Lương y Hoàng Duy Tân, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đồng Nai cho biết, cải bắp được coi là “thuốc của người nghèo”, có vị ngọt, tính mát, có tác dụng hòa huyết, thanh nhiệt, trừ đàm thấp, sinh tân, chỉ khát, mát dạ dày, giải độc, lợi tiểu. Theo y học cổ truyền, ăn bắp cải lâu ngày có công dụng ích tâm thận, làm dịu đau, chống hoạt huyết, lọc máu, chống kích thích thần kinh, bổ cốt tủy, lợi ngũ tạng lục phủ. Bệnh nhân đái buốt, đái khó, đại tiện táo nên ăn bắp cải.
Trong bắp cải có 1,8% protein, 0,1% chất béo, 1% chất xơ, 6,3% cacbonhydrat, 0,6% các chất vô cơ, 0,03% canxi, 0,05% phốt pho, 0,8mg sắt, 2.000 đơn vị quốc tế vitamin A, 50 đơn vị quốc tế vitamin B1, vitamin C 124mg/100g, Natri 18mg... Đặc biệt, trong bắp cải tươi có nhiều vitamin U có tác dụng chữa lành các ổ loét thực nghiệm được gây nên trên xúc vật. Chất L -5-vinyl -2-thioxa –zolidon trong hạt bắp cải có tác dụng kháng giáp trạng. Lá bắp cải hơ nóng dùng ngoài đắp tại chỗ có tac dụng làm dịu đau trong trường hợp bị sưng hoặc trong các cơn đau sỏi mật. Hơn nữa, lượng vitamin trong bắp cải nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt, 3,6 lần so với khoai tây, hành tây. Điều đặc biệt là vitamin A và P trong bắp cải kết hợp với nhau làm cho thành mạch máu bền vững hơn.
Trong bắp cải còn có các chất phòng bệnh ung thư gồm: Sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và indol -33 carbinol. Bắp cải cũng chứa kiềm gan - chất có thể điều tiết sự trao đổi chất béo, chất đường chứa trong cải bắp chỉ có đường 2 – 5%, mà chủ yếu là đường gluco, hầu như không tồn tại tinh bột do đó phù hợp với người bị tiểu đường. Nó cũng có tác dụng làm giảm quá trình đồng hóa gluxit và giảm đường huyết nên dùng 100g/ngày giúp phòng và trị bệnh tiểu đường tuýp 2.
Theo BS Yên Lâm Phúc, Học viện Quân y 103, bắp cải không chỉ giúp phòng chống bệnh đơn giản mà còn giúp hỗ trợ bệnh nan y. Điều quan trọng khi dùng bắp cải trị bệnh là phải biết cách chế biến và công dụng của nó với từng loại bệnh.
Giảm rối loại mỡ máu: Bắp cải có thể giúp điều hòa lượng mỡ trong máu, giảm nồng độ cholesterol, giảm hàm lượng LDL. Bởi chất xơ trong bắp cải có khả nnăg liên kết với axit mật, làm giảm sự gắn kết với axit mật với cholesterol. Thiếu axit mật, cholesterol không thể hấp thu vào trong ruột nên giảm nồng độ mỡ máu. Do đó, ăn bắp cải dạng sinh tố hoặc luộc, hấp...không nên ăn dạng hầm hay xào... sẽ có tác dụng phòng ngừa các bệnh liên quan đến chứng rối loạn mỡ máu gây ra như gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch...
Phòng chống ung thư: Bắp cải đặc biệt có tác dụng với bệnh ung thư trực tràng, ung thư đại tràng và bàng quang. Những người có nguy cơ bị ung thư những bộ phận này hoặc là người bị các rối loạn liên quan như viêm loét đại tràng, polyp đại tràng thì bắp cải là thực phẩm giúp ngăn ngừa làm chậm tiến triển bệnh. Sở dĩ bắp cải chống được ung thư đó là vì bắp cải có chứa Sinigrin. Sinigrin là hoạt chất có tính năng chống sự ác tính hóa của tế bào, chống sự lan tràn phát triển của tế bào ung thư. Sinigrin còn có tác dụng chống viêm loét đại tràng, làm giảm tình trạng polyp hóa, kích thích hệ miễn dịch để giảm nguy cơ ung thư đại tràng. Cách dùng tốt nhất để có được tác dụng là ăn bắp cải xanh ít nhất 3 lần/tuần theo cách luộc, hấp, sinh tố.
Chữa bệnh xuất huyết: Bắp cải rất tốt cho các bệnh xuất huyết như sốt xuất huyết, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết ngoài da... Bởi trong bắp cải rất giàu vitamin K và C, 100g bắp cải có chứa 76mcrg vitamin K và 36,6mg vitamin C. Vitamin K là vitamin giúp làm tăng đông máu và vitamin C giúp tăng sức bền thành mạch. Với sự phối hợp của hai hoạt chất này, bắp cải được tăng cường sức mạnh chữa bệnh, làm giảm tình trạng chảy máu, tăng hoạt tính đông máu, làm mạnh sức bền thành mạch do đó bệnh xuất huyết được giảm bớt. Tốt nhất là nên dùng theo cách chọn bắp cải sạch ép sinh tố uống mỗi ngày 1 cốc, hoặc dùng sống, dạng trần, luộc, tránh nấu kỹ.