Gần 7h, chị Đặng Trần Tú Trâm (42 tuổi, Phòng Kỹ thuật Nuôi sinh vật biển - Viện Hải dương học), mặc áo blouse trắng đi một vòng kiểm tra khu nuôi sinh vật biển. Chị quan sát, rồi ghi chép nhật ký một cách tỉ mẩn hệ thống điện, nước, dây sục khí, bơm nước tới các bể lọc nước, hay tình trạng sinh vật biển trong các hồ. Khi phát hiện nước bên trong có vấn đề phát sinh, cá có dấu hiệu bất thường, nữ kỹ sư đánh dấu lại nhằm tìm rõ nguyên nhân để kịp thời xử lý.
Tại viện có 40 hồ với hàng trăm loài sinh vật biển, đa dạng loài như cá mập, rùa biển, cá chình, cá hoàng hậu, tôm hùm, cá mặt quỷ, hải cẩu… Mỗi loài có thức ăn khác nhau, như tôm, cá vụn, ruốc, sò, vẹm...
Thức ăn phải được sơ chế kỹ thành nhiều kích cỡ, vừa với từng loại sinh vật. Mỗi lần cho cá ăn, chị và các cộng sự lại dõi mắt theo chúng để xem con nào ăn ít, con nào ăn nhiều. Con ăn ít thì phải tìm hiểu để biết nguyên nhân, hay có chế độ chăm sóc riêng.
|
Chị Đặng Trần Tú Trâm đi kiểm tra các loại cá nuôi trong hồ tại Viện Hải dương học ở Nha Trang. |
Năm 2003, chị Trâm tốt nghiệp Đại học Nha Trang, ngành Nuôi trồng thủy sản rồi làm tại cơ sở thủy sản ở Bình Thuận. Bốn năm sau, chị chuyển về Nha Trang vào Viện Hải dương học, công việc chính là thuần dưỡng, chăm sóc, và nuôi dưỡng các loài cá.
Trắng đêm đỡ đẻ cho cá mập
Có hơn 15 năm làm công việc này, chị cho hay ấn tượng nhất là đàn cá mập, gồm cá mập rạn san hô vây đen, cá mập rạn san hô vây trắng và cá mập y tế. Mỗi loài có một tập tính khác nhau. Cá mập vây trắng và cá mập y tá ít bơi, còn cá mập vây đen thường bơi liên tục và ăn trên mặt nước.
Với loài cá mập này, chị Trâm ấn tượng nhất là khi đỡ đẻ cho chúng. Cá mập mang thai trung bình 12-13 tháng. Khi nhìn vào phần bụng của cá sẽ thấy được cá con trong bụng. Người nuôi cần nắm được đặc tính sinh sản của chúng để tạo điều kiện phù hợp.
|
Chị Đặng Trần Tú Trâm kể về thời điểm đỡ đẻ cho cá mập. |
Chị kể, cách đây vài năm, một cá mập mẹ tới thời kỳ sinh sản thì bụng phình to, bơi chậm, thở dốc, mệt mỏi, có khả năng sinh vào ban đêm. Tập tính loài này nhạy cảm với máu. Tuy nhiên, cá bố mẹ đang được nuôi nhốt với đàn. Mọi người lo sợ cá con ra đời sẽ bị cá lớn hơn ăn thịt nên đều ở lại viện.
Hơn 22h, cá mẹ trở dạ. Một hồi sau, từng con cá con có trọng lượng 500-600 gram chào đời. Chị Trâm cùng cộng sự lập tức vớt chúng ra cho vào hồ riêng. Tới gần sáng, việc đỡ đẻ mới hoàn thành. Nhìn đàn cá con lẫn cá mẹ, họ mới thở phào.
Cá con được chăm sóc kỹ lưỡng, thức ăn chủ yếu là mực tươi được cắt nhuyễn, nhằm tạo thói quen cho chúng ăn đồ chết. Sau 6 tháng nuôi, mỗi con đạt trọng lượng 7-10kg, dài chừng 1m, và có thể tự bảo vệ mình sẽ được thả sang hồ nuôi chung.
Không chỉ với giống cá này, chị Trâm còn là “bảo mẫu” của các loài cá khác như cá mặt quỷ, cá ngựa, cá nàng đào, cá kẽm bông, cá thia đá, cá bò hòm sừng... Mỗi loài một thuộc tính nên chị phải theo dõi thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp.
Chẳng hạn, đàn cá mao tiên với 50 con đang được nuôi trong hồ kính dài khoảng 1,5m, cao chừng 70cm, rộng 50cm, xung quanh có tiểu cảnh và rong, rêu. Loài này có nhiều màu sắc, được mệnh danh “công chúa biển”. Chăm loại cá này đơn giản, nhưng lại đòi hỏi sự cẩn thận, bởi chúng sở hữu vũ khí tự vệ là chiếc vây lưng sắc nhọn chứa chất độc.
|
Ông Trần Thụy Anh, 45 tuổi, nhớ lại khoảng thời gian làm việc và chăm sóc các loại sinh vật biển. |
Một ngày trung tuần trong năm 2018, trong lần làm vệ sinh, chăm sóc cho cá mao tiên khi một con có dấu hiệu bỏ ăn, chị không may bị vây đâm vào tay trái. Thoạt đầu, tay chỉ hơi đau. Nhưng vài giờ sau, tại vết thương bị sưng tấy. Người chị lờ đờ rồi sốt hai hôm liền. Ở nhà, người thân phải liên tục dùng nước ấm xoa lên vết thương, và cho chị uống thuốc hạ sốt mới đỡ.
“Công việc tuy tốn nhiều thời gian, công sức, song khi thấy đàn cá con sinh trưởng khoẻ mạnh, trưởng thành thì những gì mình bỏ ra không uổng phí”, chị Trâm vui vẻ tâm sự.
“Bảo mẫu” của các loài sinh vật biển
Trong khi đó, Nguyễn Trường Tấn Tài, 27 tuổi, cộng sự của Chị Trâm, cho hay, tới giờ vẫn chưa quên được những trải nghiệm lần đầu lặn xuống cho cá ăn, biểu diễn cùng cá, hoặc tắm cho cá. Khi ấy, cậu mới vào viện làm chưa được bao tháng, cũng chưa quen với công việc. “Lúc tiếp cận đàn cá, mùi tanh xộc lên, cảm giác buồn nôn, nhưng làm lâu dần thành quen lại trở nên yêu thích”, Tài nhớ lại.
|
Du khách tham quan các sinh vật biển tại Viện Hải dương học. |
Tài tốt nghiệp Đại học Nha Trang, năm 2017, rồi vào làm tại Phòng Kỹ thuật Nuôi sinh vật biển ở Viện Hải dương học. Mỗi ngày, anh đi kiểm tra, theo dõi sức khỏe các loài cá, cho chúng ăn và xử lý khi cá bị bệnh. Mỗi khi có giống cá mới đưa về, anh lại tìm tòi đặc tính mới của nó, rồi đưa vào bể riêng để chăm sóc, theo dõi. Có hôm, nam kỹ thuật viên lại đeo bình lặn xuống dưới các hồ kính làm vệ sinh, sau đó biểu diễn cùng cá để du khách khi vào đây tham quan có thêm nhiều trải nghiệm.
Ngoài ra, Tài cũng đang chăm sóc 4 con cá sấu hoa cà do Công viên Đầm Sen ở TP HCM tặng Viện Hải dương học. Loài này hung dữ, việc tiếp cận kiểm tra sức khỏe, huấn luyện khó khăn. Nhiều lần Tài thót tim khi chúng gầm lúc anh đến gần. Tuy nhiên, sau thời gian, anh cũng dần quen, tiếp cận để chăm sóc chúng.
Là người gắn bó gần 27 năm trong vai trò chăm sóc sinh vật biển, ông Trần Thuỵ Anh, 45 tuổi, cho biết ông và các đồng nghiệp trải qua nhiều giây phút đáng nhớ. Hướng mắt về các hồ nuôi cá đang được trưng bày, ông Thụy Anh nói đó là thành quả của cả một tập thể trong suốt thời gian dài.
|
Các nhà khoa học ngụp lặn làm vệ sinh, biểu diễn cùng cá tại Viện Hải dương học. |
Ông Thuỵ Anh cho biết, công việc đòi hỏi chuyên cần, tỉ mẩn và đam mê. Mỗi ngày, họ phải kiểm tra chế độ nước, làm vệ sinh sạch, hút rác thải, thức ăn thừa, cặn bã, đảm bảo môi trường sạch, cá mới phát triển. Ngoài ra, các kỹ thuật viên phải biết cách chăm sóc để nắm bắt đặc tính của từng loài khi chúng ốm, lười ăn để còn xử lý.
“Công việc này có phần vất vả, song đáp lại chúng tôi được thỏa mãn đam mê sinh vật biển của mình, cũng như duy trì được các nguồn giống biển”, ông nói. Còn chị Trâm thì cho rằng, nghề này không khác nghề bảo mẫu, bởi từng loài cá như những đứa trẻ cần che chở.
Tại Phòng Kỹ thuật Nuôi sinh vật biển có 16 nhà khoa học, chia nhau quản lý các khu: Thuần dưỡng, tài nguyên biển đảo, sinh vật lớn, sinh vật bảo tồn để đảm nhiệm chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng toàn bộ sinh vật biển ở bảo tàng.
Bên cạnh việc chăm sóc, thuần dưỡng, Viện Hải dương học đã và đang nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo thành công nhiều loại sinh vật biển quý hiếm như: Cá hồng y, san hô, cá khoang cổ nemo, hải quỳ… Thông qua sinh sản nhân tạo, bảo tàng sẽ tự chủ được nguồn sinh vật biển, từ đó góp phần giảm thiểu áp lực khai thác cạn kiệt các loại sinh vật biển quý hiếm.
Bảo tàng Hải Dương học được thành lập năm 1923, là một phần của Viện Hải dương học, cơ sở nghiên cứu biển hàng đầu của Việt Nam và Đông Nam Á. Nơi đây lưu giữ khoảng 24.000 mẫu sinh vật biển với hơn 5.000 loài được thu thập gần 100 năm qua.