Sản phẩm công nghiệp đem lại những lợi ích cho cuộc sống hiện đại nhưng đi kèm với nó cũng có nhiều mặt trái khi sản sinh hàng trăm triệu tấn chất thải mỗi năm. Các chất thải này chứa các thành tố hóa học độc tính nguy hại tới sức khoẻ con người và môi trường.
|
Cơ sở xử lí chất thải trái phép được phát hiện tại Dorset (Vương quốc Anh). |
Đã có nhiều nơi trên thế giới, các tập đoàn doanh nghiệp vì muốn giảm bớt chi phí xử lí chất thải công nghiệp mà đã gây ra một số vụ bê bối. Chất thải nguy hại ngang nhiên được phát tán từ ống khói, ống xả, hay được vứt bỏ ra các bãi rác, chứa trong thùng phi rò rỉ không bảo đảm tính an toàn. Đôi khi chất thải được vận chuyển trái phép tới một nơi khác mà cộng đồng xung quanh thậm chí còn không biết về sự tồn tại của chúng.
Ngày 22/7, Ủy ban châu Âu (EC) kiện Cộng hòa Séc lên Tòa án châu Âu vì đã không chịu nhận lại 20.000 tấn chất thải nguy hại được gửi tới đầm dầu tại Ostrava, Katowice, Ba Lan vào cuối năm 2010 - đầu năm 2011. Lượng chất thải được chở sang Ba Lan trước đó được Séc coi như nhiên liệu thay thế. Tuy nhiên, do chính phủ Ba Lan đánh giá số “nhiên liệu” này là độc hại nên Séc bắt buộc nhận lại “rác” về nếu không muốn trả tiền phạt. Vụ việc gửi trả rác thải khiến nhiều người nghi ngờ dự án làm sạch đầm Ostrava. Nhà nước dự định sẽ chi 2,6 tỷ korun cho các công ty có nhiệm vụ làm sạch đầm. Tuy nhiên kết quả hiện tại không mấy khả quan ngay cả khi Bộ Môi trường nước này đã chi gần nửa số tiền trên.
Một trường hợp khác là tại hai thành phố Brisbane và Gympie, nằm phía đông nam bang Queensland (Australia), lực lượng chức năng đã phát hiện 1.400 tấn bụi than được lưu trữ trái phép tại các nhà kho hàng tháng trời. Số lượng bụi thải này có nguồn gốc từ các nhà máy nhiệt điện của chính phủ Australia, được công ty Tái chế Than có trụ sở ở Sydney mua lại độc quyền. Hiện công ty này đang phải đối diện với mức án phạt lên tới 7 triệu USD vì đã làm sai quy trình, gây mối đe dọa tới môi trường và sức khỏe cộng đồng xung quanh. Số tiền này cũng sẽ được sử dụng để làm chi phí làm sạch khu vực lưu trữ.
Trong khi đó, ở vùng Dorset (Vương quốc Anh), một chủ cơ sở xử lý rác thải trái phép đã phải chịu mức án 18 tháng tù giam, 200 giờ lao động công ích và phạt bồi thường 26.245 USD do vi phạm quy trình xử lí chất thải từ ngành công nghiệp dầu khí. Theo báo cáo điều tra, Stuart Allen đã thu thập gần 3 tấn chất thải dầu và lưu trữ chúng tại Keepers Paddock, thị trấn Sherborne. Cơ sở trái phép của anh ta bị phát hiện sau khi hàng xóm phàn nàn về việc con sông gần đó bị ô nhiễm.
Chất thải nguy hại có thể được xử lý bằng nhiều phương pháp khác nhau nhưng phổ biến nhất có lẽ là được lưu trữ tại các bãi chôn lấp chất thải nguy hiểm hay đốt cháy.
Theo báo cáo của cơ quan bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA), khoảng 60% chất thải nguy hại từ các ngành công nghiệp tại quốc gia này sử dụng phương pháp chôn lấp. Chất thải lỏng thì được bơm vào những chiếc giếng đào sâu dưới lòng đất được bao quanh bởi đá chống thấm để ngăn cách chất thải với dòng nước ngầm nói riêng cũng như nước tự nhiên nói chung. Tuy nhiên, thật không may khi hiện nay các nhà địa chất dự đoán dòng chảy nước ngầm có thể chảy qua một số giếng đá được xây dựng từ lâu và bị ngấm các chất độc hại tạo thành tầng ngậm nước dưới dòng chảy.
Trong khi đó, với chất thải nguy hại loại rắn, giống như loại chất thải thông thường, chúng có thể được đưa tới các bãi rác công cộng. Tuy nhiên, những cơ sở này đều phải đáp ứng nhu cầu cao về tính năng an toàn cũng như bảo vệ môi trường của EPA.
Một phương pháp quản lí chất thải nguy hại phổ biến khác nhưng gây nhiều ý kiến trái chiều đó chính là “đốt cháy”. EPA ước tính một năm tại Mỹ có đến 5 triệu tấn chất thải nguy hại được xử lý theo phương thức này. Mỗi loại chất thải thì sẽ ứng dụng những kỹ thuật đốt cháy khác nhau trong lò nung, tuy nhiên một đặc điểm chung của việc xử lý theo hướng này là khói hại gây ô nhiễm không khí. Năm 1993, EPA đã phải thắt chặt quy định về việc xả các loại khói bụi từ những lò nung khi có nghiên cứu chỉ ra trong khói có chứa dioxin và các độc tố khác gây ung thư.
Bên cạnh đó, những phương pháp như “gia cố” hay “sinh học” cũng được nhiều nước tiên tiến áp dụng nhưng chi phí khá đắt đỏ do phải làm thêm nhiều quy trình xử lí. “Gia cố” là phương pháp sử dụng phụ chất kết hợp với bụi và các loại chất thải hóa học khác khiến chúng rắn hơn, ngăn nguy cơ xảy ra phản ứng hóa học trước khi đổ chúng ra bãi rác vệ sinh hay chôn dưới lòng đất. Trong khi phương pháp sinh học có thể tạo phản ứng hóa học tích cực, giúp loại bớt các hoạt tố độc hại cho sức khỏe con người và môi trường trong chất thải.