Trường hợp một nhân viên y tế ở Cần Thơ tự cắt chân mình rồi giấu vào tủ làm nhiều người giật mình. Được biết, ngay sau đó, đại diện cơ quan cảnh sát điều tra cho biết bệnh nhân này mắc chứng bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (Body Integrity Identity Disorder) khiến bệnh nhân làm ra những hành động khó hiểu, gây tổn thương cho cơ thể.
Chứng bệnh khủng khiếp nhất trong y học
Theo các nhà khoa học, những người mắc hội chứng BIID hoàn toàn không có vấn đề về thần kinh. Họ vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường nhưng áp lực công việc, gia đình... gây ảnh hưởng tâm lý khiến họ bị stress, trầm cảm và không tự tin về bản thân.
Tuy nhiên, khi mắc căn bệnh này, trong đầu họ lúc nào cũng luôn khao khát được tàn phế và ý nghĩ ấy luôn chi phối tâm thức của những người mắc hội chứng kỳ quái này. Họ luôn có cảm giác một phần cơ thể của họ, như tay hay chân, là thừa.
|
Bệnh viện Cái Răng, nơi nam nhân viên khai tự thực hiện việc tháo rời chi chân trái. Ảnh: Minh Anh. |
Nguyên nhân của chứng bệnh là bản đồ hình ảnh về cơ thể trong não của những người mắc BIID bị khuyết một phần nào đó. Khi được toại nguyện thành người tàn phế, họ luôn cảm thấy thoả mãn, hạnh phúc hơn.
Một cuốn sách về y khoa ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc căn bệnh này tại Anh vào năm 1785. Người đàn ông đã dùng súng đe doạ và yêu cầu bác sĩ cắt cụt một chân của mình. Anh ta tin rằng điều này có thể khiến anh thu hút một người phụ nữ cũng bị khuyết tật.
Y học thế giới cũng từng ghi nhận trường hợp bà Chloe Jennings-White 58 tuổi ở Mỹ luôn mong muốn được phẫu thuật cắt bỏ chân để sống cuộc đời của người tàn phế. Người phụ nữ luôn tin rằng cả 2 chân không thuộc về mình nên mong muốn bị liệt từ thắt lưng trở xuống. "Có điều gì đó thôi thúc tôi rằng đôi chân của mình không hoạt động", bà kể.
Lần đầu tiên Chloe nhận ra cơ thể mình khác với những người xung quanh từ 4 tuổi khi đi thăm người dì bị tai nạn phải sử dụng một chiếc nẹp để băng bó chân. "Tôi muốn được như thế quá. Tôi tự hỏi tại sao mình không sinh ra như vậy", Chloe nói. Từ đó, Chloe thường giả vờ bị què chân mỗi khi ở một mình. Bà chơi các môn thể thao mạo hiểm và leo cây cao với hy vọng bị té gãy chân.
Khó phát hiện và dễ nhầm lẫn
Trả lời trên báo Tri thức trẻ, bác sĩ Trần Tuấn Khương – Bác sĩ Chuyên khoa Nội thần kinh của BV Chợ Rẫy TPHCM cho hay, đôi khi các bác sĩ điều trị cũng có thể nhầm lẫn bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể với bệnh khác, vì những biểu hiện lâm sàng và cách bệnh nhân trả lời khi khai thác bệnh.
Khi thấy nghi ngờ, hoặc kết quả xét nghiệm không giống như biểu hiện bệnh, bác sĩ phải chủ động khai thác bệnh sử, tiếp xúc với gia đình bệnh nhân, phán đoán qua thực thể bệnh, làm các xét nghiệm để biết chắc chắn bệnh nhân có bị rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể hay không.
Trong chẩn đoán rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể cần chẩn đoán phân biệt với rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn thần kinh tim, giả bệnh và tâm thần phân liệt. Cũng có thể rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm là các tổn thương phối hợp với rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể. Chính vì thế, chẩn đoán bệnh rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể là một việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khai thác bệnh sử, triệu chứng một cách thận trọng.
Theo các chuyên gia, trong xã hội hiện đại, số người mắc chứng rối loạn nhận dạng toàn diện cơ thể đang có xu hương gia tăng, nhất là ở độ tuổi dậy thì. Ngoài ra, lứa tuổi 30-40 tuổi chịu áp lực rất lớn về công việc cũng dễ mắc chứng bệnh này. Thông tin cho rằng đây là căn bệnh do bẩm sinh hoặc do di truyền thì chưa có cơ sở chứng minh.
Trước đó, lúc 19h50 ngày 10/11, Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Cái Răng nhận được tin báo của chị P.T.C. (53 tuổi, là hộ lý của Bệnh viện Đa khoa quận Cái Răng) về việc anh K. bị tháo khớp chân trái từ đầu gối xuống bàn chân, chưa rõ nguyên nhân.
Qua xác minh của công an, vào lúc 17h cùng ngày, K. đợi các đồng nghiệp trong khoa đi làm về hết, tự chốt cửa phòng rồi đi tắm sạch sẽ, ngồi trên bồn cầu trong nhà vệ sinh và dùng các sợi dây thun do mình chuẩn bị sẵn, buộc phần chân trái phía trên khớp gối lại rồi dùng dao sắc nhọn Doctor 100 (loại dùng trong y tế) cắt phần thịt tại khớp gối của mình và tháo rời phần chân trái từ đầu gối trở xuống.
Sau khi làm xong, K. dùng băng gạc bó phần chân phía trên lại và rửa sạch phần chân trái phía dưới đã tháo rời ra, dùng tay nặn hết phần máu bên trong để không còn sử dụng được, sau đó tìm cách tạo dựng hiện trường giả một vụ tai nạn giao thông.
Trong quá trình điều tra, K. thừa nhận mình bị mắc chứng rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể-BIID (có biểu hiện giống như bị ngáo đá), một trong những “quái bệnh” trong y học.
Sáng ngày 16/11, tin từ BV Trung ương Cần Thơ – nơi anh P.D.K đang điều trị, cho hay tình trạng sức khỏe bệnh nhân đặc biệt này “đã ổn, tỉnh táo, tiếp xúc bình thường, mỏm cụt ở đùi trái đã khô”. Dự kiến hôm thứ Sáu tới anh P.D.K sẽ được tiếp tục điều trị tại BV Tâm thần TP. Cần Thơ.