Chưa vào hè tử vong do dại đã tăng gấp đôi
Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Phú thọ cho biết, thời tiết nắng nóng mùa hè là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát. Cùng với đó, thói quen thả rông chó, mèo, không tiêm phòng vắc xin dại cho vật nuôi, chủ quan không đến cơ sở y tế xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn… chính là những điều kiện thuận lợi để bệnh dại phát triển.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến với 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 trường hợp). Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh dại trên người là bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế.
Virus dại tấn công thần kinh trung ương: 100% tử vong khi phát bệnh
Bệnh dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vi rút dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Hiện tại chưa có phương pháp điều trị hiệu quả bệnh dại sau khi các dấu hiệu lâm sàng xuất hiện.
Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là rất cao, có thể lên tới 100%
Thông thường, người mắc bệnh dại không có triệu chứng ngay. Virus dại có thể nằm im trong cơ thể người bệnh từ 1 đến 3 tháng trong thời kỳ ủ bệnh. Các triệu chứng sẽ xuất hiện khi virus di chuyển qua hệ thống thần kinh trung ương và tấn công não của người bệnh.
Hình minh họa: Quá trình vi rút dại xâm nhập vào cơ thể con người.
Dấu hiệu đầu tiên của bệnh dại là sốt. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc yếu. Ngoài ra, cũng có thể cảm thấy đau, ngứa ran hoặc nóng rát ở vị trí vết thương. Khi virus lây lan qua hệ thống thần kinh trung ương, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng bệnh dại khác nghiêm trọng hơn bao gồm:
Mất ngủ
Lo lắng
Lú lẫn
Nhẹ hoặc tê liệt một phần
Tăng động
Dễ bị kích động
Ảo giác
Nước bọt nhiều hơn bình thường
Khó nuốt
Hôn mê, suy tim hoặc phổi
Tử vong.
Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh dại, vì vậy khi virus dại tấn công lên thần kinh trung ương thì nguy cơ tử vong là rất cao, có thể lên tới 100%.
Cách ngăn chặn bệnh dại tránh tử vong
Cách tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh dại là khi bị chó, mèo hoặc vật nuôi cắn cần làm sạch vết thương và thực hiện tiêm phòng ngay lập tức theo các bước sau:
Rửa ngay vết thương cần với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian từ 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa tạm vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc dung dịch cồn iod hoặc những thuốc tương tự (nếu có).
Đưa người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức để thăm khám tình trạng và điều trị càng sớm càng tốt.
Đối với vết cắn của động vật, tuyệt đối chú ý:
Không để các chất kích thích như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm dây vào vết thương.
Tránh băng bó, đắp thuốc kín vết thương, tránh khâu vết thương vì có thể khiến virus dại xâm nhập dễ dàng hơn.
Khuyến cáo của Bộ Y tế
Để chủ động phòng chống bệnh dại mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ chó, mèo bị bệnh dại nên nhốt lại để tránh gây thương tích cho cho người khác. Đồng thời, liên hệ ngay với các cơ quan kiểm soát động vật để có hướng xử trí tốt nhất.
Không thả rông chó, mèo.
Khi chó, mèo ra đường phải được đeo rọ mõm.
Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
Hãy đến ngay Bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất bạn bị bất kỳ loài động vật nào cắn, kể cả vật nuôi.