Một số người cho rằng mẹ mới sinh nên ăn thức ăn đặc sau khi phẫu thuật, một số người khác lại cho rằng điều đó là không nên. Vì vậy, chính xác những gì mà mẹ cần ăn sau sinh mổ sẽ được giải đáp trong bài viết sau đây.
Vai trò của dinh dưỡng đối với mẹ sau sinh mổ
Dinh dưỡng giúp tăng tốc quá trình lành vết mổ và cải thiện mức năng lượng của mẹ sau sinh. Tiếp tục ăn một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm: Protein, vitamin, carbohydrate và sắt giống như mẹ đã ăn trong thời gian mang thai.
Theo Hướng dẫn, chế độ ăn uống được công bố bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và được Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ công nhận, các bà mẹ mới cho con bú cần một lượng bổ sung thêm 500 Kcalo mỗi ngày. Vì vậy, tổng lượng calo tiêu thụ không được vượt quá 1800 Kcal/ngày.
Lượng calo cao hơn chỉ được khuyến nghị cho những phụ nữ cho con bú với nhiều hơn 1 trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu cân hoặc người mẹ thường xuyên thực hiện các hoạt động thể chất sau sinh.
Sau sinh mổ nên ăn gì cho nhanh khỏe?
Ngoài dinh dưỡng để hồi phục cơ thể, việc tuân theo chế độ ăn lý tưởng sau sinh cần nhắm vào mục đích giúp bà mẹ dễ tiêu hóa, đi tiêu dễ dàng mà không gây căng thẳng vết mổ, hỗ trợ quá trình lành thương. Dưới đây là những yếu tố cần thiết mà mẹ cần đưa vào chế độ ăn uống của mình:
1. Thực phẩm dễ tiêu hóa
Các thực phẩm dễ tiêu hóa như: Cháo loãng, ấm có thể giúp mẹ dễ dàng tiêu và bổ dưỡng. Sữa chua có thể khôi phục sự cân bằng vi khuẩn sau khi sinh mổ. Các axit béo dầu hạt lanh giúp giảm táo bón.
|
Vừa phẫu thuật xong chỉ nên ăn thức ăn dễ tiêu, thanh đạm - Ảnh minh họa: Internet |
Mẹ có thể tiếp tục trở lại chế độ ăn uống bình thường (ăn cơm, bún, phở…) khi không còn cảm giác đau và hệ thống tiêu hóa đã trở lại bình thường.
2. Protein
Protein hỗ trợ sự phát triển của các mô tế bào mới và giúp quá trình lành thương nhanh hơn. Thực phẩm giàu protein tạo điều kiện cho việc sửa chữa mô và duy trì sức mạnh cơ bắp sau phẫu thuật.
Mẹ có thể ăn cá, trứng, thịt gà, thực phẩm từ sữa, thịt, đậu Hà Lan, đậu khô và các loại hạt. Những thực phẩm này dễ tiêu hóa, đặc biệt là trong thời gian phục hồi cơ thể. Cá chứa axit béo omega-3 và trứng cung cấp kẽm có lợi cho sức khỏe.
3. Vitamin C
Vitamin C tăng tốc quá trình phục hồi và chống lại nhiễm trùng. Bản chất chống oxy hóa của vitamin C giúp cơ thể sửa chữa các mô. Vậy sau sinh mổ nên ăn quả gì để bổ sung vitamin? Mẹ có thể ăn rất nhiều trái cây như cam, dưa, đu đủ, dâu tây, bưởi... để nhận được nguồn vitamin C tự nhiên.
Mức vitamin C hàng ngày được đề nghị là 1800mg cho mẹ nuôi con bú tuổi từ 16 - 18 tuổi và 2000mg cho mẹ trên 19 tuổi.
4. Sắt
Sắt rất cần thiết để duy trì nồng độ hemoglobin và lấy lại máu mà sản phụ đã mất trong quá trình sinh nở. Ngoài ra, sắt còn hỗ trợ trong hoạt động của hệ thống miễn dịch.
Thực phẩm giàu chất sắt bao gồm: lòng đỏ trứng, thịt đỏ, hàu, quả sung, gan bò, đậu khô và trái cây khô. Tuy nhiên, hạn chế lượng sắt trong giai đoạn vừa sinh mổ xong, vì lượng sắt dư thừa có thể gây táo bón.
Chế độ ăn uống được khuyến nghị đối với sắt là 10mg mỗi ngày đối với phụ nữ từ 14 - 18 tuổi và 9mg mỗi ngày cho những bà mẹ ngoài 19 tuổi.
5. Canxi
Canxi giúp thư giãn cơ bắp, tăng cường sức khỏe xương và răng, ngăn ngừa loãng xương và hỗ trợ đông máu. Nguồn canxi tốt là: sữa, sữa chua, phô mai, đậu phụ, cải xoăn và rau bina. Sữa không chỉ là một nguồn canxi tuyệt vời mà còn thúc đẩy sản xuất sữa mẹ. Sữa chua cung cấp cho cơ thể cả canxi và kẽm.
Lượng canxi khuyến nghị hàng ngày cho phụ nữ cho con bú ở độ tuổi 14 - 18 là 1.300mg và đối với những bà mẹ ngoài 19 tuổi là 1.000mg mỗi ngày. Trong thời gian cho con bú, khoảng 250 - 350mg canxi sẽ được truyền sang trẻ sơ sinh. Do đó, mẹ cần 3 cốc sữa hoặc ít nhất 500ml sữa mỗi ngày.
6. Chất xơ
Sau sinh mổ, sản phụ vẫn chưa thể vận động nhiều, do đó rất dễ bị táo bón. Chất xơ sẽ giúp mẹ giảm táo bón, giảm việc gây ra áp lực không đáng có lên vết mổ và vết thương. Nguồn chất xơ phong phú là trái cây và rau sống.
Rau xanh như bông cải xanh, rau bina, bầu, đậu, củ sen… là nguồn cung cấp vitamin A, C, sắt, canxi, chất xơ và chất chống oxy hóa, đây là những thực phẩm tốt cho cả mẹ và bé.
7. Nước
Uống nhiều nước rất quan trọng để tránh tình trạng mất nước và táo bón. Hỗ trợ hydrat hóa, giúp nhu động ruột trơn tru và phục hồi nhanh sau phẫu thuật. Bà mẹ sau sinh cần tiêu thụ ít nhất 8 đến 10 ly nước mỗi ngày, bao gồm cả các chất lỏng như: sữa ít béo, nước ép cam (không đường), trà thảo dược, nước dừa, bơ sữa và súp.
Nước rất cần thiết, đặc biệt là khi mẹ đang nuôi con nhỏ, vì việc cho con bú có thể khiến bà mẹ cảm thấy khát thường xuyên.
Một số thực phẩm đặc biệt thích hợp cho mẹ sau sinh mổ
1. Yến mạch
|
Bữa ăn nhẹ đầy đủ dinh dưỡng với yến mạch, hạt chia, sữa tươi và dâu tây - Ảnh minh họa: Internet |
Yến mạch là một nguồn cung cấp sắt, canxi, protein, carbohydrate và chất xơ. Hàm lượng chất xơ cao làm giảm táo bón và hỗ trợ tiêu hóa. Mẹ có thể kết hợp yến mạch cùng với sữa, trái cây khô, các loại hạt hoặc một số loại trái cây tươi như táo, chuối hoặc xoài để tạo ra một bữa ăn nhẹ lành mạnh.
2. Củ nghệ
Nên thêm bột nghệ vào các món ăn của mẹ vì nghệ có chứa vitamin B6, C, chất xơ, kali, mangan và magie. Nghệ giúp giảm viêm và chữa lành vết thương bên trong và bên ngoài một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Một gợi ý khác là mẹ có thể thêm khoảng nửa muỗng cà phê bột nghệ vào một ly sữa ấm và uống nó mỗi ngày.
3. Gừng và tỏi
Gừng chứa vitamin B6 và E, chất xơ, kali, magie, mangan và selen… gừng đóng vai trò như một chất chống viêm tự nhiên. Tỏi giúp hỗ trợ tiêu hóa và giúp mẹ giảm cân sau khi mang thai. Nên thêm một chút gừng, tỏi vào thức ăn khi nấu cho bà mạ sau sinh.
4. Hạt thì là
Hạt thì là giúp sản xuất sữa mẹ rất hiệu quả. Mẹ có thể thêm một số hạt thì là vào bất kỳ loại thực phẩm nào hoặc thêm bột thì là vào ly sữa ấm, tương tự như bột nghệ. Uống này hai lần mỗi ngày để cải thiện nguồn sữa mẹ.
Sau sinh mổ có nên ăn móng giò?
Ơ Việt Nam, thường thấy phụ nữ sau sinh hay ăn chân giò hầm đu đủ, chân giò hầm hạt sen… đây đều là các món ăn bổ dưỡng và được xem là món ăn lợi sữa cho “bà đẻ”. Tuy nhiên, do quá nhiều chất dinh dưỡng, món ăn này không thích hợp cho bà mẹ vừa mới sinh xong, đặc biệt là sinh mổ ít nhất phải đợi 3 – 4 ngày cho đến 1 tuần.
Trong thời gian đó, mẹ chỉ nên chọn các món ăn thanh đạm, do tác động của thuốc tê (mê), hệ tiêu hóa của mẹ vẫn chưa trở lại bình thường, hoạt động còn khá yếu ớt, không nên ăn quá nhiều lipid, thậm chí có khuyến nghị nên ăn “chay” trong 6 giờ đầu sau sinh mổ hoặc không ăn gì để hệ tiêu hóa hồi phục cơ bản.
Sau khi sản phụ sinh mổ đã đi lại được, xuất viện về nhà thì chỉ nên ăn từ 1 – 2 móng giò/tuần. Không nên ăn liên tục cả tháng như quan niệm xưa. Vì có rất nhiều thực phẩm cung cấp protein, chất béo tốt và dễ tiêu hóa hơn móng giò rất nhiều.
Sau sinh mổ nên ăn gì là câu hỏi chung của rất nhiều bà mẹ. Do đó, mẹ nên chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa, ngừa táo bón và chú ý đến các chất dinh dưỡng mà thực phẩm đó cung cấp.