327 nhân viên một bệnh viện ở TP.HCM từng mắc COVID-19

Google News

Ngày 23/12, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM công bố khảo sát đặc điểm về các ca nhiễm COVID-19 là nhân viên y tế.

Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 9/2021, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM ghi nhận 327 nhân viên y tế mắc COVID-19, trong đó chủ yếu là các nữ điều dưỡng. Trong số 257 nhân viên y tế mắc COVID-19 đồng ý tham gia nghiên cứu, có 180 trường hợp là nữ, cao gấp gần 2,5 lần so với nam giới. Điều dưỡng là nhóm bị lây nhiễm cao nhất so với bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên khác.
327 nhan vien mot benh vien o TP.HCM tung mac COVID-19
 Nhân viên y tế đang làm việc tại khu hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Nguyễn Ly.
Trong số các nhân viên y tế mắc COVID-19 của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương ghi nhận 5 người mắc ung thư, 12 người bị bệnh tim mạch, 18 ca thừa cân… Đây đều là các bệnh nền, yếu tố nguy cơ cao khi mắc COVID-19.
Phân tích nguyên nhân, bệnh viện nghiên cứu cũng chỉ ra đa số ca nhiễm không có bệnh lý nền đi kèm và được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Do đó, người bệnh có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, sớm khỏi bệnh, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Điều dưỡng là người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, làm việc trong thời gian dài, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân và thân nhân. Đặc biệt, điều dưỡng phải tiếp xúc với các bệnh nhân thường, chưa có triệu chứng mắc COVID-19 rõ ràng hoặc chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 chính xác.
Khảo sát của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng chỉ ra sự khác biệt so với nghiên cứu chùm ca nhiễm đột phá tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM hồi tháng 6.2021. Cụ thể, trong 62 ca nhiễm của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tham gia nghiên cứu, tỷ lệ nam giới chiếm đa số, chủ yếu làm công việc hành chính.
Sự khác biệt trên được cho là vì tỷ lệ nhân sự và giới tính của 2 bệnh viện khác nhau; thời gian khảo sát và thời điểm nhiễm bệnh của các nhân viên y tế khác nhau.
Bác sĩ CKII Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nhận định, thực hành và quản trị lâm sàng cần được tuân thủ để kiểm soát tình trạng lây nhiễm trên. Các quy trình chuẩn sẽ giúp đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, hạn chế thấp nhất số ca nhiễm cho lực lượng nhân viên y tế làm công tác tuyến đầu và chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
Suốt thời gian qua, nhân viên y tế là nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm rất cao, thường xuyên phải làm việc tăng giờ trong tình trạng thiếu đồ bảo hộ cá nhân. Tại TPHCM, trạm trưởng trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè và điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tử vong vì COVID-19 khi làm nhiệm vụ phòng chống dịch.
Theo Nguyễn Ly/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)