Cô bé Lin Xiaojie, 6 tuổi, ở TP. Đào Viên, Đài Loan, được cha mẹ đưa tới bệnh viện trong tình trạng trước đó bị sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng kéo dài nhiều ngày, nước tiểu có màu xanh lá cây.
|
Nước tiểu của bé Lin Xiaojie có màu xanh lá cây. |
Bé Lin đã được làm xét nghiệm máu khẩn cấp và cho chụp cắt lớp vi tính. Kết quả chẩn đoán cho thấy bé bị bệnh nhiễm trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) và báo cáo nuôi cấy vi khuẩn cũng được xác nhận là nhiễm khuẩn đường ruột Salmonella.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, các bác sĩ đã xác định nguyên nhân mắc bệnh là do cháu bé ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn vì không để trong tủ lạnh.
Chen Zhennan, bác sĩ nhi khoa tại bệnh viện Chang An cho biết, vì tủ lạnh hỏng nên mẹ cháu bé đã lấy hết thực phẩm tồn trữ ra để ăn cho hết mà không biết rằng, trong thời tiết mùa hè nắng nóng, thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn Salmonella. Trẻ em vốn có sức đề kháng yếu, nên càng dễ bị mắc bệnh về đường tiêu hóa hơn.
Tuy nhiên rất may là hệ tiêu hóa mới bị nhiễm khuẩn nhẹ, không gây ra viêm ruột thừa nên sau khi được tiêm kháng sinh tĩnh mạch 3-4 ngày, bé Lin đã được xuất viện.
Bác sĩ Chen Zhennan cho hay, nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt và trong. Nếu nước tiểu đổi sang màu bất thường thì đó là dấu hiệu cảnh báo bất ổn của cơ thể.
|
Bác sĩ nhi khoa Chen Zhennan cảnh báo cha mẹ cần quan tâm đến những dấu hiệu của căn bệnh nhiễm khuẩn đường ruột salmonella. |
Trường hợp nước tiểu màu xanh lá cây có thể do người bệnh ăn phải thực phẩm có chứa nhiều phẩm màu, uống một số loại thuốc như trị dạ dày, an thần... hoặc do bị nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn.
Bình thường, phải mất 3 đến 5 ngày nuôi cấy vi khuẩn mới cho kết quả chẩn đoán chính xác. Thông thường, nếu nước tiểu có màu xanh lá cây, đầu tiên bác sĩ sẽ nghi là do nhiễm trực khuẩn mủ xanh sau đó mới cho bệnh nhân đã thử nghiệm khuẩn Salmonella... Do vậy khi thấy nước tiểu hay phân có màu xanh, mọi người phải hết sức cẩn thận.
Bác sĩ cảnh báo, Salmonella là căn bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa có thể lây lan qua đường bài tiết. Loại vi khuẩn này hay có trong trứng, thịt và các sản phẩm từ sữa. Khoảng 90% những người nhiễm Salmonella có thể bị viêm dạ dày, đường ruột cấp.
Các triệu chứng nhiễm khuẩn bao gồm buồn nôn, nôn và tiêu chảy, đau bụng co rút, sốt... Hầu hết mọi người có thể từ từ hồi phục sau khi nghỉ ngơi nhưng trẻ em, người già hoặc bệnh nhân ốm yếu... do sức đề kháng kém nên có thể bị vi khuẩn lan vào máu dẫn đến nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong do suy nội tạng.
Ngộ độc thực phẩm mùa hè thường có nguyên nhân do nhiễm khuẩn Salmonella, do vậy các bậc cha mẹ có con nhỏ cần đặc biệt chú ý đến thói quen vệ sinh của trẻ, dạy trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để, không ăn những thức ăn bẩn hay ôi thiu.
Khi con bạn có các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, sốt... cần ngay lập tức đưa đi khác bác sĩ. Chỉ cần bạn làm đủ công tác phòng chống, gia đình bạn sẽ tránh xa được nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột salmonella.