Trong buổi hội thảo “Cập nhật các phương pháp điều trị đột quỵ” tổ chức tại một bệnh viện ở TP.HCM vào sáng 17/11, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về đột quỵ, các chuyên gia cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 200.000 người bị đột quỵ, 50% trong số đó tử vong. Nếu may mắn được cứu sống, bệnh nhân có nguy cơ cao mắc các biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, nhiễm trùng đường tiết niệu, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý… Ngoài ra, còn ảnh hưởng nặng nề đến tình hình tài chính và tinh thần của người nhà bệnh nhân bị đột quỵ.
|
Bác sĩ tiến hành hội chẩn cho bệnh nhân đột quỵ. |
Phát biểu tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch hội Đột quỵ TP.HCM cho biết: "Khi phát hiện người nhà có bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ , gia đình cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên môn điều trị bệnh đột quỵ càng nhanh càng tốt.
Dấu hiệu nhận biết bệnh nhân bị đột quỵ được phân theo sơ đồ F.A.S.T. Trong đó F là viết tắt từ Face: Dấu hiệu méo miệng, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng. A là viết tắt từ ARM, dấu hiệu từ yếu liệt tay chân, đánh giá xem bệnh nhân có bị yếu, hoặc liệt một bên tay, chân hay không, bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa 2 tay lên cao.
S là viết tắt từ SPEECH, dấu hiệu từ ngôn ngữ bất thường của bệnh nhân, người nhà cần đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản. Xem bệnh nhân có hiểu không, có lặp lại được không, nhận xét giọng nói có bị đớ không. Và T là viết tắt từ Time, khi xuất hiện các triệu chứng trên một cách đột ngột, người nhà hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất để cấp cứu kịp thời, càng sớm càng tốt".
ThS.BS Hoàng Thị Tố Uyên, khoa Nội Thần kinh, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, thực tế, căn bệnh đột quỵ đã "đánh cắp" đi nhiều cuộc đời. Theo thống kê, đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Cứ mỗi 30 phút, 1 bệnh nhân đột quỵ đáng lẽ được cứu sống lại phải chết hoặc tàn phế vì họ được đưa vào điều trị tại bệnh viện không phù hợp.
Cũng theo bác sĩ Tố Uyên, thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ nhưng nhờ người nhà đưa đến cấp cứu kịp thời nên đã được cứu sống. Cụ thể, bệnh nhân P.M.T., (34 tuổi, nhân viên ngân hàng tại TP.HCM), trong lúc chơi đá bóng bị yếu nửa người, có tiền căn gia đình là ba bị đột quỵ, nên gia đình đưa vào bệnh viện Hoàn Mỹ cấp cứu, chỉ sau 22 giờ bệnh nhân được hồi phục hoàn toàn. Hay như bệnh nhân V.T.T. (22 tuổi, ngụ TP.HCM) bị đột quỵ khi vừa ngủ dậy, với triệu chứng chóng mặt, tê mặt và nửa người trái, đi lại không được, nói đớ... Nhưng sau đó được cứu sống vì đã đưa đến điều trị đúng bệnh viện có chuyên môn về bệnh đột quỵ.