Bác sĩ BV Việt Đức chỉ ra thói quen khiến cơ thể tạo sỏi

Google News

Sỏi thận là bệnh lý đường tiết niệu phổ biến ở nước ta. Bệnh phổ biến ở nam giới và không điều trị triệt để có thể gây ra nhiều biến chứng suy thận, mất chức năng của thận.
 

Bac si BV Viet Duc chi ra thoi quen khien co the tao soi
Ảnh minh họa 
Vì sao có sỏi tiết niệu?
Theo PGS.TS Đỗ Trường Thành – Trưởng khoa Phẫu thuật ngoại tiết niệu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hiện nay bệnh lý sỏi tiết niệu chiếm 45 - 50% các bệnh tiết niệu ở nước ta. Tỷ lệ nam (60%) cao hơn nữ (40%), lứa tuổi thường gặp từ 30-60 tuổi là 75 - 80%.
Nguyên nhân gây ra sỏi thận, PGS Thành cho biết có nhiều yếu tố gây ra sỏi thận nhưng chủ yếu là do rối loạn chuyển hóa gây tăng canxi máu và canxi niệu, thay đổi pH nước tiểu (bình thường pH: 5,6 - 6,3), dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh hoặc hẹp đường tiết niệu mắc phải gây ứ đọng nước tiểu tạo điều kiện thuận lợi hình thành nên sỏi.
Đa số các trường hợp sỏi canxi không rõ nguyên nhân, một số tăng canxi do chế độ ăn uống, bệnh lý như mất nước, nằm bất động lâu, tăng canxi niệu gây sỏi hoặc do cường tuyến cận giáp gây tăng canxi, hạ phospho.
Tuy nhiên, hiện nay trong cuộc sống hàng ngày các nguyên nhân gây sỏi thận bác sĩ hay gặp đó là thói quen sử dụng thuốc tùy tiện của người dân. Việc tự kê đơn, sử dụng thuốc bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ có thể dẫn tới bệnh sỏi thận. Theo thống kê của các chuyên gia tại Anh quốc cho thấy, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận. Một số nhóm kháng sinh được nhắc tới như: Cephalosporin, Penicillin...
Thói quen ăn mặn, nhiều dầu mỡ làm tăng thể tích tuần hoàn điều này đồng nghĩa các chất khoáng được lọc qua thận nhiều hơn làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận.
Thói quen uống ít nước, khi lượng nước đưa vào cơ thể quá ít, không đủ để thận lọc và đào thải ra ngoài điều này làm cho nước tiểu trở nên đậm đặc, tạo điều kiện cho các chất khoáng kết tinh lại và gây bệnh sỏi thận
Biến chứng của sỏi tiết niệu vô cùng nguy hiểm, PGS Thành cho biết, nhiều bệnh nhân chủ quan với sỏi vì nghĩ có thể sống chung với sỏi và đến khi gây ra các biến chứng nặng mới tới bệnh viện. Các biến chứng thường gặp nhất là nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đài bể thận, viêm thận kẽ, viêm hẹp cổ đài thận, giãn đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, áp xe thận. Đặc biệt, sỏi thận có thể gây ra suy thận do sỏi thận 2 bên gây tắc nghẽn thận.
Mới đây, PGS Thành khám cho bệnh nhân bị sỏi thận nhưng không chịu đến bệnh viện khám mà kiên trì uống thuốc lá. Khi tới viện chỉ khám lâm sàng bác sĩ đã thấy vùng thắt lưng bên có sỏi thận sưng nề tấy đỏ do sỏi tắc nghẽn gây ứ mủ thận. Bác sĩ còn thấy rò mủ thắt lưng do áp xe quanh thận đã vỡ sau phúc mạc.
Dấu hiệu sỏi thận
PGS Thành cho biết sỏi thận có thể di chuyển xuống niệu quản gây cơn đau quặn thận, xuống bàng quang và bệnh nhân có thể đi tiểu ra ngoài hoặc sỏi gây tắc nghẽn niệu quản dẫn đến ứ nước, ứ mủ thận và suy chức năng thận có sỏi.
Các triệu chứng lâm sàng thường gặp như:
Thứ nhất: Người bệnh có cảm giác đau âm ỉ thắt lưng khi sỏi đài thận hoặc sỏi san hô chưa gây tắc nghẽn. Đôi khi bệnh nhân không có triệu chứng được phát hiện sỏi thận khi khám sức khỏe định kỳ hay do tăng huyết áp.
Thứ hai: Cơn đau quặn thận điển hình khi sỏi gây tắc nghẽn bể thận niệu quản. Cơn đau lan xuống hố chậu, bìu kèm theo nôn và bụng chướng.
Thứ ba: Đái ra máu do sỏi di chuyển khi vận động hay do nhiễm khuẩn gây tổn thương niêm mạc đài bể thận chảy máu.
Thứ tư: Sốt cao, có thể bệnh nhân sốt cao 38o- 39oC, thận to đau, đi tiểu đục và đôi khi gặp tình trạng sốc nhiễm trùng vã mồ hôi, nổi vân tím toàn thân và tụt huyết ápdo nhiễm trùng đường tiểu gây ra.
Để phòng sỏi thận, bác sĩ Thành nhấn mạnh cách tốt nhất đó là uống nhiều nước. Những người từng điều trị sỏi thận đều phải có chế độ ăn uống nhiều nước trên 2 lít/ ngày.
Thói quen sử dụng các thức ăn chữa nhiều canxi, oxalate như sữa, phomat, chè cũng làm tăng nguy cơ tạo sỏi. Cần duy trì chế độ tập luyện thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe để có sức khỏe tốt, loại trừ các nguy cơ gây bệnh.
Khi bệnh nhân đi khám với những trường hợp sỏi nhỏ với ít triệu chứng thì có thể điều trị bằng thuốc giảm đau hoặc uống nhiều nước để loại thải sỏi ra ngoài.
Trong trường hợp sỏi có gây đau hoặc tắc, giảm chức năng thận, dẫn tới chảy máu hoặc nhiễm trùng cần phương pháp điều trị tích cực hơn như sỏi ngoài cơ thể, nội soi tán sỏi qua da, nội soi tán sỏi thận qua da siêu nhỏ, nội soi niệu quản…
Theo Infonet

>> xem thêm

Bình luận(0)