Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 77%
Tại Hội nghị khoa học toàn quốc của Tổng hội Y học Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội, PGS Nguyễn Thị Xuyên (Chủ tịch tổng hội Y học Việt Nam) cho biết bệnh không lây nhiễm đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới với khoảng 40 triệu người tử vong hàng năm (chiếm 70-75% số lượng tử vong trên toàn cầu) và vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Ở Việt Nam, đây cũng là nhóm bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất, cứ 10 người tử vong thì có hơn 7 người mắc và tập trung ở các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Theo thống kê của Y tế toàn cầu năm 2016, Việt Nam có 548.800 ca tử vong, trong đó tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% (với 424.000 ca). Có 44% số ca tử vong do bệnh không lây nhiễm là trước 70 tuổi.
Hiện nay, ước tính, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 126.000 ca mắc mới ung thư. Các bệnh không lây nhiễm gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị.
|
Thuốc là là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều loại bệnh không lây nhiễm |
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, việc tiếp cận điều trị bệnh không lây nhiễm còn rất hạn chế. Tại tuyến xã, hầu như chưa cung cấp dịch vụ về ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; y tế tuyến xã chủ yếu cấp thuốc điều trị huyết áp, đái tháo đường. Tuy nhiên, tuyến y tế này vẫn thiếu thuốc điều trị về số lượng, chủng loại, đặc biệt là thuốc huyết áp.
Với bệnh nhân đái tháo đường không có thuốc thường xuyên. Hiện mới có khoảng 19% bệnh nhân tăng huyết áp và 6% bệnh nhân đái tháo đường được lĩnh thuốc tại trạm y tế xã.
Bệnh phát sinh từ lối sống và dinh dưỡng không hợp lý
Lối sống không lành mạnh (như hút thuốc lá, lạm dụng uống rượu, bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực...) chính là những yếu tố làm phát triển các bệnh không lây nhiễm như: ung thư, tim mạch (đột quỵ, nhồi máu cơ tim), tiểu đường, bệnh hô hấp mãn tính.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các yếu tố nguy cơ gây mắc bệnh không lây nhiễm cao là: hút thuốc, uống rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực. Trong đó, hút thuốc là nguyên nhân của 71% số bệnh nhân ung thư; 42% số bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; 10% bệnh tim mạch.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 80% bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ và đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% bệnh ung thư có thể được phòng ngừa thông qua ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá.
Trong khi đó, nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh. Cụ thể, hiện vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam sử dụng muối cao gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (9,4gram/ngày). Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp, chỉ dưới 50%...
Theo TS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, chế độ dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là vấn đề thừa cân, béo phì. Khoảng 20 năm trở lại đây, tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng gấp 3 lần và không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các vùng nông thôn.
"Trước kia, tỷ lệ này phần lớn ở phụ nữ thì bây giờ đã ở cả nam giới và thậm chí ở trẻ em. Một số nghiên cứu ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, đặc biệt là các trường học tư thục, tỷ lệ béo phì có những trường chiếm khoảng 30% (tức là cứ 3 cháu có 1 cháu bị thừa cân, béo phì), điều này dẫn đến nguy cơ gia tăng các bệnh không lây nhiễm trong thời gian tới nếu không có các giải pháp chặt chẽ"- TS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.
|
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp để phát hiện bệnh sớm. |
Theo Cục Y tế dự phòng, nếu mọi người thực hiện các hành vi tốt cho sức khỏe như: không hút thuốc, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực và hạn chế sử dụng rượu bia thì sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường tuýp II và trên 40% các bệnh ung thư.
Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo, để phòng chống bệnh không lây nhiễm, mỗi người nên hoạt động thể lực cường độ trung bình hàng ngày, với tổng thời gian tối thiểu 30 phút/ngày, ít nhất 5 ngày/tuần. Thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp và xét nghiệm đường máu tại các cơ sở y tế, đặc biệt người trên 40 tuổi, là biện pháp hiệu quả nhất để phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm.