Trong chương trình "Doctor is hot", bác sĩ Điền Tri Học, khoa cấp cứu, bệnh viện Cheng Hsin General Hospital, mới đây chia sẻ về trường hợp một bệnh nhi nữ (12 tuổi) sống tại Đài Loan.
Cô bé nhập viện trong tình trạng ngất xỉu, người nhà sợ tái mặt nên đã nhanh chóng đưa bệnh nhi đến khoa cấp cứu. Ngay khi thấy bác sĩ, người nhà của bệnh nhi vội vàng hỏi: "Con bé bị thiếu máu đúng không bác sĩ? Nhìn mặt nó trắng bệch".
Bác sĩ Điền đã tiến hành xét nghiệm máu cho bệnh nhi và xác định chỉ số lượng huyết sắc tố chỉ còn 5, chứng thực phán đoán của người nhà là bệnh nhi bị thiếu máu và bắt đầu lo lắng tìm điểm xuất huyết.
Khi bác sĩ Điền hỏi thăm bệnh nhi đã có kinh nguyệt hay chưa? Mẹ của bệnh nhi đáp: "Vẫn chưa". Nào ngờ, cô bé 12 tuổi yếu ớt trả lời rằng: "Đến rồi, hiện tại con đang có kinh nguyệt và kéo dài đến hôm nay đã 18 ngày".
Câu trả lời của cô bé khiến mọi người có mặt cảm thấy sốc, bởi chu kỳ kinh nguyệt lần đầu của bé gái 12 tuổi nhưng kéo dài 18 ngày là điều bất thường.
Vốn dĩ cô bé cảm thấy vui mừng và muốn thông báo cho mẹ biết em đã trở thành thiếu nữ nhưng lượng máu kinh nguyệt xuất ra quá nhiều. Sau khi tìm kiếm thông tin trên mạng, cô bé nhận thấy trường hợp của em khác biệt nên đã nghi ngờ mình mắc căn bệnh lạ.
Ban đầu, cô bé sử dụng băng vệ sinh có kích thước 23cm, sau đó em phải đổi thành loại 42cm do máu kinh chảy nhiều. Do cô bé quá căng thẳng, cộng thêm thiếu máu nên sau cùng dẫn đến tình trạng ngất xỉu.
Bác sĩ Điền lập tức kê đơn thuốc cho bệnh nhi và yêu cầu người nhà đi lấy thuốc. Rất may là không có bất thường nào xảy ra, sau khi bệnh nhi được truyền máu và uống thuốc, chỉ số hồng cầu đã dần ổn định.
Bác sĩ Điền cảnh báo, mọi người không nên nghĩ rằng hầu hết trường hợp có chu kỳ kinh nguyệt lần đầu máu sẽ chảy nhỏ giọt, có trường hợp máu sẽ chảy rất nhiều như bệnh nhi đề cập phía trên. Trong trường hợp người bệnh có triệu chứng bất thường thì nên đến khoa phụ sản kiểm tra, uống thuốc theo đơn và không tùy tiện sử dụng thuốc để tránh tác dụng phụ nghiêm trọng.
Bệnh nhân thiếu máu thường có những biểu hiện sau:
Da và niêm mạc xanh xao, nhợt nhạt.
Ù tai, hoa mắt, chóng mặt.
Chán ăn, rối loạn tiêu hóa.
Mệt mỏi, hồi hộp, nhịp tim nhanh.
Nếu là phụ nữ sẽ có thể gặp tình trạng rối loạn kinh nguyệt hoặc vô kinh.
Các yếu tố nguy cơ của hiện tượng thiếu máu là:
Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu sắt, vitamin B12, folate.
Rối loạn đường ruột: tình trạng này dẫn đến sự hấp thu kém các chất dinh dưỡng trong ruột non gây nên thiếu máu.
Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt có thể gây ra thiếu hồng cầu, dẫn đến tình trạng thiếu máu.
Phụ nữ trong quá trình mang thai có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt do lượng sắt phải được dự trữ cho khối lượng máu tăng lên để cung cấp hemoglobin cho bào thai.
Bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như ung thư, suy thận, suy gan cũng là nguy cơ của thiếu máu.
Tiền sử gia đình mắc các bệnh máu di truyền cũng là nguy cơ gây nên tình trạng thiếu máu.
Những yếu tố khác như tiền sử nhiễm trùng, bệnh về máu, rối loạn tự miễn, nghiện rượu, hóa chất độc hại và sử dụng thuốc cũng ảnh hưởng đến sự sản xuất hồng cầu, gây hiện tượng thiếu máu trên bệnh nhân.