Bệnh nhân ghép phổi từ người cho chết não trên đang trong giai đoạn tập vận động, phục hồi chức năng. Dự kiến khoảng 1 tháng nữa, bệnh nhân sẽ được xuất viện.
Đây là ca ghép ở một bệnh nhân chết não, không chỉ lấy phổi mà phải lấy đa tạng nên sau khi gia đình đồng ý hiến tạng, bệnh viện phải nhanh chóng tìm được người tương thích nhận tạng.
Bên cạnh đó, trường hợp này phải hồi sức thật tốt vì hồi sức chết não là hồi sức cực kỳ khó. Hơn nữa, trong thời gian rất ngắn, các bác sĩ phải giữ được nguyên vẹn đa tạng ghép, đảm bảo các tiêu chí là cực kỳ khó.
“Vấn đề hồi sức và điều trị ghép phổi sau mổ ghép cực kỳ quan trọng, đặc biệt là ghép phổi từ bệnh nhân chết não, vì phổi rất nhạy cảm, rất dễ nhiễm khuẩn. Phục hồi được chức năng tốt thì vấn đề lưu thông và kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ rất chặt chẽ. Sau nữa là vấn đề tập vận động”, GS. Bàng nói.
|
Bệnh nhân Trần Ngọc Hanh được ghép phổi đang phục hồi tốt. |
Ngoài ra, cùng người cho chết não, đã có 5 bệnh nhân khác được ghép tạng (1 người ghép tim, 2 người ghép thận, 2 người ghép giác mạc).
GS.TS Mai Hồng Bàng cho biết thêm, ca ghép tim trong TP.HCM cũng đã ổn định, chức năng tim tốt. Còn 2 bệnh nhân được ghép thận cũng đã phục hồi và được ra viện. Với 2 bệnh nhân được ghép giác mạc, thị lực gần như bình thường và cũng đã được ra viện.
Nói về bệnh nhân hiến tạng, GS.TS Bàng thông tin, đây là 1 quân nhân đang làm nhiệm vụ, quê ở Ninh Bình. Bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày 23/2, với chẩn đoán: Trạng thái sau hồi sinh tim phổi do đột quỵ não xuất huyết dưới nhện lan tỏa, phù não nặng.
Sau khi bệnh nhân chết não, gia đình đã bàn bạc thống nhất và quyết định hiến tạng để cứu người.
“Đây là nghĩa cử cao đẹp, thiện nguyện, nhân đạo và nhân văn sâu sắc của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Với quan điểm nhân văn và hiện đại, cho đi là còn lại, chết không phải là dấu chấm hết mà cuộc sống vẫn tiếp tục nối dài, người quân nhân đó đã cứu sống được 6 bệnh nhân khác. Trong đó, có 2 đồng đội của anh, 1 người là Đại tá, 1 người là Trung tá của quân đội”, GS.TS Mai Hồng Bàng cho biết thêm.
Trước đó, ngày 26/2, từ một người cho chết não, bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã triển khai đồng thời 4 phòng mổ, vừa lấy - ghép phổi và các tạng khác. Sau gần 8 giờ, dưới sự hỗ trợ của 2 chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp, một chuyên gia ghép tạng đến từ Bỉ và hơn 60 bác sĩ, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng của bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam.
Bệnh nhân được nhận phổi trong ca phẫu thuật lần này là ông Trần Ngọc Hanh (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, SN 1964). Bệnh nhân Hanh bị tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối. Bệnh nhân bị suy hô hấp thường xuyên phải cấp cứu tại bệnh viện, có những đợt phải thở máy, oxy liên tục. Tình trạng chung của bệnh nhân ngày càng suy sụp, đe dọa tính mạng bất cứ lúc nào. Cơ hội duy nhất để bệnh nhân tiếp tục sống là được ghép phổi.
Tại Việt Nam đã tiến hành thành công ca ghép từ người cho phổi sống. Tuy nhiên, ghép phổi từ người cho chết não có nhiều khó khăn hơn rất nhiều. Bởi ở người cho sống, các bác sĩ có sự chủ động, chuẩn bị và thường chỉ lấy một thùy hoặc phân thùy để ghép cho bệnh nhân. Còn với ghép phổi từ người cho chết não, lúc này tình trạng rất khẩn cấp, yêu cầu phải hồi sức đảm bảo giữ phổi nguyên vẹn mới có thể ghép. Trong một thời gian rất ngắn, ca ghép phức tạp tất cả các vấn đề từ gây mê, sau phẫu thuật, hồi sức phức tạp… Khó khăn hơn khi trong trường hợp này phải ghép đồng thời 2 phổi.