Trao đổi với Tri thức - Znews sáng 9/5, bác sĩ chuyên khoa II Hồ Thanh Phong, Trưởng phòng Kế Hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, cho hay đơn vị này tối qua tiếp nhận 19 sinh viên thuộc ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm.
Khu B ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Ảnh: Anh Nhàn.
Theo đó, khoảng 22h đêm 8/5, một số sinh viên bắt đầu nhập viện trong tình trạng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, nghi ngộ độc cấp. Cho đến hiện tại, tình trạng của 19 bạn đều đã tạm ổn định, không có dấu hiệu chuyển nặng.
"Chúng tôi đang làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM để điều tra, tìm hiểu thêm sự việc", bác sĩ Phong thông tin.
Trước đó, TP Thủ Đức cũng ghi nhận 15 học sinh tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn phải nhập viện vì nghi ngộ độc thực phẩm. Ngày 2/5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng đã có báo cáo Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm cùng các đơn vị liên quan về vụ việc này.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, đánh giá những nguy cơ tiềm ẩn trong bếp ăn tập thể ở trong và ngoài trường học vẫn còn, dù thời gian qua cơ quan chức năng có nhiều hoạt động đi giám sát, kiểm tra. Nếu chúng ta lơ là cảnh giác, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ở những hàng quán bán rong, phương tiện bảo quản thiếu hụt, chén bát rửa cũng khó khăn, đi lại nhiều, nguy cơ bụi bặm, côn trùng xâm nhập cũng rất nhiều, gây ra nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Để hạn chế ngộ độc thực phẩm vào mùa nắng nóng, bà Phong Lan khuyến cáo người dân trong mọi tình huống đều phải ăn chín uống sôi, không nên sử dụng những thực phẩm tái sống. Với tình hình môi trường hiện nay vi khuẩn sẽ phát triển cực kỳ nhanh, người sức khoẻ tốt cũng có thể ngộ độc và tử vong.