Những người tham gia mạng xã hội chắc không xa lạ gì với tài khoản Facebook Hung Ngo, còn được fan gọi với cái tên yêu mến là bác sĩ Húng Ngò hay Hùng “ngoa”. Anh được cộng đồng mạng yêu mến bởi cách viết “tưng tửng”, hài hước, giọng văn châm biếm, nhưng vô cùng sâu sắc với lối tư duy đa chiều về những vấn đề liên quan đến y tế.
|
BS Ngô Đức Hùng |
Tài khoản Facebook này chính là bác sĩ Ngô Đức Hùng, làm việc tại khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời là giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội. Hiện bác sĩ Hùng Ngô đang trong đoàn công tác của BV Bạch Mai hỗ trợ tâm dịch Hải Dương. Chia sẻ trên mạng xã hội, bác sĩ Hùng cho biết anh hiện “được phân công hỗ trợ anh em hồi sức làm việc, kèm theo phụ trách 1 mảng kiểm soát các bệnh nhân khác trong quá trình theo dõi và điều trị”.
Đây không phải lần đầu tiên anh trực tiếp tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay tuyến đầu. Tháng 4/2020 khi Bệnh viện Bạch Mai phát hiện có ca bệnh COVID-19, anh đã “lóc cóc kéo vali đến viện tình nguyện ở lại chăm sóc và điều trị bệnh nhân khi có lệnh phong tỏa. Ăn ngủ ở đó 2 tuần, giảng bài và hỏi thi sinh viên toàn bộ qua mạng”.
Đợt dịch này, khi Hải Dương trở thành “điểm nóng” dịch bệnh COVID-19, Bệnh viện Bạch Mai đã ngay lập tức cử các giáo sư, bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ tại bệnh viện dã chiến địa phương. Bác sĩ Ngô Đức Hùng lại một lần nữa không ngại ngần khoác lên mình bộ quần áo bảo hộ kín bưng mà anh gọi đùa là “bộ đồ... nuôi ong”, ra tuyến đầu chống dịch.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, Kiến Thức xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những đoạn trích từ “Nhật ký vào tâm dịch” được anh đăng trên tài khoản Facebook cá nhân, thể hiện tâm thế của một người bác sĩ tận tụy, hết lòng về người bệnh, cũng như cái nhìn lạc quan, đầy tính nhân văn của một facebooker vì cộng đồng.
|
BS Ngô Đức Hùng |
"Nhật ký vào tâm dịch
Mặc bộ đồ... nuôi ong vào hỗ trợ các đồng nghiệp điều chỉnh thuốc cho nhóm bệnh nhân nặng. Đồng nghiệp toàn những người đi xuyên Tết, ngày nào cũng túc trực tại nơi làm việc. Họ cũng có gia đình, có người thân và những nỗi lo lắng về cuộc sống.
Khi phải đối mặt với kẻ thù vô hình mà chúng ta vẫn chưa hiểu tường tận về nó, thì việc thận trọng là điều hết sức cần thiết. Binh pháp viết biết mình biết ta trăm trận trăm thắng là vậy.
Những tia nắng đầu tiên làm không khí ấm lên cùng sự hồ hởi của tất cả mọi người, hy vọng con virus sẽ lui. Đồng nghĩa là những giọt mồ hôi sẽ xuất hiện nhiều hơn sau lớp áo bảo hộ tiêu chuẩn. Buổi chiều mình ướt sũng 1 cái áo. Giá mỗi bộ hàng triệu đồng, không phải lúc nào cũng cởi ra cho mát được, cởi ra là bỏ đi thay bộ khác, không phí phạm được.
He he, trông giống bộ đồ nuôi ong của SWORD trong series Wandavision, mình đang hóng mỗi cuối tuần.
|
BS Hùng Ngô ví von bộ quần áo bảo hộ trông giống bộ đồ nuôi ong của SWORD trong series Wandavision. Ảnh từ FB Hung Ngo |
Nhật ký vào tâm dịch 2
Trong cuộc đời mỗi một người tử tế, điều khiến cho họ áy náy và bất an nhất, đôi khi hoảng loạn, là lúc họ biết mình trở thành mối họa cho người khác. Dù cho xuất phát hầu hết đều từ sự vô tình. Con Covid là một trong những lý do ấy.
Mình được phân công hỗ trợ anh em hồi sức làm việc, kèm theo phụ trách 1 mảng kiểm soát các bệnh nhân khác trong quá trình theo dõi và điều trị.
Buổi sáng, 2 mẹ con bệnh nhân ra ngồi ghế đá ngoài hiên phơi nắng. Cô bé con ngoan ngoãn gặm chiếc bánh tựa đầu vào bụng mẹ. Mẹ dương tính, hay con dương tính hoặc cả 2 cùng nhiễm bệnh. Bởi cháu bé quá nhỏ để biết rằng mình đã nhiễm 1 con virus khiến cả thế giới đang điên đảo vì nó.
Ánh sáng chiếu xuống làm mình thấy đâu đó có một nỗi buồn man mác. Lúc mình đi qua, 2 mẹ con lại yên lặng ngước mắt lên nhìn rồi lại hướng mắt về phía trước tiếp tục phơi nắng. Sự tĩnh lặng mang vẻ bình yên quá mức ấy khiến con người ta cảm thấy đôi chút ngột ngạt.
Triệu chứng của họ có thể không có gì, nhưng nỗi sợ mơ hồ về sự kỳ thị, nỗi sợ khi mình trở thành nguồn lây nhiễm cho người khác mới nặng nề trong mỗi người. Khi tới nơi cách li này, nỗi băn khoăn ấy cũng không vơi bớt đi bao nhiêu. Dù được các nhân viên an ủi, nhưng mình hiểu rằng chúng chỉ tạm thời lắng xuống, còn nỗi sợ hãi và dằn vặt là hiện hữu, sẵn sàng bộc phát bất kể lúc nào.
Chưa kể những bệnh nhân nặng, chẳng ai dự báo được mình có nằm trong nhóm tiến triển ấy hay không. Biết đâu đấy mình bị rơi vào nhóm nặng rồi xấu hơn nữa, vĩnh viễn không được về nhà. Bạn nghĩ gì khi có người mắc bệnh giống mình, hôm nay vẫn còn nằm cùng phòng nói chuyện, sáng hôm sau đã thấy chiếc ga trắng phủ ngang bị kéo đi lặng lẽ mà không có người thân bên cạnh?
Cả hệ thống y tế hàng ngày làm việc cố gắng không để những viễn cảnh đáng sợ ấy xảy ra cho tất cả.
Những lần trước, khi dịch chưa dữ dội như đợt này, mình đã phản ứng rất mạnh trước những chuyện kỳ thị và bới móc đời tư người bệnh khi truy vết họ rồi để cả hệ thống truyền thông câu viu và mổ xẻ. Không ai sẵn lòng hợp tác khi bị đối xử như vậy. Và họ cũng không đáng để bị đối xử như vậy, nó tàn nhẫn lắm.
Áp lực vô hình hàng ngày ấy khiến các nhân viên y tế mệt. Tất cả thực sự rất mệt.
|
Ảnh từ FB Hung Ngo |
PS: một cụ bà nhiễm Covid hàng ngày ngồi đọc kinh bên cửa sổ, hình ảnh thật là yên bình và đẹp. Ngoại trừ bức ảnh mờ ảo chụp qua phương tiện bảo hộ.
Nhật ký vào tâm dịch 4
Bệnh nhân nặng nhất viện dã chiến bỏ máy thở và rút ống nội khí quản (*) thành công. Bác già tỉnh lại, cái xông dạ dày còn gắn trên mũi lủng lẳng, ngồi ngất ngưởng dựa lưng vào thành giường, mắt mở to với vẻ mặt bàng hoàng như chưa thể tin được những việc đã xảy ra với mình.
Vài ngày trước suy hô hấp nặng, phổi tổn thương trắng xóa làm oxy máu tụt xuống dí dị. Thế là không một cái lỗ nào trên người là không có ống xông, he he. Rồi thở máy, rồi lọc máu. Suýt nữa thì phải dùng đến vũ khí nguyên tử cuối cùng là ECMO. Mình xuống đúng giai đoạn này để nhảy vào tham gia với đội hồi sức nếu cần. Rồi bệnh nhân tiến triển tốt dần, nếu không thì tốn nhân lực vật lực kinh khủng khiếp.
Bệnh nhân này không may bị rơi vào nhóm tiến triển nặng nhưng may mắn thoát được nhờ hệ thống y tế còn chịu được, vẫn còn đủ “vũ khí” cho các bác sĩ tối ưu quá trình chăm sóc. Nếu tại 1 tình huống giả định khác số lượng nặng nhiều lên thì không thể nói trước được tương lai nào cho bác già này.
Nước Mỹ vừa treo cờ rủ tưởng nhớ 500 nghìn người đã chết vì Covid chỉ trong 12 tháng, con số chưa dừng lại này khiến mình hoa mắt. Các thánh chống dịch cõi mạng đú theo trend bảo rằng cứ để nó lây tự do cho có... miễn dịch cộng đồng như mấy nước phát triển. Cái miễn dịch ấy phải đổi bao nhiêu tính mạng con người để có được?. Hiệu quả chưa thấy đâu còn những cái chết thì hiển hiện. Nếu các thánh có tình nguyện điền mình vào nhóm diễn biến nặng rồi chết để tạo miễn dịch cộng đồng ấy mà, thì cũng ok nhỉ, he he. Chữa bệnh và chống dịch bằng nước bọt cùng bàn phím lúc nào chả dễ.
Nhóm bác sĩ điều trị trùm bộ quần áo... nuôi ong kín mít, mình chẳng nhận ra được ai quay ra chào, giới thiệu ríu rít ngày xưa em đã học thầy giảng. Mình cười he he bảo thôi thầy bà gì, giờ là đồng nghiệp. Các bạn cứ yên tâm điều trị, sẽ có hậu phương hùng hậu hỗ trợ và ủng hộ.
....
Một người bệnh nặng nỗ lực tồn tại được trên cõi đời này cũng đã là 1 kỳ tích. Các bạn trẻ cũng nỗ lực góp phần cùng bệnh nhân tạo lên kỳ tích ấy. Tất cả đều xứng đáng là những người hùng, chí ít là trong lòng mình.
(*): Nội khí quản là 1 cái ống đặt vào phổi để nối với cái máy thở bơm khí vào giúp cho bệnh nhân hô hấp và trao đổi ô xy.
|
Ảnh từ FB Hung Ngo |
PS: 1 cậu bé con nhiễm Covid ngồi bên cửa sổ chăm chú học online. Mình bảo nếu bác không đeo khẩu trang là bác cắn cho 1 cái đấy. Nó liếc mắt hỏi thế bác là sói à, mình ờ.
Nhật ký vào tâm dịch 5
Khi bước chân vào khu bệnh nhân dương tính, điều khiến mỗi người nuôi ong sợ hãi không phải việc tiếp xúc gây gia tăng nguy cơ lây nhiễm Covid, bởi nếu sợ thì họ đã không vào. Họ cũng không sợ bị kỳ thị, mỗi lần biết nó làm ở nơi có yếu tố dịch tễ, đã quen cảnh đi về hàng xóm nhìn thấy liền tự động bịt mũi tránh xa tựa như vừa ngửi thấy mùi gì ghê rợn lắm.
Rồi cứ 2 ngày 1 lần, đội nuôi ong lại ngồi ngửa cổ ra cho đội vi sinh ngoáy mũi làm PCR Covid. Sau đó đi làm việc, đến chiều vào xem kết quả. Chẳng may ai dính thì a lê hấp ô tô chuyên dụng đỗ xịch xuống bế lên xe đi đến chỗ nào chưa biết. Thôi thì đi nghỉ để đồng đội chiến đấu tiếp. Cũng đành chấp nhận đau thương thôi.
Sự tra tấn khủng khiếp nhất, tàn tệ nhất trong bộ đồ nuôi ong kín mít cùng cái khẩu trang N95 sang xịn mịn ấy, đó là khi anh bị ngứa mũi. Trời ơi cảm giác ấy thật dã man khổ sở làm sao... Cái ngứa từ mũi nó luồn dần lên óc dấm dứt khiến mắt anh hoa lên. Cái khẩu trang dầy cộp chỉ cho không khí lọt vào từ từ, không khụt khịt mũi cho đỡ ngứa được. Lúc ấy càng không thể thò tay lên mà gãi...
|
Ảnh từ FB Hung Ngo |
PS: Buổi chiều về cởi bộ đồ nuôi ong, ngồi 1 mình chờ xe đến đón, bên kia bức tường nhà ai chó kêu éc éc, lợn kêu quạc quạc. Quả thật bắt đầu nhớ nhà..."
Hùng Ngô là nick name Facebook của bác sĩ Ngô Đức Hùng, khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai. Anh là tác giả của hai cuốn sách vừa ra mắt đã cháy hàng: "Để yên cho bác sĩ hiền" và "3 phút sơ cứu".
"3 phút sơ cứu" là cuốn sách khoa học mang kiến thức chuyên môn, chính xác nhưng vẫn gần gũi với mọi độ tuổi. "3 phút sơ cứu" được ra đời với sứ mệnh mang đến những kiến thức đúng đắn, thay đổi những hậu quả đau lòng từ việc sơ cứu sai khiến nhiều người phải chết oan hay chịu tàn phế suốt đời.