Bị đuổi khỏi nhà và các hủ tục phụ nữ phải chịu khi đến kỳ kinh nguyệt

Google News

Ở một số nơi châu Á, phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt luôn bị xem là những người dơ bẩn, đáng xấu hổ. Họ bị đuổi đến sống trong những túp lều xập xệ và không ai chăm sóc.
 

Năm 2019, Parbati Bogati (17 tuổi) bị đuổi ra khỏi nhà trong “ngày đèn đỏ” của mình. Cô phải dọn đến một căn lều (thường được gọi là "lều kinh nguyệt") tồi tàn, xập xệ.
Vài ngày sau, người ta tìm thấy thi thể của Bogati trong chính túp lều này. Cô chết vì ngạt khói độc từ đống lửa được nhóm lên để giữ ấm trong đêm đông giá rét.
Olivia Cotes-James, nhà sáng lập Luuna Naturals, công ty tạo ra các sản phẩm chăm sóc chu kỳ phụ nữ, cho biết: “Sự kỳ thị kinh nguyệt chính là rào cản lớn nhất đối với sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ chúng tôi”.
“Nhiều người vẫn cảm thấy kinh nguyệt là thứ gì đó bẩn thỉu và đáng xấu hổ. Nếu bi kịch này vẫn còn tiếp diễn trong xã hội, chắc hẳn không còn cơ hội để phụ nữ tin vào cái được gọi là quyền bình đẳng giới”, cô nói thêm.
Kinh nguyệt đóng vai trò rất quan trọng đối với việc sinh sản và phát triển loài người, nhưng những quan niệm và hủ tục sai lầm về nó đến nay vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới.
Bi duoi khoi nha va cac hu tuc phu nu phai chiu khi den ky kinh nguyet
 Phụ nữ bị bắt ngủ dưới những túp lều đơn sơ, xập xệ mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt của mình. Ảnh: Kamal Khatri.
Hủ tục “kỳ thị kinh nguyệt”
Chhaupadi là hủ tục yêu cầu phụ nữ khi đến tháng phải sống trong những túp lều đơn sơ, nhằm tránh gây ô uế trong nhà của mình.
Ở một số vùng châu Á, tín ngưỡng văn hóa và tôn giáo ăn sâu vào nhận thức của người dân khiến họ tự buộc mình vào vô số hủ tục lạc hậu, trong đó có chhaupadi.
Theo một nghiên cứu vào năm 2019 từ Đại học Bath (Anh), có tới 77% phụ nữ và trẻ em gái sống tại trung tây Nepal đang bị buộc phải đến sống trong những "túp lều kinh nguyệt" mỗi lần đến tháng, dù chính phủ Nepal đã ra lệnh cấm việc này vào năm 2018.
Jennifer Thompson, tác giả nghiên cứu, còn cho biết: “Phụ nữ ở đây không được phép chạm vào đàn ông trong gia đình, không được đi chùa, không đến lễ hội, không được vào bếp hay nấu ăn, cũng không được ăn thực phẩm thường ngày như bơ sữa. Họ thậm chí còn không được ngủ trên giường của mình”.
“Đáng buồn hơn, những hủ tục này thường bị ép buộc bởi các thành viên lớn tuổi trong gia đình mà đa phần là phụ nữ như bà, mẹ, hoặc các bô lão”, cô bổ sung.
Ngay cả những nơi gần hoặc trong trung tâm thành phố, nhiều người vẫn cho rằng sử dụng tampon giống với hành vi tình dục. Họ còn mặc định những cô gái còn trinh trắng không thể sử dụng cốc nguyệt san, cũng không thể bơi hay tập thể dục trong chu kỳ.
Cotes-James cho rằng việc chăm sóc sức khỏe trong chu kỳ ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe tổng quát của phụ nữ.
“Thế nhưng, thay vì xem kinh nguyệt là một chỉ số hạnh phúc, nhiều phụ nữ được dạy cách phải xa lánh và mặc kệ nó. Một cách vô tình, họ có thể bỏ qua những dấu hiệu quan trọng về sức khỏe của mình”, cô chia sẻ.
Khoảng 1 trong 10 phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung, tuy nhiên, họ phải mất trung bình gần một thập kỷ để phát hiện bệnh.
“Nguyên nhân chính là phụ nữ thường không chú ý đến việc mất bao nhiêu máu mỗi tháng, hoặc phớt lờ những triệu chứng trong ‘ngày dâu’, bởi xã hội buộc họ phải làm thế”, cô nhận định.
“Cần nhiều hành động quyết liệt và rõ ràng hơn, đặc biệt là đối với quan niệm kỳ thị kinh nguyệt. Đó không chỉ là vấn đề vệ sinh đơn thuần, mà còn tượng trưng cho quyền của phụ nữ, ảnh hưởng đến tính mạng và cơ thể của họ", Thompson cho biết.
Bất bình đẳng giới và những rào cản vệ sinh cơ thể
Theo UNICEF, phụ nữ tốn trung bình 8 năm cuộc đời cho tổng chu kỳ kinh nguyệt của mình.
“Việc sử dụng cốc nguyệt san giúp phụ nữ đánh giá xem lượng máu họ mất có nằm trong phạm vi bình thường hay không.
Khuyến khích sử dụng băng vệ sinh ở những nơi kém phát triển không giải quyết được tình trạng nghèo đói của họ. Thậm chí, nó làm trầm trọng hơn một vấn đề cấp bách khác - chất thải nhựa”, Cotes-James cho biết.
Theo Mạng lưới Môi trường Phụ nữ, một phụ nữ trung bình sử dụng 11.000 sản phẩm kinh nguyệt dùng một lần trong hơn 30 năm.
Thế nhưng, một chiếc cốc nguyệt san có thể tồn tại đến 10 năm, không những thế, nó tiết kiệm hàng tỷ đồng và giảm số lượng rác thải mất hàng nghìn thế kỷ để phân hủy.
Có nhiều trải nghiệm sống ở Hong Kong và Thượng Hải, Cotes-James nói rằng bên cạnh những vấn đề rõ rệt tại châu Á thì ở quy mô toàn cầu, phụ nữ trước giờ vẫn phải chịu đựng bất bình đẳng giới và những quan niệm cổ hủ liên quan đến sức khoẻ sinh sản.
Christo Ekapatria, bác sĩ phụ khoa ở Jakarta, cho biết: “Phụ nữ châu Á có quan niệm giữ gìn trinh tiết cho đến lúc kết hôn, vì vậy họ không muốn đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo của mình”.
Thậm chí, việc chạy các chiến dịch giáo dục về cốc nguyệt san trong trường học là không thể vì chúng được xem như thúc đẩy quan hệ tình dục, ông nói thêm.
“Trong nhiều năm qua, đàn ông luôn là người quyết định mọi thứ liên quan đến các sản phẩm dành riêng phụ nữ, từ điều hành công ty sản xuất băng vệ sinh, giám sát quảng cáo, cho đến việc đánh thuế chúng như một mặt hàng xa xỉ và không yêu cầu các công ty khai báo nguồn gốc vật liệu sản xuất”, Cotes-James ý kiến.
Trong một trung tâm mua sắm cao cấp ở Indonesia, một gói băng vệ sinh 10 miếng có giá chỉ 7.500 rupiah (0,55 USD) nhưng với số lượng tampon tương tự, chúng có giá gấp tám lần.
Nhiều bức xúc như trên đã dẫn đến vài thay đổi tích cực: Ấn Độ, Canada và 13 tiểu bang của Hoa Kỳ tuyên bố bãi bỏ thuế tampon, các nhà lập pháp ở Scotland đang ủng hộ một dự luật sản xuất các sản phẩm phụ nữ miễn phí.
"Tôi tin chúng ta có quyền chịu trách nhiệm cho chính cơ thể của mình, ít nhất là biết rõ thành phần trên bao bì các sản phẩm vệ sinh. Chúng ta vẫn còn chặng đường dài phía trước để hiện thực hóa giấc mơ bình đẳng giới", cô nói.
Theo Yến Nhi/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)