Thế nhưng, nhờ được phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu, bệnh nhân đã giảm triệu chứng tới 70%, có thể trở về cuộc sống bình thường.
Suýt tàn phế vì bệnh
Bệnh nhân là ông Hoàng Minh Phong, 54 tuổi ở D6, Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội. Ông Phong cho biết: Năm 2003, tự dưng ông bị xuội tay phải xuống. Sau đó, ông lại phát hiện tay phải không nhấc lên được. Đi khám bác sĩ, ông được chẩn đoán bị Parkinson, phải điều trị bằng thuốc. 10 năm trời dùng thuốc, ông thấy đỡ bệnh. Nhưng sau đó, ông có hiện tượng không đi được dù vẫn uống thuốc đều, mà đã uống ở liều cao.
Được thông tin Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có thể mổ để chữa bệnh này, ông vội đến khám và xin mổ. Sau khi khám và hội chẩn chuyên gia, tháng 8/2016, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phẫu thuật cho bệnh nhân.
|
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn đang khám lại cho bệnh nhân Phong. |
TS Nguyễn Anh Tuấn, Quyền Trưởng khoa Nội, hồi sức, thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh nhân Phong thời điểm đến viện thậm chí không ngồi được taxi, bởi lẽ chân tay bệnh nhân cứ khua khoắng không kiểm soát được; giống như một người đang “múa” vô thức. Bệnh nhân đã ở giai đoạn nặng, nếu cứ để bệnh tiến triển như vậy, bệnh nhân có nguy cơ tàn phế, vì sau giai đoạn “múa may” sẽ là chân tay xuội xuống, phải ngồi xe lăn suốt đời. Sau khi được mổ đặt điện cực kích thích não sâu, bệnh nhân đã giảm triệu chứng bệnh rõ rệt. Ngày 25/10, tức 2,5 tháng sau khi mổ, khi bệnh nhân tái khám, các triệu chứng bệnh đã giảm tới 70%, bệnh nhân có thể đường hoàng đi vào phòng khám, ngồi nói chuyện với bác sĩ một cách bình thường mà tay chân không run, cũng không cứng đờ.
Triệu chứng cải thiện ngay sau cuộc mổ
Theo ThS.BS Trần Đình Văn, Khoa Phẫu thuật thần kinh 1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau khi phát hiện run nửa người phải, 2 năm sau bệnh nhân run tăng dần, giọng nói cũng run và chậm vận động. Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc bởi các bác sĩ chuyên khoa ở Viện Lão khoa và Bệnh viện Bạch Mai, triệu chứng run có đỡ nhưng vẫn chậm vận động. Đặc biệt, 2 - 3 năm nay, dù dùng thuốc nhưng chỉ nửa tiếng sau, triệu chứng bệnh lại như lúc ban đầu.
Do dùng thuốc điều trị Parkinson liều cao nên bệnh nhân bị tác dụng phụ của thuốc, đó là loạn động: bệnh nhân không thể kiểm soát được tay chân, cứ vung tay chân liên tục. Trước tình hình không thể dùng thuốc liều cao hơn nữa, bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật.
Đây là ca mổ điều trị Parkinson đầu tiên diễn ra ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tuy là ca mổ đầu tiên ở đây, nhưng trước đó, ThS.BS Trần Đình Văn - người trực tiếp mổ - đã tham gia nhiều ca phẫu thuật như vậy khi học ở Pháp, đã nắm vững kỹ thuật mổ. Ca mổ cũng hội tụ nhiều chuyên gia đầu ngành cả nội và ngoại khoa, cả trong và ngoài nước tham gia, giám sát, đánh giá trong và sau mổ. Qua hai lỗ khoan trên đầu bệnh nhân, vi điện cực được đưa vào vùng dưới đồi, kết hợp khung xác định tọa độ và đánh giá phối hợp của các bác sĩ nội thần kinh. Ban đầu, bệnh nhân được mổ tỉnh. Sau khi chọn được chính xác vị trí đặt điện cực, bệnh nhân được gây mê hoàn toàn, bác sĩ luồn dây vi điện cực vào nối với pin đặt ở ngực; pin này sẽ cung cấp xung điện kích thích. Sau mổ, bệnh nhân tỉnh táo, các triệu chứng cải thiện rõ.
Ngày 25/10, khi gặp phóng viên KH&ĐS, bệnh nhân Phong vui vẻ “khoe” chỗ đặt điện cực ở trên đầu và hệ thống pin ở ngực. Vết thương đã liền da. không chú ý nhìn thì không thể thấy đâu là chỗ đặt điện cực trên đầu bởi tóc đã phủ xanh. Hệ thống pin ở ngực cũng chỉ là vết gồ lên với chiều dài rộng khoảng 2 đốt ngón tay... Bệnh nhân đi lại bình thường, chỉ lúc xúc động mới hơi run nhưng trong tầm kiểm soát.