Gia đình bệnh nhi cho biết trước đó, vùng âm đạo của trẻ sưng đỏ, đau rát, tiết dịch vàng và có mùi hôi. Trẻ được điều trị nội khoa, uống thuốc trị viêm nhưng tình trạng bệnh không giảm.
Lo lắng con có vấn đề bất thường, gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để thăm khám. Qua siêu âm bụng, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị viêm âm đạo kéo dài do dị vật trong vùng kín.
|
Mảnh bông gòn được gặp ra khỏi âm đạo bệnh nhi. Ảnh: BSCC. |
Sau đó, bệnh nhi được nội soi âm đạo để tìm dị vật. Kết quả kiểm tra cho thấy trong âm đạo của bé có mảnh bông gòn. Dị vật này bám chặt vào thành âm đạo gây viêm đỏ, nhiều mủ đục, hôi. Trẻ nhanh chóng được bác sĩ lấy dị vật, bơm rửa âm đạo.
Làm gì để trẻ không nhét dị vật vào “vùng kín”
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh cần hết sức lưu ý đến trẻ, nhất là độ tuổi 3-6. Ở giai đoạn này, trẻ hiếu động, tò mò, tự mình tìm hiểu thế giới xung quanh. Các bé nhỏ thường nghịch phá nhét dị vật vào chỗ kín một cách không có chủ ý, còn đối với trẻ lớn hơn thì do tò mò muốn khám phá bản thân. Nhiều trường hợp trẻ hay táy máy nhét vật này vật nọ vào cơ thể mình.
Phụ huynh cần hướng dẫn, quan sát trẻ kỹ lưỡng và cho bé chơi những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, để tránh xảy ra những tình trạng đáng tiếc.
Việc các bé gái chơi nghịch để dị vật “lạc” vào “vùng kín” nếu không phát hiện sớm sẽ gây viêm nhiễm vùng âm hộ. Tình trạng này kéo dài có thể tạo các ổ mủ nằm sâu rất khó chữa. Thậm chí, lâu ngày, nó có thể làm thủng vách bàng quang âm đạo.
|
Phụ huynh cần hướng dẫn, quan sát trẻ kỹ lưỡng và cho bé chơi những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, để tránh xảy ra những tình trạng đáng tiếc. |
Vì vậy, tốt nhất là tránh cho trẻ chơi một mình mà không có sự quan sát của người lớn, nhất là với các đồ chơi nhiều thành phần nhỏ. Phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần chú ý khi chăm sóc bé, đồng thời chỉ dạy, dặn dò trẻ không nên nghịch dại nhét dị vật vào cơ thể mình để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Khi thấy các bé có tình trạng chảy dịch có mùi ở “vùng kín” thì phụ huynh nên nghĩ đến dị vật và đưa đi khám chuyên khoa. Trẻ cũng cần được khám tâm lý sau phẫu thuật nhằm tránh tái phát.