản thân, anh đã có những hành động có thể nói là vượt quá giới hạn với một cô gái khác. Và khi mọi chuyện đổ bể, đau lòng nhất chắc hẳn là cô vợ nhưng mọi chuyện nào có dừng lại ở đó. Lòng tin cũng như tình cảm vợ chồng anh bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt, mặc cho anh đã cố gắng mọi phương để hàn gắn và sửa chữa.
Rồi chuyện gì đến cũng đến, một ngày, chính bản thân anh là người đau đớn phát hiện ra vợ mình có tình cảm với sếp của cô ấy. Có thể nói là ngoại tình. Cảm xúc ngày trước của vợ anh, có lẽ ở thời điểm hiện tại, anh là người rõ nhất. Nội dung câu chuyện được anh chia sẻ một cách tường tận như sau:
|
(Hình minh hoạ) |
"Vợ ôm hôn sếp sau khi biết tôi qua lại với cô gái ở quán karaoke.
Tôi 34 tuổi, vợ 29 tuổi, đã có 2 con. Hai vợ chồng đều làm kế toán cho công ty tư nhân chuyên về lĩnh vực xây dựng. Cuộc sống vợ chồng cứ bình ổn hơn 10 năm nay. Chúng tôi đều có vẻ ngoài ưa nhìn, năng động. Vợ là người biết vun vén cho gia đình, thương chồng con hết mực. Những tưởng cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua, nhưng chính tôi lại đạp đổ hạnh phúc ấy. Do tính chất công việc tôi hay đi tiếp khách, có biết một cô bé làm trong quán karaoke.
Thương hại hoàn cảnh gia đình cô ấy nên mỗi lần tiếp khách tôi hay kêu cô ấy lại và cho tiền nhiều hơn những cô khác. Trong vòng một tháng tôi nhắn tin qua lại với cô ấy, xưng hô vợ chồng trong tin nhắn (tại cô ấy có chơi game online giống tôi, trong game hay xưng hô vậy cho vui). Thật ra chúng tôi chẳng có qua lại gì, chỉ khi tiếp khách thì gọi ra phục vụ rồi thôi.
Vô tình vợ tôi biết chuyện. Cô ấy khóc rất nhiều, cho rằng tôi phản bội, muốn rời bỏ gia đình. Tôi xin lỗi, năn nỉ và thay đổi bản thân trong suốt 4 tháng trời, chăm lo gia đình vợ con nhiều hơn, không đi tiếp khách nữa nhưng trong lòng vợ còn ấm ức và buồn rất nhiều. Tưởng cô ấy sẽ dịu lại và quên hết nỗi buồn nhưng không.
Cô ấy đi công tác huyện nhiều hơn, tiếp đối tác nhiều hơn, có khi đến đêm mới về tới nhà, con cái đã có tôi chăm lo. Nhiều lần tôi phản đối thì cô ấy đòi ly dị, tôi cũng cố cắn răng cho qua. Mỗi lần vợ đi tiếp khách về khuya là tôi buồn, mặt nặng mày nhẹ, thấy vậy cô ấy cũng ít đi lại.
Trong một lần vô tình tôi đọc được tin nhắn điện thoại của vợ và sếp, họ đã ôm hôn nhau. Tôi buồn nhưng không muốn làm lớn chuyện vì thấy mình có một phần trách nhiệm trong đó, cô ấy đến nông nỗi này cũng do tôi có lỗi trước. Vợ khóc lóc rất nhiều, nói chỉ là ngưỡng mộ sếp chứ họ chưa đi quá giới hạn, tôi nói sẽ bỏ qua nếu cô ấy xin nghỉ làm. Cô ấy xin nghỉ nhưng chỉ một ngày sau đã nói ở nhà buồn, rất yêu thích công việc hiện tại, sai lầm lớn nhất cô ấy là quen sếp.
Nếu không được làm việc, cô ấy sẽ ly hôn và đi thật xa, từ bỏ nơi này. Vì quá yêu và còn 2 con nhỏ, tôi chấp nhận tha thứ lỗi lầm, cho cô ấy đi làm lại, đặt cược tất cả tình và nghĩa lên cô ấy. Nếu vợ còn tái phạm, có lẽ tôi sẽ ra đi mãi mãi. Tôi không biết mình làm như vậy có thật yếu đuối không, phải làm sao cho vẹn cả tình và nghĩa?".
Ngay khi vừa được chia sẻ, câu chuyện của anh chồng đã nhanh chóng nhận được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng. Rất nhiều ý kiến, bình luận đã được để lại:
"Vợ chồng có đi được với nhau lâu dài hay không, ngoài yêu thương còn cần sự tha thứ. Cứ giữ mãi những câu chuyện đã cũ thì sao có thể nhìn về tương lai".
"Hóa ra là ông ăn chả, bà ăn nem. Mình chưa bao giờ đồng tình cũng như cổ xúy cho câu chuyện này. Lỗi lầm là cái đã qua, tốt nhất quên đi".
"Nếu cảm thấy không thể tha thứ thì nên dứt khoát ngay từ đầu. Để đến bây giờ lại hành động như vậy thì còn gì là tình cảm vợ chồng nữa".
Vợ chồng đến được với nhau là cái duyên nhưng có thể cùng nhau vững bước trên con đường đầy chông gai phía trước hay không lại còn phụ thuộc vào vô vàn những yếu tố khác: yêu thương, chia sẻ, tôn trọng và trong nhiều trường hợp cần lắm sự tha thứ.
Ai rồi cũng khó tránh khỏi những va vấp và lỗi lầm để ngày một hoàn thiện hơn. Mọi lỗi lầm, dù nặng, dù nhẹ vẫn sẽ luôn phải trả một cái giá tương xứng. Nhưng điều quan trọng hơn hết chẳng phải vẫn là thái độ và cách người ta khắc phục những gì đã gây ra hay sao? Trả đũa bằng một lỗi lầm tương ứng, dù với bất cứ lý gì đi chăng nữa, chẳng bao giờ là một giải pháp khôn ngoan. Bởi có chăng, tổn thương chỉ ngày một lớn nếu những thứ đã qua không mãi được chôn sâu.