Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thực phẩm đều phù hợp việc hâm nóng vì cách chúng phản ứng với vi khuẩn trong khi được lưu trữ, hoặc do các protein bị phá vỡ trong quá trình nấu có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.
5 loại thực phẩm sau đây được Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Anh (FSA) và Hội đồng Thông tin Thực phẩm Châu Âu (EUFIC) khuyên không nên hâm nóng lại vì những nguy hại có thể xảy ra với sức khỏe.
1. Thịt gà
Thịt gà và các loại gia cầm khác rất dễ nhiễm vi khuẩn salmonella và trứng cũng như vậy. Điều này có thể là một vấn đề lớn khi hâm nóng lại thịt gà thừa bằng lò vi sóng vì sóng nhiệt sẽ không thể xâm nhập vào toàn bộ thịt gà từ trong ra ngoài. Nên nếu thịt gà bị nhiễm vi khuẩn salmonella mà không được đun nóng đủ sẽ không thể tiêu diệt được hết vi khuẩn và khi ăn sẽ dẫn tới ngộ độc.
Một lý do khác để việc hâm nóng thịt gà thường không được khuyến khích vì nó có mật độ protein cao hơn thịt đỏ - khi được hâm nóng, protein bị phân hủy khác nhau và có thể gây khó chịu cho dạ dày.
Nếu vẫn muốn để lại thịt gà thừa cho lần ăn sau thì sau khi ăn xong, bạn nên đặt ngay phần gà thừa vào tủ lạnh duy trì nhiệt độ từ 40°F (hơn 4 độ C) trở xuống, Bộ Nông nghiệp Mỹ gợi ý. Nên sử dụng thịt gà trong vòng 1-2 ngày, tối đã 3 ngày. Khi hâm nóng cần đảm bảo toàn bộ thịt gà được đun nóng ở nhiệt độ 165°F (hơn 73 độ C) trước khi ăn.
2. Cơm nguội
Hâm nóng lại cơm nguội là thói quen mà phần lớn người Việt đều làm. Tuy nhiên, theo FSA bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm bằng cách ăn cơm nguội hâm nóng. Điều này là do sự hiện diện của vi khuẩn kháng thuốc cao gọi là Bacillus Cereus. Ở nhiệt độ phòng, các bào tử này sẽ nhân lên và có thể tạo ra chất độc gây nôn hoặc tiêu chảy và hâm nóng lại cơm sẽ không giúp thoát khỏi các chất độc này. An toàn nhất là ăn cơm mới nấu chín.
3. Khoai tây
Khoai tây là một nguồn giàu vitamin B6, kali và vitamin C nhưng nếu chúng được hâm nóng lại nhiều lần, khoai tây có thể sản xuất Clostridium Botulinum (vi khuẩn gây bệnh Botulism). Ngay cả khi bạn để khoai tây nấu chín ở nhiệt độ phòng, vi khuẩn sẽ chỉ tăng lên. Vì vậy, nếu bạn muốn tránh sự phát triển của vi khuẩn, tốt nhất là giữ chúng trong tủ lạnh hoặc vứt chúng đi nếu không ăn trong vòng 1-2 ngày.
4. Nấm
Theo EUFIC, nấm có protein dễ dàng bị phá hủy bởi các enzyme và vi sinh vật. Nếu nấm không được lưu trữ đúng cách sẽ bị hỏng nhanh chóng và gây khó chịu cho dạ dày kể cả khi hâm nóng.
Tuy nhiên, nếu nấm được lưu trữ trong tủ lạnh và không quá 24 giờ, việc hâm nóng lại cũng không có vấn đề gì miễn là nấu nóng ở nhiệt độ 70 độ C. Nên ăn nấm ngay sau khi hâm nóng.
Dù vậy, mọi người tốt nhất không nên cất trữ nấm và ăn lại vào ngày hôm sau vì protein và khoáng chất dồi dào trong nấm sẽ bị phá hủy khi hâm nóng lại, chúng sẽ tạo ra độc tố chứa nitơ oxy hóa và các gốc tự do. Điều này cũng gây ảnh hưởng tới hệ thống tiêu hóa của bạn.
5. Trứng
Chúng ta đều biết trứng là một nguồn protein phong phú. Tuy nhiên, trứng nấu chín hoặc trứng luộc có thể gây ra tác hại nghiêm trọng khi tiếp xúc với nhiệt nhiều lần. Một khi bạn đã nấu chín trứng, hãy ăn chúng ngay lập tức nhưng nếu nó được giữ trong thời gian dài hơn, đừng hâm nóng lại mà hãy ăn khi nguội vì trứng chứa nhiều nitơ. Nitơ này có thể bị oxy hóa do hâm nóng, gây thêm ung thư.