Nặng tới 120 kg, bé L.M.P. (15 tuổi, trú tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) từng rơi vào nguy kịch khi mắc Covid-19. Sau 51 ngày điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, sáng 24/12, bé P. đã khỏi bệnh và được xuất viện.
26 ngày vượt cửa tử của "viên phi công số 2"
Ngày 4/11, bé P. được gia đình đưa đến khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, trong tình trạng khó thở. Trước đó, P. bị sốt 3 ngày, kèm ho đàm, khó thở, đau ngực tăng dần, SpO2 đo tại nhà: 90%.
Thời điểm nhập viện, P. tỉnh, môi hồng, SpO2: 91-92%, mạch rõ 110 lần/ phút, thở đều. Các bác sĩ cho biết bệnh nhi chưa tiêm ngừa vaccine, không có tiểu sử tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc bệnh lý nội khoa khác.
Sau khi nhập viện, bệnh nhi ho đàm vàng đặc nhiều, đau ngực, suy hô hấp tăng dần, được đặt nội khí quản, thở máy thông số cao, oxy hóa máu kém, được hội chẩn chạy ECMO. Sau đó, trẻ tăng đáp ứng viên toàn thân (cơn bão cytokin), được tiến hành lọc máu liên tục 7 ngày.
|
Bệnh nhân P. thời điểm được can thiệp ECMO. Ảnh: BVCC.
|
BSCK II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết ê-kíp điều trị cho bệnh nhi phối hợp khoa Nhiễm, khoa Hồi sức, bao gồm 6 bác sĩ và 8 điều dưỡng trong phòng áp lực âm.
Các bác sĩ đã phải gắn hệ thống ECMO ngay vào 1h30 sáng, không thể đợi đến hôm sau vì tình trạng của trẻ rất nặng. Bác sĩ Tiến cho biết sau khi được gắn ECMO, oxy máu của trẻ cải thiện tốt, chỉ số khi nhập viện là 86-88% đã lên 96-98%. Thông số máy thở cải thiện hẳn.
Sau khi trẻ thở máy 3 ngày thấy tự thở, các bác sĩ đã thiết kế chương trình cai máy sớm khi chạy ECMO. Khi áp dụng, điều khó khăn là do bệnh nhi nặng 120 kg, giường nằm không đáp ứng được, khả năng xoay trở của trẻ khó khăn. Các bác sĩ nhận định phải làm mọi cách để thông đường thở, tống đàm nhớt để giúp bệnh nhi thở lại.
Ngoài ra, có khó khăn khác là phổi của bệnh nhi bị bội nhiễm. Trẻ cũng có đợt nhiễm trùng, phải điều trị kháng sinh phổ rộng mạnh để điều trị, phản ứng viêm, lọc máu hấp phụ 4 đợt. Sau đó, tình hình của trẻ có tiến triển, cải thiện.
"Các điều dưỡng phải nỗ lực chăm sóc rất nhiều, thay băng vết thương, chúng tôi quyết định thành lập nhóm chăm sóc chuyên về vết thương, nhóm chuyên về ECMO, vai trò của điều dưỡng vật lý trị liệu và khoa Ngoại chăm sóc vết thương", bác sĩ Tiến chia sẻ.
|
Do bệnh nhi nặng tới 120 kg, việc xoay trở, chăm sóc đặc biệt khó khăn. Ảnh: BVCC.
|
Cũng theo bác sĩ Tiến, có thời điểm hai lá phổi của P. chỉ còn 10% hoạt động, còn lại tổn thương rất nặng, nguy cơ rất cao.
"Bệnh nhi rất giỏi, vượt qua chính mình, sau đó các điều dưỡng nỗ lực chăm sóc. Tôi thường nói với các y bác sĩ 'chúng ta đã đưa bé đến gần bờ thì phải đưa lên luôn tới bờ. Chỉ một phút lơi lỏng thì sẽ xa bờ, bệnh nhân sẽ trở nặng lại'. Hiện trẻ còn vết thương, loét ở vùng cùng cụt. Chúng tôi cố gắng chăm sóc cho bệnh nhi hồi phục hoàn toàn", bác sĩ Tiến cho hay.
Bác sĩ Tiến chia sẻ ông cũng hay nói với các điều dưỡng đây là "viên phi công số 2" (sau phi công 91). Trước đó, phi công 91 tưởng chừng phải ghép phổi nhưng đã vượt qua. Tình trạng của bé P. cũng vậy nhưng may mắn đã vượt qua giai đoạn hiểm nghèo.
Sau thời gian điều trị, tình trạng P. diễn tiến cải thiện dần, không sốt, thông số máy thở giảm dần, tự thở tốt, X-quang phổi cải thiện, sinh hiệu ổn. Em được ngưng chạy ECMO sau 26 ngày.
Viện phí hơn 1,1 tỷ đồng
BSCK II Lê Vũ Phượng Thy, trưởng khoa Hồi sức Tích cực, cho biết 18 năm làm hồi sức, đã điều trị nhiều bệnh nhân nặng, có bé 3-4 tháng nhưng bé P. gây ấn tượng với chị bởi sự kiên cường, dũng cảm.
"Khi bắt đầu tỉnh lại, con rất phố hợp các cô chú y bác sĩ. Trong giai đoạn tập thở thử thách, dù rất sợ, con đã làm được. Ê-kíp chúng tôi đã có được kết quả tốt. Đây chính là món quà Giáng sinh đặc biệt. Ca bệnh này để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc và ấn tượng", bác sĩ Thy cho hay.
|
P. được ra viện sau 51 ngày điều trị Covid-19. Ảnh: BVCC.
|
Ngày 24/12, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tổ chức tiễn bé P. ra viện. Sau 51 ngày điều trị, tổng viện phí của bệnh nhân này ở mức 1,1 tỷ đồng, phần lớn là do ngân sách nhà nước chi trả.
Bà Phan Như Thủy, điều hành phòng Công tác xã hội, cho biết bệnh viện đã điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc Covid-19. Trong đó, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn.
"Bé P. là trường hợp đặc biệt, mồ côi ba từ nhỏ, nghỉ học từ lớp 5, mẹ một mình nuôi 4 con, sống nhà thuê. Bé rất hiếu thảo, trong độ tuổi đến trường vui chơi đã phải lao động sớm. Các nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ gia đình, hỗ trợ bé. Bệnh viện đã nhận rất nhiều phần quà gửi đến chúc mừng bé chiến thắng bệnh", bà Thủy chia sẻ.
TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết mọi chuyện chưa dừng lại ở đây vì quá trình hậu Covid-19 cũng sẽ rất khó khăn, là vấn đề lớn. Thời gian tới, bé tiếp tục tự tập vật lý trị liệu hô hấp, vận động theo các bài tập được hướng dẫn tại nhà.
"Một tuần sau, bé sẽ được tái khám để đánh giá vết loét ở vùng lưng, chức năng hô hấp, dinh dưỡng. Bé sẽ được tái khám sau một tháng, tái khám tổn thương phổi. Ngoài ra, các biến chứng hậu Covid-19 cũng sẽ được theo dõi sát", bác sĩ Định cho biết.