Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, Trưởng khoa Nam học Bệnh viện chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Hà Nội, cảnh báo hiện nay số bệnh nhân là nam giới đến khám vô sinh, có rất nhiều người bị viêm tinh hoàn do biến chứng của quai bị. Nhiều trường hợp tinh hoàn bị teo nhỏ mà không biết, chỉ đến khi bác sĩ cho biết không có tinh trùng họ mới hay biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này.
|
Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng chia sẻ về căn bệnh. Ảnh: H.Q. |
Trên 35% vô sinh do biến chứng của quai bị
Chuyên gia chia sẻ trường hợp một nam bệnh nhân 31 tuổi, ở Bắc Giang mới đây đã tìm đến sau 6 năm không có con.
Sau khi thăm khám và làm xét nghiệm, bác sĩ kết luận tinh dịch của anh không có tinh trùng do biến chứng quai bị. Bệnh nhân này từng mắc căn bệnh này từ năm 14 tuổi và bị sốt cao, tuyến mang tai sưng to rất khó chịu, sau đó tinh hoàn cũng đau và sưng to.
Khi hết bệnh, anh thấy cơ thể trở lại như bình thường, duy chỉ có một bên tinh hoàn cứ teo nhỏ dần nhưng không hề nghĩ mình có thể bị vô sinh.
Các bác sĩ đã phải chọc hút, lấy mô tinh hoàn đến 3 lần nhưng không thu được tinh trùng nào.
Lần thứ 4, bác sĩ phải dùng kính hiển vi, vạch từng lớp trong tinh hoàn (Micro TESE), may mắn “bắt” được một số tinh trùng để làm thụ tinh ống nghiệm giúp cặp vợ chồng này có một bé gái sau đó.
“Viêm tinh hoàn do quai bị là một biến chứng của bệnh quai bị. Biến chứng này gây nên vô sinh với tỷ lệ trên 35% các trường hợp mắc. Khi bị viêm tinh hoàn do quai bị, các tế bào mầm bị tổn thương nghiêm trọng có thể không hồi phục được dẫn đến teo tinh hoàn. Người bệnh vì thế mà vô sinh”, bác sĩ Hưng cho hay.
Trữ đông tinh trùng để được làm cha
Theo bác sĩ Hưng, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh quai bị còn bệnh nhân khi đã có biến chứng teo tinh hoàn hầu như không có cách nào hồi phục sự sinh tinh trở lại.
“Tuy nhiên, một số tinh trùng đã trưởng thành trong đường ống dẫn tinh, túi tinh thường ít bị ảnh hưởng bởi viêm tinh hoàn quai bị do đó việc thu lượm tinh trùng này ngay (dù rất ít nhưng vẫn rất quý) sau khi đã điều trị ổn định tình trạng viêm cấp để đông trữ là một giải pháp đề phòng sau này tinh trùng hai bên teo hoàn toàn và không còn tinh trùng. Đây là một giải pháp hữu ích giúp nam giới có thể có con sau này”, bác sĩ Hưng lưu ý.
Vì vậy, khi có biểu hiện quai bị và viêm tinh hoàn, nam giới cần đến ngay các bệnh viện chuyên khoa để có thể can thiệp kịp thời, giữ được hy vọng làm cha nhờ lưu trữ tinh trùng.
Khi khám, nếu bệnh nhân còn tinh trùng, bác sĩ khuyên lấy tinh trùng trữ lạnh để sau này làm hỗ trợ sinh sản. Nếu bệnh nhân không có tinh trùng, sẽ áp dụng kỹ thuật lấy tinh trùng từ mào tinh, bảo quản lạnh. Khi cặp vợ chồng mong muốn sinh con, tinh trùng trữ lạnh sẽ được rã đông, thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
"Hiện nay đã có kỹ thuật TESE - phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng diện rộng cho một số trường hợp vô tinh vì 2 tinh hoàn teo do biến chứng quai bị. Với những nam giới bị teo cả 2 bên tinh hoàn, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật vi phẫu tinh hoàn tìm cấu trúc sinh tinh để tìm tinh trùng. Những trường hợp như thế này chỉ cần tìm được 1-2 "tinh binh" đã là quý lắm rồi. Đã có những cặp vợ chồng hiếm muộn được điều trị thành công, có thai đôi và sinh con khoẻ mạnh nhờ phương pháp này”, bác sĩ Hưng cho biết.