“Bay” nguyên mảng da đầu vì…uốn tóc
Mới đây, P.T (16 tuổi, ở Lâm Đồng) đã phải đến Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) để “khắc phục hậu quả” sau một lần đi làm đẹp tóc đón Tết. Cô gái trẻ nhập viện trong tình trạng một mảng lớn da đầu khoảng 10x5cm bị loét nặng. P.T cho biết, trước đó cô gái đi làm tóc đón tết tại một tiệm làm tóc gần nhà. Trong lúc uốn tóc, ống uốn tóc bị xì hơi nóng ra. Mặc dù cảm nhận được hơi nóng bất thường, song, cô gái vẫn nghĩ uốn tóc thì phải chịu nóng. Chính suy nghĩ ấy khiến cô phải chịu một vết bỏng lớn trên đầu. Cô về nhà và tự chăm sóc vết bỏng vì nghĩ sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, sau hơn 3 tuần, vết thương không những không “tự khỏi”, mà càng ngày càng ăn sâu và loét ra khiến cô phải nhập viện. Tại Bệnh viện Trưng Vương, bác sĩ cho biết, vùng da đầu của bệnh nhân bị bỏng sâu. Các bác sĩ Khoa Bỏng Tạo hình thẩm mỹ của Bệnh viện đã phải cắt lọc vùng da bị bỏng sâu cho cô. Sau đó, bác sĩ đã tạo hình lại da đầu cho cô gái.
Cũng tại Bệnh viện Trưng Vương, chị T.L (38 tuổi) phải điều trị lâu dài để lấy lại hình dáng vành tai lành lặn. Chị L cũng là một nạn nhân của tiệm làm tóc. ThS.BS Trần Lê Hồng Ngọc, Khoa Bỏng Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, chị L đến bệnh viện trong tình trạng ½ vành tai trên bị bỏng nghiêm trọng, một phần vành tai đã chuyển màu đen vì hoại tử.
Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó khoảng 3 tuần, chị đi hấp dầu để làm đẹp tóc. Trong khi hấp dầu, nước từ máy hấp dầu chảy xuống tai khiến vành tai bỏng nặng. Nhưng vì chủ quan nên chị tự điều trị ở nhà khoảng 3 tuần. Khi thấy tình trạng càng ngày càng nặng mới đến bệnh viện. Tuy nhiên, vì nhập viện quá trễ nên 1/3 vành tai của chị L đã bị hoại tử nên phải cắt bỏ để tránh nhiễm trùng. Phần vành tai còn lại cũng bị bỏng nhưng còn bảo tồn được. BS Trần Lê Hồng Ngọc nhận định, với vết bỏng sâu đến nỗi hoại tử như bệnh nhân này, nguyên nhân bỏng chắc chắn phải do hóa chất hấp dầu. Nếu bỏng do hơi nước bình thường không thể dẫn đến bỏng sâu như vậy.
Dù chưa ảnh hưởng đến tính mạng, song hậu quả về mặt thẩm mỹ đối với cả 2 bệnh nhân là rất nặng nề. Chị T.L được tạo hình lại vành tai. Tuy nhiên, để lấy lại hình dáng vành tai như ban đầu thì rất khó. Còn với bệnh nhân P.T, dù được cấy lại vùng da đầu mới nhưng vùng da đầu này không thể khiến tóc mọc trở lại.
Những tai nạn trong khi làm tóc là rất khó lường trước để đề phòng. Riêng trường hợp bị bỏng như hai bệnh nhân nữ trên, BS Trần Lê Hồng Ngọc khuyến cáo mọi người nên có cách xử trí đúng khi bị bỏng. Nạn nhân phải được dùng nước mát dội trực tiếp lên chỗ bỏng trong vòng 15-20 phút để vết thương không ăn sâu. Sau đó, nạn nhân cần đến ngay bệnh viện có chuyên khoa bỏng gần nhất để điều trị. Trong hai trường hợp trên, bệnh nhân phải lãnh hậu quả nghiêm trọng là do sự chủ quan, tự điều trị ở nhà làm vết thương ăn sâu hơn.
|
Bệnh nhân bị bong mảng lớn da đầu sau khi uốn tóc (ảnh do BV cung cấp). Nguồn ảnh: Báo Lao Động. |
Thuốc nhuộm tóc nhiều thành phần nguy hại
Anh C.H (35 tuổi, ở Hà Nội) bị chứng tóc bạc sớm, mới 35 tuổi tóc đã ngả màu muối tiêu. Để tự tin hơn, anh đã tìm đến một tiệm tóc gần nhà để nhuộm đen. Sau khi nhuộm, về nhà, anh bỗng dưng cảm thấy đầu đau rồi chuyển sang ngứa dữ dội. Ngày hôm sau, anh bị nổi mụn khắp đầu và mặt. Anh cố gắng chịu đựng và mua thuốc đỏ về chấm lên vết mụn để sát khuẩn với mong muốn sẽ mau hết. Tuy nhiên, vài ngày sau, tình trạng càng thêm nặng. Anh bị nổi mụn ngứa khắp người. Lúc này, anh mới tới bệnh viện để điều trị. Tại Bệnh viện, qua thăm khám và hỏi bệnh sử, các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị dị ứng với thành phần thuốc nhuộm tóc. Anh phải điều trị hơn 1 tháng, dù tình trạng ngứa đã dịu, nhưng những vết mụn để lại đã hóa thâm đen khắp người và mặt.
Theo thống kê, tại các cơ sở y tế, số người bị dị ứng do nhuộm đen nhiều hơn nhuộm màu. Bởi những người nhuộm đen thường là người có tuổi, sức đề kháng kém, hay có bệnh mạn tính. Bên cạnh đó, họ thường nhuộm trong thời gian dài. Những trường hợp có cơ địa dị ứng với thành phần của thuốc nhuộm càng dễ bị hơn. Theo đó, biểu hiện ban đầu của bệnh nhân thường là ngứa dữ dội, nổi mụn nước ở da đầu, chảy nước, đóng vảy, có thể rụng tóc. Không ít bệnh nhân bị lan ra cả vùng mặt, để lại sẹo thâm đen. Tình trạng có khi kéo dài hàng tháng hay tái đi tái lại nhiều lần. Một số ít có thể gặp biến chứng nhiễm trùng. Đặc biệt, bệnh nhân nam bị dị ứng thuốc nhuộm tóc nhiều hơn nữ.
Theo các chuyên gia hóa học, thuốc nhuộm tóc có thành phần bao gồm thành phần nhằm làm sợi protein trong tóc mềm ra để đưa thuốc vào tẩy màu có sẵn, rồi tiếp tục đưa thêm màu muốn có vào. Ngày nay, thuốc nhuộm tóc thường gộp tất cả các quy trình trên thành một khâu nên thuốc nhuộm tóc cũng có nhiều hóa chất độc hại hơn. Nguy cơ gây dị ứng cao hơn và người bị cũng khó biết mình phản ứng với thành phần nào.
Việc nhuộm tóc làm đẹp là nhu cầu cần thiết của mọi người. Do đó, để tránh được những biến chứng đáng sợ từ thuốc nhuộm, theo các chuyên gia, đối với những người đã từng có tiền sử về dị ứng thì cần hết sức thận trọng khi dùng mỹ phẩm cũng như thuốc nhuộm tóc. Ngoài việc sử dụng loại thuốc nhuộm có thương hiệu, bảo đảm chất lượng thì người dân nên thử thuốc trước khi nhuộm để đảm bảo an toàn. Thử thuốc bằng cách bôi thuốc ở mặt trong cánh tay, sau khoảng một giờ nếu vùng da này không bị ngứa đỏ tức cơ thể không bị dị ứng với loại thuốc nhuộm này. Khi dùng và phát hiện ra bất cứ biển hiện gì ví dụ như: ban đỏ, sốt, tức ngực… người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa Dị ứng miễn dịch để kiểm tra.