Khi thay áo quần để liệm cho bố, anh em tôi còn thấy một lá thư tình trong túi áo của cụ.
(Kienthuc.net.vn) - Khi thay áo quần để liệm cho bố, anh em tôi còn thấy một lá thư tình trong túi áo của cụ. Lời lẽ đong đưa ong bướm đọc lên con cái chúng tôi còn phải đỏ mặt.
Mẹ tôi mất khi bố tôi đã bước sang tuổi 70.
[links(left)]Sợ bố buồn, chúng tôi động viên cụ tham gia các câu lạc bộ dưỡng sinh, cây cảnh, chim cảnh để giao lưu cho khuây khỏa. Lúc đầu cụ cũng không ưng, bảo cứ để bố ở nhà trông cháu. Nhưng thấy anh chị em chúng tôi nhiệt tình quá, cụ cũng đến ghi tên sinh hoạt.
Được tầm dăm buổi, cụ có vẻ quyến luyến mấy địa chỉ này. Về nhà cụ tíu tít kể chuyện với con với cháu, khoe cái này cái kia. Dăm ba bữa một lần cụ còn mời các cụ khác trong hội về nhà chơi cờ, đọc thơ. Anh em chúng tôi đứa nào cũng mừng.
Đùng một cái, con bé osin trong nhà bảo với chúng tôi là: “Ông đang yêu”. Bị vợ tôi mắng cho một trận sa sả, nó ấm ức thề sống thề chết. Nó bảo: “tại các cô chú đi làm suốt không biết chứ dạo này ông làm thơ, gọi điện thoại suốt ngày, lại còn… viết cả thư tình nữa”.
|
Ảnh minh hoạ, không phải là nhân vật trong bài viết. Nguồn: Internet |
Nhà tôi triệu tập họp bí mật khẩn cấp, con cái dâu rể không đứa nào được vắng mặt. Bàn đi, tính lại, cuối cùng phương án được thống nhất: phải điều tra xem bố đang “yêu” ai; nếu môn đăng hộ đối, là người tử tế, phù hợp với tuổi bố thì để ông bà đến với nhau cho vui vầy tuổi già.
Chỉ mất đúng 1 ngày thuê thám tử theo bố, chúng tôi đã biết tường tận mọi sự. Hóa ra bố tôi, đã 72 tuổi, lại đang yêu thật. Mà bố tôi - một trí thức cao cấp, lại yêu cô lao công ở nhà văn hóa chỗ các cụ hay họp. Mà nữa, “người yêu” của bố tôi mới chưa đến 40, nghĩa là chỉ bằng tuổi em dâu út của tôi.
Lại họp. Lần này có cả bố tôi. Anh em tôi đề nghị bố chấm dứt. Bố tôi bảo không. Bố con nói qua nói lại, cuối cùng cụ hầm hầm đứng dậy, vứt lại một câu “đồ mất dạy” cho cả lũ chúng tôi.
Sau hôm ấy, bố tôi không đi taxi chúng tôi vẫn hẹn đến đưa đón cụ nữa, cũng không cầm tiền chúng tôi biếu thêm hàng tháng. Cụ ngày ngày đi xe đạp đến CLB, chi tiêu đúng trong khoản tiền lương hưu. Về nhà, cụ vào thẳng phòng, không thèm nói năng gì với con cái.
Thám tử của tôi cho biết: bố tôi vẫn tham gia các CLB, thời gian còn lại cụ giúp cô lao công làm tí việc cơ quan. Xong việc thì hai người dắt nhau về nhà cô nàng, trò chuyện rồi cơm nước với nhau. Buối tối thi thoảng cụ đưa cô nàng đi sắm sửa. I xì như một cặp tình nhân mới lớn.
Mấy cô em tôi điên lắm. Chúng nó xót bố. Già rồi còn lụi cụi làm mấy cái việc vừa mất sức, vừa mang tiếng. Cả nhà lại họp.
Lần này, chúng tôi cử cô ba vốn được bố cưng nhất nói chuyện riêng với bố.
Thế mà nó vừa rằng bố thử cân nhắc xem,… “chị ấy” trẻ quá, chỉ sợ người ta lợi dụng “đào mỏ” bố thì bố tôi đã ba máu sáu cơn đuổi cô ba ra khỏi phòng.
Ngọt nhạt chẳng được, chúng tôi dùng phương pháp chiến tranh lạnh. Kế hoạch tác chiến được dàn dựng chu đáo. Ở nhà tôi, sự hơi xa lánh của hai đứa cháu đích tôn khiến ông chịu khó ở nhà hơn thì qua nhà các cô, các chú, lũ cháu lại làm “nội gián” rút bớt tiền lương của ông. Đứa xin ông con siêu nhân, đứa xin ông mấy quyển truyện… cứ thế, cứ thế.
Mục đích của anh em tôi là để bố tôi hết tiền, để cô bồ trẻ của bố tôi chán mà “đá đít” cụ đi.
Bố tôi hình như biết những toan tính của chúng tôi. Đi thì chớ, về đến nhà thấy mặt con cái là cụ chửi, lũ bất hiếu, lũ mất dạy, lũ hợm tiền… có từ gì chửi được là cụ chửi tất.
Tình cảm bố con, ông cháu; lòng kính trọng chúng tôi, hàng xóm, bạn bè dành cho bố mấy chục năm qua; sự sung sướng đầy đủ của bố tôi … tự bố tôi đánh mất! Bố tôi cứ như ăn phải bùa ngải, không cần gì con cháu, danh dự, tiền bạc; đắm đuối đi theo hầu hạ cung phụng người đàn bà kém mình hơn ba chục tuổi.
Nhà tôi đã sống trong cảnh đấy 5 năm trời. Rồi bố tôi đi. Trong đám tang cụ, khi tổ trưởng khu phố đọc điếu văn đến đoạn: “Sau khi vợ mất, ông đã chung thủy ở vậy vui vầy sớm tối với con cháu” thì mấy anh em tôi nhìn nhau rồi không nhịn được cười.
Không phải chúng tôi không buồn trước sự ra đi của bố, mà bởi vì lúc thay quần áo, tắm rửa cho bố để chuẩn bị niệm rồi nhập quan, chúng tôi đã thấy mấy lá thư tình của cô bồ trẻ và bố tôi viết cho nhau; lời lẽ đong đưa ong bướm đọc lên tuổi con cái chúng tôi còn phải đỏ mặt.
Đám tang bố tôi, cô - vợ - hờ ít tuổi hơn con dâu út của bố tôi không đến. Sau ấy nghe người trông coi khu mộ, cũng chẳng thấy có cô nào đến mộ thăm bố tôi cả.
Thế là bố tôi, vì ham mê thứ nhan sắc muộn màng kia, đã gạt bỏ tất cả, để cuối cùng chẳng được gì, dù chỉ là chút xót xa của người ở lại sau khi cụ đã đi xa!
Nguyễn Văn Dũng (Khâm Thiên, Hà Nội)