Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, hiện nay nước ta có khoảng 220.000 người nhiễm HIV còn sống. Mỗi năm, Việt Nam phát hiện khoảng 10.000 đến 12.000 người nhiễm HIV mới và khoảng 2000 người tử vong liên quan đến HIV/AIDS. Việt Nam có tỷ lệ người biết tình trạng nhiễm HIV của mình, đạt 84%.
Theo ThS.BS. Võ Hải Sơn - Trưởng Phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, trước năm 2015, mô hình dịch HIV tập trung ở nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm thì sau năm 2015, hình thái dịch HIV đã có sự thay đổi.
Ths.BS. Võ Hải Sơn cho biết: "Nhóm nổi lên hiện nay là nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM). Năm 2012, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này chỉ 2%, thì đến nay đã lên 13%, tức là trong 100 người MSM có 13 người nhiễm HIV".
|
Báo động lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đồng giới nam. |
Mức độ lây nhiễm HIV trong nhóm này tùy thuộc vào mỗi địa phương, vào các quần thể. Các tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM cao là ở phía Nam, thậm chí có tỉnh tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM lên tới 20%, tức là 100 người MSM có 20 người nhiễm HIV. Các tỉnh miền Bắc tỷ lệ này ít hơn.
Những người MSM trong cộng đồng rất khó nhận diện, ước tính khoảng 1% dân số nam, tức là có khoảng từ 250.000-300.000 người MSM. Với xu hướng hiện nay, khi những người MSM càng ngày càng có nhu cầu bộc lộ thì nguy cơ nhiễm HIV ngày càng cao.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nếu như năm 2012 số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận vào khoảng 2.000 người, đến năm 2021 con số này là gần 4.500 người. Thời kỳ đầu của dịch, nhóm tiêm chích ma túy nhiễm HIV là chủ yếu, đến giai đoạn hiện nay, nhóm nam quan hệ tình dục đồng tính nhiễm HIV chiếm tỉ lệ lớn (có đến 76% số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận trong năm 2021 là nam quan hệ tình dục đồng giới).
Theo Báo Dangcongsan.vn, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số ca lây nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới cũng gia tăng gần đây. Theo thông tin từ cuộc khảo sát 450 mẫu trong nhóm này từ 20-40 tuổi mới thực hiện đầu 2022, có đến 70 mẫu dương tính HIV, con số này cao hơn hẳn so với khảo sát tương tự ở các tỉnh thành lân cận.
Tại Long An, BS Nguyễn Ngọc Linh, Phó giám đốc CDC tỉnh cho hay, nếu năm 2015 chỉ có 5,9% ca nhiễm HIV được phát hiện tại tỉnh này là lây nhiễm trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam, năm 2018 là 16,2% thì năm 2021 tỉ lệ này đã ở mức 69,9%.
Đáng chú ý hiện nay, HIV đang xuất hiện trong nhóm MSM trẻ tuổi. Theo chia sẻ của các bác sĩ trực tiếp tham gia hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân HIV và các bạn trong các nhóm đồng đẳng viên chia sẻ thì nhiều trường hợp nhiễm HIV khi còn đang làm học sinh THPT. Đây thật sự là những thông tin đáng lo ngại để chúng ta có những giải pháp kịp thời và hiệu quả trong thời gian tới.
Theo ThS. BS. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay nhóm MSM đang có ảnh hưởng lớn nhất vào sự gia tăng dịch HIV/AIDS tại Việt Nam. Tiếp cận nhóm quần thể này khó hơn các nhóm quần thể đích khác nếu không có sự tham gia tích cực của các bạn đồng đẳng viên mà chính họ là thành viên cốt cán trong các nhóm này. “Các bạn có sự đồng cảm, chia sẻ về tâm tư tình cảm và dễ dàng có tiếng nói chung trong cuộc sống. Vì vậy, các bạn ấy chính là cánh tay nối dài của các cơ sở y tế để tiếp cận, kết nối các khách hàng đến tư vấn xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), điều trị HIV/AIDS cũng như điều trị đồng nhiễm khác”, BS Thoa chia sẻ.
Về các giải pháp cụ thể, các bác sĩ cho rằng, muốn kéo giảm được tỉ lệ HIV ở nhóm này cần phải phổ cập kiến thức về HIV cho họ, tuyên truyền để họ sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, khuyến khích người bạn tình kiểm tra sức khỏe trước khi quan hệ tình dục đồng thời phải khám sức khỏe thường xuyên.
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng nhấn mạnh, những người nhiễm HIV, nếu uống thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV) đúng liều lượng sẽ giảm được nguy cơ lây lan HIV. Các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao thể sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Theo Trưởng Phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, xét nghiệm HIV là then chốt trong chiến lược lấy điều trị làm dự phòng. Nghĩa là khi người nhiễm HIV được xét nghiệm, phát hiện và được điều trị sớm làm cho tải lượng virus HIV ức chế thì nguy cơ lây truyền HIV cho người khác đặc biệt trong nhóm MSM sẽ giảm đi nhiều lần. Nếu đến tải lượng virus đạt được dưới ngưỡng phát hiện ngưỡng thì gần như người đó không còn nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường tình dục.
Chính vì thế, Bộ Y tế đang đẩy mạnh công tác xét nghiệm, đặc biệt nhóm MSM. "Chúng tôi đã triển khai đa dạng các mô hình xét nghiệm khác nhau. Thứ nhất là xét nghiệm tại các cơ sở y tế, khi người dân có triệu chứng hoặc có hành vi nguy cơ liên quan đến khả năng lây nhiễm HIV, chúng tôi tư vấn họ tự nguyện làm xét nghiệm HIV. Mô hình thứ 2 là xét nghiệm dựa vào các tổ chức cộng đồng, thông qua nhóm đồng đẳng viên, những người trong cùng mạng lưới xã hội của họ triển khai xét nghiệm HIV tại cộng đồng. Mô hình thứ 3 là tự xét nghiệm HIV thông qua trang web tuxetnghiem.vn, qua đó cung cấp thông tin cho những người có nhu cầu, người có nguy cơ lây nhiễm HIV đăng ký để nhận xét nghiệm HIV miễn phí. Đây là cách mà chúng tôi đang triển khai rộng", Ths.BS. Võ Hải Sơn khẳng định.
|
ThS.BS. Võ Hải Sơn - Trưởng Phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. |
Bên cạnh đó, để chương trình phòng chống HIV/AIDS đạt hiệu quả, ngành y tế còn triển khai xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV – đây được coi là một giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát mức độ lây nhiễm HIV, đặc biệt trong nhóm đang có nguy cơ cao hiện nay là nhóm MSM. Thông qua những người đã mắc HIV, những người tư vấn sẽ tuyên truyền, thuyết phục người nhiễm HIV giới thiệu những người bạn chích, bạn tình của họ đi xét nghiệm HIV, cũng như những người trong mạng lưới của họ để phát hiện bệnh sớm, giảm nguy cơ lây bệnh cho người khác.
Ngày 14/08/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược này, một số giải pháp cũng đã được đề cập tới, bao gồm: Nhóm giải pháp về chính trị xã hội; Nhóm các giải pháp về pháp luật, chế độ chính sách; Các nhóm giải pháp về chuyên môn kỹ thuật; Các nhóm giải pháp về đảm bảo tài chính; về nguồn nhân lực; về cung ứng thuốc, sinh phẩm thiết yếu và hợp tác quốc tế…