Liên quan vụ việc nhiều học sinh tại huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, phải nhập viện điều trị với các triệu chứng sốt, ho, chóng mặt, nhức đầu, đánh giá ban đầu của Trung tâm Y tế Dự phòng huyện U Minh cho thấy các em học sinh này có biểu hiện cúm mùa. Hiện đơn vị này đã lấy mẫu bệnh gửi xét nghiệm để xác định virus gây bệnh.
Ngành Y tế huyện U Minh đã phối hợp với các trường trên địa bàn tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng, phòng ngừa mầm bệnh lây lan.
ThS.BS Phạm Văn Phiến, Trưởng phòng Truyền thông và giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế quận 3 (TP.HCM), cho biết cúm mùa là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính, do chủng virus cúm A (H1N1 và H3N2) gây ra.
Bệnh thường xảy ra vào mùa đông và lây lan trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua tiết dịch đường hô hấp khi nói chuyện, ho, hắt hơi hoặc gián tiếp thông qua dịch tiết có virus dính vào các dụng cụ, đồ vật sử dụng chung.
|
Ngành y tế huyện U Minh tiến hành phun thuốc khử trùng tại trường học trên địa bàn. Ảnh: VOV. |
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, trên thế giới có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh cúm. Trong đó, có đến 3-5 triệu trường hợp chuyển nặng và khoảng 250.000-500.000 người tử vong. Việt Nam ghi nhận hàng năm có khoảng 1,6 triệu trường hợp mắc bệnh cúm.
BSCKII Nguyễn Bạch Huệ, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM), cho biết thời tiết giao mùa (chuyển từ nắng gắt sang mưa lạnh) và mùa tựu trường là điều kiện thuận lợi cho nhiều mầm bệnh phát sinh, nhất là cúm mùa.
Các dấu hiệu khi mắc cúm mùa dễ nhận biết là sốt cao trên 38 độ, nhức đầu, nhức mình, chảy mũi, đau họng, mệt mỏi và ho, trẻ em có thể nôn ói, tiêu chảy. Thời gian ủ bệnh từ 2-3 ngày, kết thúc trong vòng từ 5-7 ngày.
Việc chăm sóc, giữ vệ sinh kém có thể dẫn đến tình trạng bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp như: phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn. Bệnh có nguy cơ bùng phát, diễn tiến nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng nếu người bệnh mắc những bệnh mạn tính như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản,…
Những đối tượng suy giảm hệ thống miễn dịch như người lớn trên 65 tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai khi mắc bệnh có thể gây độc lực, biến chứng nặng hơn.
Để chủ động phòng tránh sự lây lan bệnh cúm mùa, người dân cần thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, ăn uống hợp lý, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân. Đối với trẻ, cha mẹ cần đưa con đi tiêm phòng đầy đủ để hạn chế nguy cơ mắc bệnh cúm mùa.