Yếu tố nguy cơ
Bất cứ ai cũng có thể bị sốc nhiệt nhưng có một vài yếu tố làm tăng nguy cơ của bạn:
- Tuổi: Khả năng đối phó với nhiệt độ khắc nghiệt phụ thuộc vào sức chịu đựng của hệ thần kinh trung ương. Ở trẻ em, hệ thần kinh trung ương phát triển chưa đầy đủ, còn ở người lớn trên 65 tuổi, hệ thần kinh trung ương bắt đầu bị thoái hóa khiến cho cơ thể không đủ khả năng đối phó với sự thay đổi nhiệt độ cơ thể. Cả hai nhóm tuổi này thường gặp khó khăn trong việc giữ nước làm tăng nguy cơ sốc nhiệt.
- Gắng sức trong thời tiết nóng: Huấn luyện quân sự và tham gia các môn thể thao (ví dụ bóng đá) trong thời tiết nóng là một trong những tình huống có thể dẫn tới sốc nhiệt.
- Đột ngột tiếp xúc với thời tiết nóng: Bạn có thể dễ mắc bệnh liên quan tới nhiệt nếu tiếp xúc với việc tăng đột ngột nhiệt độ, ví dụ như trong một đợt nóng đầu hè hoặc đi du lịch tới vùng có khí hậu nóng hơn. Hạn chế hoạt động trong ít nhất một vài ngày để cơ thể tự thích nghi với những thay đổi. Tuy nhiên, nguy cơ sốc nhiệt vẫn có thể tăng khi bạn đã làm quen một vài tuần với nhiệt độ cao hơn.
|
Bất kì ai cũng có thể sốc nhiệt (Ảnh minh họa). |
- Thiếu điều hòa không khí: Quạt có thể khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn nhưng trong thời tiết nóng kéo dài, điều hòa không khí là cách thức hiệu quả nhất để làm giảm nhiệt độ và hạ thấp độ ẩm.
- Một số loại thuốc: Ảnh hưởng tới khả năng giữ nước và đáp ứng với nhiệt của cơ thể. Trong thời tiết nóng, bạn đặc biệt cẩn thận khi dùng thuốc gây co mạch, thuốc điều hòa huyết áp bằng việc chẹn adrenaline (thuốc chẹn beta), thuốc đào thải muối và nước của cơ thể (thuốc lợi tiểu) hoặc thuốc làm giảm các triệu chứng tâm thần (thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần). Các chất kích thích trong điều trị rối loạn ADH và các chất kích thích bất hợp pháp như amphetamine và cocaine cũng khiến bạn dễ bị sốc nhiệt hơn.
- Một số tình trạng sức khỏe: Các bệnh mạn tính (ví dụ bệnh tim hoặc phổi) có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt. Một số tình trạng khác như béo phì, ít vận động và có tiền sử sốc nhiệt trước đây cũng có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt.
Biến chứng
Sốc nhiệt có thể gây ra một số các biến chứng tùy thuộc vào nhiệt độ cơ thể cao trong bao lâu. Một số biến chứng bao gồm:
- Tổn thương cơ quan quan trọng: Nếu không phản ứng nhanh chóng để làm giảm nhiệt độ cơ thể, sốc nhiệt có thể gây phù não và làm tổn thương các cơ quan quan trọng khác và có thể gây ra các tổn thương vĩnh viễn.
- Tử vong: Nếu không điều trị kịp thời và phù hợp, sốc nhiệt có thể gây tử vong.
Xét nghiệm và chẩn đoán
Bác sĩ thường chẩn đoán được ngay nếu bạn bị sốc nhiệt nhưng xét nghiệm có thể giúp khẳng định chẩn đoán, loại trừ các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng, và đánh giá tổn thương cơ quan.
Các xét nghiệm này bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra nồng độ natri hoặc kali trong máu và kiểm tra thành phần khí trong máu để xem có tổn thương hệ thần kinh trung ương hay không.
- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra màu sắc nước tiểu, nước tiểu có màu sẫm hơn nếu bạn có tình trạng bệnh liên quan tới nhiệt và kiểm tra chức năng thận bởi nó có thể bị ảnh hưởng do sốc nhiệt.
- Đánh giá chức năng cơ: Kiểm tra các tổn thương nặng đối với mô cơ (tiêu cơ vân/ rhabdomyolysis)
- Chụp phim X-quang và các chẩn đoán hình ảnh khác để kiểm tra các tổn thương nội tạng.
Điều trị và thuốc
Điều trị sốc nhiệt tập trung vào việc làm mát cơ thể về nhiệt độ bình thường để dự phòng hoặc làm giảm các tổn thương não và các cơ quan quan trọng. Để làm được điều này, bác sĩ có thể tiến hành theo các bước sau:
- Sử dụng kỹ thuật làm mát bốc hơi: Một số bác sĩ ưa thích sử dụng biện pháp làm mát bốc hơi thay vì ngâm nạn nhân trong nước lạnh để làm giảm nhiệt độ cơ thể. Với kỹ thuật này, nước mát sẽ được phun sương lên da trong khi không khí ấm được quạt lên cơ thể nạn nhân khiến cho nước bốc hơi, làm mát da. Kỹ thuật này có hiệu quả, không xâm lấn, dễ thực hiện, và không tương tác với các khía cạnh khác của việc chăm sóc nạn nhân. Khi điều trị cho nạn nhân cao tuổi bị sốc nhiệt không gắng sức, kỹ thuật làm mát bay hơi liên quan tới tỉ lệ mắc bệnh và tử vong giảm.
- Ngâm nạn nhân trong nước lạnh: Bồn tắm nước lạnh hoặc nước đá có tác dụng làm giảm nhanh nhiệt độ cơ thể nạn nhân. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây khó cho việc theo dõi huyết động xâm nhập và đặt đường truyền tĩnh mạch. Nó cũng có thể gây hại đối với những người cao tuổi.
- Đắp chăn nước đá và mát: Một phương pháp khác là đắp lên cơ thể nạn nhân một chăn làm mát đặc biệt và chườm các túi nước đá lên các khớp, cổ, lưng và nách của nạn nhân để làm giảm nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, biện pháp này có thể khó thực hiện hơn (dung nạp kém hơn) trong những trường hợp nạn nhân còn tỉnh.
- Sử dụng thuốc chống run rẩy: Nếu điều trị hạ thấp nhiệt độ cơ thể khiến nạn nhân run rẩy, bác sĩ có thể cho nạn nhân sử dụng thuốc an thần giãn cơ, ví dụ benzodiazepine. Run rẩy làm tăng nhiệt độ cơ thể khiến cho việc điều trị kém hiệu quả.
Các biện pháp điều trị tại nhà và điều chỉnh lối sống
Điều trị tại nhà là không đủ đối với sốc nhiệt. Nếu nạn nhân có các dấu hiệu và triệu chứng của sốc nhiệt, bạn cần gọi ngay dịch vụ cấp cứu. Đồng thời, những người khác có thể thực hiện các bước làm mát nạn nhân trong khi đợi dịch vụ cấp cứu tới.
Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu bệnh lý liên quan tới nhiệt, cần làm giảm nhiệt độ cơ thể bạn và dự phòng sự tiến triển của các tình trạng có thể dẫn tới sốc nhiệt. Trong trường hợp cấp cứu với nhiệt độ thấp hơn, ví dụ như chuột rút vì nhiệt hoặc kiệt sức vì nóng/lả nhiệt (heat exhaustion), các bước sau đây có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể:
- Tìm đến nơi râm mát hoặc có điều hòa không khí: Nếu bạn không có điều hòa không khí tại nhà, tìm đến nơi nào đó có điều hòa không khí, ví dụ trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim, hoặc thư viện công cộng.
- Làm mát bằng vải sạch ẩm và quạt: Nếu bạn ở cạnh ai đó có các triệu chứng liên quan tới nhiệt, làm mát cho nạn nhân bằng cách phủ lên nạn nhân một tấm vải sạch ẩm hoặc phun nước mát lên người nạn nhân. Quạt trực tiếp lên người nạn nhân.
- Tắm mát dưới vòi hoa sen hoặc bồn tắm: Nếu bạn đi ra ngoài và không gần nơi cưu trú, hãy ngâm mình trong ao hoặc dòng suối mát có thể giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể bạn xuống.
- Bù nước và điện giải: Uống nhiều nước. Ngoài ra, do bạn mất muối qua mồ hôi cho nên cần phải bổ sung muối và nước bằng đồ uống thể thao. Nếu bác sĩ yêu cầu bạn phải hạn chế muối và nước, hãy hỏi lại bác sĩ xem bạn nên uống như thế nào và có phải bổ sung muối hay không.
- Không uống đồ uống có đường hoặc cồn để bù nước và điện giải: Các đồ uống này có thể cản trở khả năng kiểm soát nhiệt độ của cơ thể bạn. Ngoài ra, nước quá lạnh có thể gây đau bụng do co thắt dạ dày.
Bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu, bệnh viện Bạch Mai