Khoảng nửa tiếng sau chị thấy con ngồi khóc mới hỏi thì con chị bảo không hiểu sao cái chân lại tê mãi không hết, chị mới vạch bàn chân con ra xem thử thì tá hỏa. Gần như cả 10 đầu ngón chân đều thâm tím cái thì tím nhạt, cái tím đậm trông như bị tụ máu. Chị tưởng con mải chơi bị kẹp chân vào đâu nên vội lấy dầu cao xoa cho tan máu. Được một lúc không thấy hết và thằng bé còn không đứng lên được, chị vội gọi chồng đưa con vào bệnh viện. Vào đến bệnh viện chị lại càng hoảng hơn khi thấy con kêu đau cả tay, những ngón tay bị chuyển sang mầu vàng và phồng rộp lên.
|
Bỏng lạnh có thể khiến tay trẻ sưng phồng (Ảnh minh họa) |
Thằng bé khai với bác sỹ là không bị kẹp ở đâu cả, chỉ là lúc mẹ đi vắng cậu chơi trốn tìm với mấy anh hàng xóm, có trốn vào cái tủ đá của mẹ một lúc, tuy lạnh nhưng không dám ra vì sợ các anh “bắn bùm”. Khi ra thì chân đã tê cứng lại, được một lúc thì tím tái dần.
Bác sỹ cho biết thằng bé bị bỏng lạnh do ở trong tủ đá quá lâu. Chị Thu còn không biết có trường hợp bị bỏng lạnh, bác sỹ phải giải thích mãi chị mới hiểu. Hôm ấy, con chị phải nhập viện ngay để điều trị vì những ngón chân có nguy cơ bị mất cảm giác nóng lạnh rất lâu nếu không được điều trị ngay. Nếu chị đưa con đến muộn hơn các ngón chân có thể bị hoại tử, phải tháo rời hoặc cắt bỏ các vùng bị hoại tử. Nghe đến đây chị Thu bật khóc nức nở vì lo lắng.
Nhà chị bán hàng tạp hóa, bán kèm một tủ hàng kem và một tủ lưu trữ đá để bán cho bà con ở khu phố. Thường thì vào mùa hè tủ mới hoạt động hết công suất, nhưng mùa đông năm hay hết sớm, có mấy ngày nắng nóng mà các quán bia hơi đến mua đông nên chị khởi động tủ để lưu trữ đá. Không ngờ lúc chị đi chợ, con chị đã chui vào đó để trốn tìm và bị bỏng lạnh.
Điều chị cảm thấy mình đáng trách nhất là không hiểu gì về bỏng lạnh, không kiểm tra kỹ chân con và tìm hiểu nguyên nhân, đã thế còn lấy dầu cao để bôi vào chân con. Tay thằng bé cũng bị bỏng sưng phồng các ngón mà chị không hề biết. Bác sỹ cho biết trường hợp của thằng bé bị khá nặng, cần phải điều trị khoảng 1 tháng mới khỏi được.
Chị Thu nhìn con đau đớn mà không cầm được nước mắt. Trước giờ chị chỉ dặn con không được đến gần bếp than, bếp ga, tránh xa các thiết bị, ổ cắm điện mà chưa bao giờ dặn con các mối nguy hiểm của đá lạnh. Đối với chị thì đá chỉ có thể làm cho trẻ viêm họng, bị lạnh chân tay chứ bị bỏng thì chị chưa hề biết đến.
Bác sỹ cũng cho biết trẻ có thể bị bỏng lạnh trong trường hợp thời tiết quá lạnh mà không mặc đủ áo ấm, trong các trường hợp cho trẻ tiếp xúc với tuyết khi đi chơi ở các vùng núi, vì vậy cha mẹ ngoài việc dạy con tránh xa các vùng nguy hiểm có khả năng bị bỏng lạnh thì còn phải giữ ấm cho trẻ khi nhiệt độ xuống thấp vào các ngày mùa đông lạnh giá.