Bà mớm thức ăn khiến cháu loét dạ dày, những kiểu yêu thương “chết người” cần tránh

Google News

(Kiến Thức) - Việc nhai mớm cơm của người lớn cho bé dễ khiến bé lây viêm dạ dày nếu người lớn mắc vi khuẩn HP gây bệnh. Bệnh viêm dạ dày trước tiên sẽ ảnh hưởng đến sự tiêu hóa của bé.

Ngày 13/11, bác sĩ nhi khoa Tô Quang Huy (Hà Nội) chia sẻ thông tin về trường hợp bé trai tên M.N., 6 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, được chẩn đoán viêm dạ dày và dương tính với vi khuẩn HP do bà mớm thức ăn hàng ngày.
Bác sĩ Huy cho biết thêm cha mẹ bệnh nhi đi làm xa nên bé ở nhà với bà nội. Bà nội bé có tiền sử viêm loét dạ dày và đã chữa trị. Nghĩ đã khỏi bệnh, hàng ngày, vào những bữa ăn, bà đều nhai cơm và mớm cho bé.
Ba mom thuc an khien chau loet da day, nhung kieu yeu thuong “chet nguoi” can tranh
Kết quả nội soi của bé trai nhiễm vi khuẩn HP. Ảnh: BSCC. 
Một năm sau, bé bắt đầu nôn khan, người ngày càng gầy, xanh xao. Gần đây, thấy bé nôn nhiều, đi ngoài phân đen, cha mẹ mới đưa bé đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Kết quả nội soi cho thấy bé bị viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày, sần hạt dạ dày, hành tá tràng, dương tính với vi khuẩn HP do thói quen bà nhai mớm cơm cho bé.
Theo bác sĩ Huy, HP là một loại xoắn khuẩn sống trên lớp nhày niêm mạc dạ dày, có thể tìm thấy qua dịch miệng họng những người viêm loét dạ dày do HP. Về cơ bản, khoảng 90% dân số đều có HP trong dạ dày. Tuy nhiên, đa số HP không gây bệnh, chỉ những HP mang gen có độc lực mới gây bệnh, chúng dễ lây qua dịch tiết họng.
Biểu hiện khi trẻ bị nhiễm khuẩn HP
Trẻ sơ sinh khi bị nhiễm vi khuẩn này, thường có biểu hiện như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày hoặc viêm loét dẫn tới chảy máu.
Trẻ 2-3 tuổi tuổi nếu nhiễm vi khuẩn này sẽ chán ăn, nôn mửa đột ngột, phân đen. Trong giai đoạn đầu, có thể mất cảm giác thèm ăn, nôn mửa liên tục và đau bụng, chậm phát triển.
Trẻ 4-6 tuổi sẽ có biểu hiện như đau bụng, chủ yếu là đau liên tục quanh rốn, kèm theo buồn nôn, nôn, thiếu máu hoặc chảy máu đường tiêu hóa trên.
Trẻ từ 7 tuổi sẽ có triệu chứng gần như người lớn với các triệu chứng đau bụng, trào ngược axit, ợ hơi, thiếu máu mãn tính, ngất xỉu, và thậm chí sốc.
Cách phòng ngừa nhiễm khuẩn HP ở trẻ
Bác sĩ Huy cho biết việc điều trị HP ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi rất khó khăn do nguồn kháng sinh hạn chế và giảm tiết dịch vị. Đa số bé độ tuổi này phải sống chung với vi khuẩn trong tình trạng nôn trớ, suy dinh dưỡng, viêm hô hấp trên, thiếu máu trong thời gian dài.
Các chuyên gia y tế đều khuyến cáo không nên nhá cơm cho trẻ, đây là thói quen cực kỳ nguy hiểm có thể gây cho trẻ nhiều bệnh khác nhau.
Ba mom thuc an khien chau loet da day, nhung kieu yeu thuong “chet nguoi” can tranh-Hinh-2
Các chuyên gia y tế đều khuyến cáo không nên nhá cơm cho trẻ bởi thói quen này có thể gây cho trẻ nhiều bệnh khác nhau. 
PGS TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ông đã gặp rất nhiều trẻ bị mắc thêm bệnh vì lý do người chăm trẻ nhá cơm cháo cho ăn như viêm gan A, bệnh lây truyền như vi rút HPV, vi khuẩn HP, vi khuẩn lị và hàng loạt các bệnh liên quan tới vấn đề hô hấp.
Vi khuẩn HP là loại vi khuẩn gây viêm dạ dày và có thể tiến triển thành ung thư, bệnh lây chủ yếu do thói quen ăn uống từ việc nhỏ như gắp thức ăn, nhá cơm cho trẻ, ăn chung thìa bát.
Vì vậy, bác sĩ đưa lời khuyên, để tránh đường lây nhiễm chính là miệng - miệng (cụ thể là nước bọt, dịch tiết đường tiêu hóa), chúng ta nên tránh thói quen dùng chung bát chấm, gắp thức ăn cho nhau, không nhai mớm cơm, thổi canh cho con trẻ.
Thảo Nguyên (TH)

>> xem thêm

Bình luận(0)