Nơi bẩn nhất trong tủ lạnh chính là ngăn đựng rau và thịt. Nếu dùng không đúng cách, nơi này có thể là "ổ vi khuẩn" gây bệnh cho cả gia đình bạn.
Nhiều người cho rằng, thức ăn được bảo quản trong tủ lạnh sẽ an toàn và đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tủ lạnh cũng là mơi trú ẩn ưa thích của nhiều mầm bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Tủ lạnh chỉ có khả năng làm chậm sự phát triển của vi khuẩn chứ không thể tiêu diệt được vi khuẩn. Vì vậy, cần chú trọng việc dùng tủ lạnh đúng cách và vệ sinh định kỳ để tủ lạnh không trở thành "ổ vi khuẩn" gây bệnh.
Ảnh minh họa.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính, cứ 6 người ở Mỹ thì có 1 người từng mắc bệnh liên quan tới thực phẩm.
Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) đã xem xét một số nơi bẩn nhất trong nhà bếp và phát hiện hai vị trí hàng đầu là ngăn đựng rau và thịt trong tủ lạnh. Họ tìm thấy vi khuẩn salmonella, listeria, nấm men và nấm mốc phát triển ở những nơi này. Theo các nhà khoa học, vi khuẩn listeria monocytogenes gây bệnh có thể tồn tại ở nhiệt độ thấp tới 1,6 độ C.
4 căn bệnh rình rập nếu dùng tủ lạnh sai cách
Viêm dạ dày
Nếu ăn thực phẩm được bảo quản trong tủ lạnh ngay lập tức mà không hâm nóng có thể gây ra các triệu chứng như đau quặn thắt ở phần bụng hoặc nôn ói. Bởi hệ tiêu hóa của chúng ta bị kích thích đột ngột bởi nhiệt độ thấp từ thực phẩm được đặt trong ngăn mát hoặc ngăn đông lạnh, dễ bị đau bụng, lâu dài có thể gây viêm dạ dày.
Đau đầu
Căn bệnh tưởng chừng không hề liên quan lại có thể xuất phát từ tủ lạnh quen thuộc trong nhà. Nếu thường xuyên ăn thực phẩm lạnh như đá, kem được lấy ra ngay từ ngăn đông tủ lạnh sẽ gây kích ứng niêm mạc miệng, gây phản xạ dẫn đến co thắt mạch máu phần đầu. Đó cũng chính là nguyên nhân gây cảm giác chóng mặt, đau đầu, buồn nôn,…
Viêm màng não
Nếu bảo quản thức ăn trong tủ lạnh không đúng cách sẽ sản sinh ra một loại vi khuẩn tên là Listeria - một loại trực khuẩn nguy hiểm, Listeria monocytogenes có thể khiến người mắc bệnh, viêm màng não, sảy thai, đẻ non,....
Các triệu chứng của nhiễm khuẩn Listeria bao gồm sốt, đau mỏi cơ và buồn nôn, nôn hay tiêu chảy. Nếu vi khuẩn lan tới hệ thống thần kinh, người bệnh có thể đau đầu, cứng cổ, choáng váng, mất thăng bằng, thậm chí co giật.
Viêm phổi
Khi tủ lạnh không được lau dọn thường xuyên, cửa thông gió và thiết bị bay hơi của tủ lạnh có thể dễ dàng sản sinh ra nấm, chúng bám vào thức ăn khiến trẻ nhỏ có thể bị ngộ độc, ho, đau ngực, ớn lạnh, sốt, tức ngực và hen suyễn,... Các chuyên gia thậm chí còn gọi đây là chứng viêm phổi do tủ lạnh.
Ảnh minh họa.
Cách vệ sinh phòng ngừa vi khuẩn trong tủ lạnh
Trong quá trình sử dụng tủ lạnh, bạn nên vệ sinh tủ định kỳ mỗi tuần để làm sạch các vết bẩn, những tiềm ẩn vi khuẩn trong và ngoài tủ.
- Lau sạch mặt ngoài và khu vực xung quanh tủ lạnh như cánh tủ, tay cầm để tránh vi khuẩn lưu trú.
- Cố gắng lựa chọn thực phẩm tươi ngon, ăn đủ và hết bữa, tránh để thừa, đặc biệt là các loại rau không nên bảo quản trong tủ lạnh quá 3 ngày.
- Không làm tủ lạnh “quá tải”, đảm bảo thực phẩm được bảo quản thông thoáng. Hạn chế mở tủ lạnh quá thường xuyên để đồ ăn không bị hỏng.
- Nên bảo quản các thực phẩm chín trước khi bỏ vào tủ lạnh bằng hộp kín hoặc màng bọc thực phẩm, vừa tránh bị ám mùi lại tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.