Một ngày năm 2010, tại trường trung học Trương Trại, huyện Bội, thành phố Từ Châu, Trung Quốc, tiếng chuông tan học vang lên, học sinh túm năm tụm ba bước ra khỏi cổng trường dưới ánh hoàng hôn.
Trước cổng trường là một người phụ nữ trung niên với mái tóc rối bù, căng thẳng nhìn từng học sinh bước ra khỏi cổng. Cuối cùng, ánh mắt của bà dừng lại trên khuôn mặt của một cậu thiếu niên, khuôn mặt này rất giống với chồng cũ của bà khi còn trẻ.
Bà kìm lại đôi tay run rẩy, lau nước mắt, chạy đến ôm chặt cậu thiếu niên và khóc nức nở:
“Con ơi, khi con vừa chào đời họ đã nói với mẹ rằng con đã chết, không ngờ bao năm nay con vẫn sống, mẹ chính là mẹ ruột của con đây!”.
Cậu thiếu niên bị ôm cùng những người xung quanh đều không khỏi bối rối, người phụ nữ này trông như điên dại, lời nói càng khiến người khác không hiểu.
Những “họ” trong lời người phụ nữ là ai, và tại sao đến bây giờ bà mới gặp được con trai mình?
Nhưng với những lời khóc than của bà, một câu chuyện đã bị lãng quên nhiều năm, cùng một câu chuyện đầy bi kịch và phẫn nộ hiện ra trước mắt mọi người.
Câu chuyện bắt đầu từ quan niệm "trọng nam khinh nữ"
Trương Thải Hồng là một người phụ nữ lớn lên trong một gia đình trí thức, bà từ nhỏ đã thông minh, học giỏi, sau khi tốt nghiệp làm việc tại Bệnh viện Nhân dân huyện Bội, Từ Châu.
Chồng bà, Lý Đức Quân, đến từ một gia đình nông thôn, là một người đàn ông gia trưởng không có học vấn, làm việc tại bến xe.
Hai người ở hai thế giới khác nhau nhưng lại bất ngờ gặp nhau và nảy sinh tình yêu. Nhưng cha mẹ của Trương Thải Hồng, người giàu học thức, không hài lòng với Lý Đức Quân, cho rằng con gái nên lấy một người có học vấn.
Vợ chồng Trương Thải Hồng và Lý Đức Quân.
Nhưng Trương Thải Hồng không quan tâm đến định kiến của cha mẹ, cuối cùng vẫn bước vào hôn nhân với Lý Đức Quân.
Sau khi kết hôn, Lý Đức Quân rất quan tâm đến Trương Thải Hồng, cuộc hôn nhân của họ luôn ấm áp hạnh phúc, cho đến khi Trương Thải Hồng mang thai đứa con đầu lòng.
Mẹ chồng của Trương Thải Hồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi quan niệm "trọng nam khinh nữ", bà yêu cầu Trương Thải Hồng đến bệnh viện làm xét nghiệm giới tính. Nếu thai nhi là con gái, sẽ phải phá bỏ.
Lời của mẹ chồng khiến Trương Thải Hồng kinh ngạc, bà là một cô gái được nuôi dưỡng trong tình yêu thương của gia đình, từ nhỏ được cha mẹ cưng chiều, không thể hiểu nổi tâm lý trọng nam khinh nữ của mẹ chồng.
Trương Thải Hồng tìm chồng tâm sự, nhưng không ngờ chồng lại đứng về phía mẹ chồng, yêu cầu bà đến bệnh viện làm xét nghiệm giới tính. Bất đắc dĩ, Trương Thải Hồng phải đi làm xét nghiệm giới tính, nhưng thật đáng tiếc, kết quả của bác sĩ là một bé gái.
Vì vậy, mẹ chồng và chồng liên tục gây áp lực cho Trương Thải Hồng, niềm tin ban đầu của bà dần sụp đổ, cuối cùng bà đã phá thai. Khi câu chuyện này đến tai gia đình Trương Thải Hồng, những áp bức và oan ức mà bà phải chịu đựng khiến họ vô cùng phẫn nộ, họ đã đánh chồng của Trương Thải Hồng.
Nhưng hành động nóng nảy của gia đình không khiến Trương Thải Hồng cảm thấy biết ơn, bà cảm thấy đây là nguyên nhân chính khiến cuộc hôn nhân của hai vợ chồng càng rạn nứt, vì vậy mối quan hệ giữa bà và gia đình cũng lạnh nhạt.
Bà Trương Thải Hồng nhất quyết không chịu ly hôn dù cuộc sống không hạnh phúc.
Năm sau, Trương Thải Hồng lại mang thai, kịch bản quen thuộc lặp lại, mẹ chồng lại yêu cầu bà đến bệnh viện làm xét nghiệm giới tính. Mẹ chồng của Trương Thải Hồng rõ ràng không quan tâm việc phá thai sẽ gây tổn thương cho bà, bà chỉ coi Trương Thải Hồng là một công cụ sinh con trai. Vì vậy, lần này Trương Thải Hồng không chọn thỏa hiệp, mà bỏ nhà đi, chuyển đến sống tại nhà người anh họ để dưỡng thai.
Trương Thải Hồng từ nhỏ lớn lên cùng anh họ, quan hệ rất thân thiết. Anh họ và chị dâu cũng rất quan tâm đến bà. Trương Thải Hồng tưởng rằng đứa con lần này sẽ được bảo vệ, nhưng không ngờ vẫn xảy ra chuyện ngoài ý muốn.
Đứa con "biến mất" một cách kỳ lạ…
Ngày 12 tháng 7 năm 1993, Trương Thải Hồng hạ sinh một bé trai trắng trẻo mập mạp. Vì mâu thuẫn với chồng và gia đình, Trương Thải Hồng chỉ có anh họ và chị dâu chăm sóc.
Sau khi sinh con, Trương Thải Hồng rất yếu, anh họ quyết định đưa đứa bé về nhà để chị dâu chăm sóc. Vì hoàn toàn tin tưởng anh họ, Trương Thải Hồng đã đồng ý. Nhưng ngày hôm sau, anh họ trở lại bệnh viện với vẻ mặt lo lắng, chị dâu cũng ngồi bên giường âm thầm khóc. Trương Thải Hồng cảm thấy không ổn, liền hỏi liệu con mình có vấn đề gì không.
Anh họ nói: “Thải Hồng à, hôm qua chúng tôi phát hiện con của em có vấn đề bẩm sinh ở chân, sau này sẽ rất phiền phức”.
Anh họ dừng lại rồi nói tiếp: “Thải Hồng à, cuộc sống của em vốn đã khó khăn, chúng tôi sợ đứa bé này sẽ làm khổ em, nên đã tự ý bỏ nó đi”.
Đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ đi sau khi Trương Thải Hồng nhờ anh họ chăm sóc.
Lời của anh họ như sét đánh ngang tai Trương Thải Hồng, đó là con ruột của mình, là một sinh mệnh nhỏ bé, sao có thể tự ý bỏ đi mà không thông qua mình?
Nghĩ đến đây, Trương Thải Hồng rút kim truyền nước và chạy ra ngoài tìm con, nhưng anh họ và chị dâu đã ngăn lại, chị dâu khóc nói:
- “Thải Hồng à, em làm việc ở khoa xạ của bệnh viện, chắc chắn là phóng xạ ảnh hưởng đến sức khỏe của đứa bé”.
Lời của chị dâu khiến Trương Thải Hồng chìm vào im lặng, mình làm việc ở khoa xạ, rất có thể đứa bé bị ảnh hưởng bởi phóng xạ. Anh họ hứa sẽ tìm lại đứa bé, nhưng sau vài ngày tìm kiếm, anh họ quay lại với vẻ mặt áy náy và báo tin sét đánh:
- “Đứa bé đã tìm thấy, nhưng đã bị lạnh đến chết, anh sợ em đau lòng nên đã xử lý rồi”.
Chuyện này khiến Trương Thải Hồng bị ảnh hưởng tinh thần nghiêm trọng, bà không muốn về nhà chồng cũng không muốn ở lại nhà anh họ. Bà bắt tàu đến Đông Bắc, nơi bà học đại học và có nhiều kỷ niệm.
Trương Thải Hồng muốn dần quên đi nỗi đau, nhưng chuyện này luôn ám ảnh bà. Bà từng cắt tay tự tử bên dòng sông nhỏ, nhưng được người tốt đưa vào bệnh viện cứu sống.
Cuối cùng, thời gian trôi qua, Trương Thải Hồng dần vượt qua nỗi đau, nhưng khi trở lại huyện Bội, bà phát hiện chồng đã xin ly hôn. Nhìn thấy thái độ của gia đình chồng, Trương Thải Hồng không chút do dự ký vào đơn ly hôn. Sau đó, Trương Thải Hồng tái hôn, và những chuyện cũ bị bà giấu kín trong lòng.
Nhưng Trương Thải Hồng không ngờ rằng, đứa con tưởng đã chết của bà sẽ xuất hiện lại trong cuộc đời mình, mang đến biến cố lớn.
Sự thật được hé lộ
Năm 2010, khi đang làm việc tại bệnh viện, Trương Thải Hồng nghe thấy hai bệnh nhân nói chuyện: “Năm 1993, một y tá ở bệnh viện này sinh con, nói là chết, thực ra là bị người khác lén đưa đi, giờ đứa bé đã học cấp ba”.
Câu nói này như gió nhẹ thoảng qua tai Trương Thải Hồng nhưng lại nổ tung trong lòng bà. Trương Thải Hồng ngây người hồi lâu, khi tỉnh lại thì hai người kia đã đi mất. “Chẳng lẽ con mình chưa chết? Vậy tại sao anh họ lại nói dối?”, bà nghĩ thầm trong lòng.
Bà Trương Thải Hồng không tin vào những gì mình đang nghe thấy.
Sau đó Trương Thải Hồng không thể chờ thêm, gọi điện cho anh họ, nhưng anh họ chỉ ậm ừ rồi cúp máy.
Nghe tiếng bận trong điện thoại, Trương Thải Hồng biết sự việc không đơn giản. Bà bắt đầu tự điều tra, và phát hiện ra manh mối lớn.
Chị dâu của bà có một em gái, không thể sinh con, nhưng năm 1993 đã nhận nuôi một bé trai và một bé gái. Cậu bé tên là Lưu Thượng Thượng, hiện đang học tại trường trung học Trương Trại, huyện Bội.
Vì vậy, Trương Thải Hồng đến trước cổng trường chờ đợi, cho đến khi thấy khuôn mặt giống chồng cũ.
Qua xét nghiệm ADN tại bệnh viện, xác nhận rằng Trương Thải Hồng và Lưu Thượng Thượng có quan hệ huyết thống, tức là Lưu Thượng Thượng chính là đứa con đã "chết" của Trương Thải Hồng.
Tuy nhiên, khi Trương Thải Hồng tìm đến nhà cha mẹ nuôi của Lưu Thượng Thượng để đón con, thì phát hiện cả gia đình đã bỏ đi, Lưu Thượng Thượng cũng đã làm thủ tục chuyển trường. Ngọn lửa hy vọng vừa nhen nhóm trong lòng Trương Thải Hồng bị dập tắt, bà cảm thấy tuyệt vọng. Nhưng dù tìm kiếm Lưu Thượng Thượng thế nào, bà cũng không thể tìm thấy dấu vết.
Cho đến tháng 6 năm 2013, Lưu Thượng Thượng trở về huyện Bội để tham gia kỳ thi đại học, Trương Thải Hồng mới có cơ hội gặp lại con. Hóa ra sau khi Trương Thải Hồng tìm thấy Lưu Thượng Thượng, cha mẹ nuôi của cậu khuyên cậu không tin lời bà, nói rằng bà đã bỏ rơi cậu khi còn nhỏ.
Có lẽ chính vì tình mẫu tử mà Lưu Thượng Thượng đã tin lời Trương Thải Hồng khi bà tìm thấy cậu lần nữa và kể lại sự thật. Lưu Thượng Thượng đồng ý trở về bên mẹ ruột vì cha mẹ nuôi không muốn nuôi dưỡng cậu học đại học, bắt cậu sau kỳ thi đại học phải đi làm.
Mẹ ruột Trương Thải Hồng hiểu rõ tầm quan trọng của tri thức, nên rất ủng hộ Lưu Thượng Thượng học đại học.
Tuy nhiên, cha mẹ nuôi của Lưu Thượng Thượng đã kiện Trương Thải Hồng, đòi bà bồi thường 300.000 nhân dân tệ tiền nuôi dưỡng 17 năm, nhưng họ không nghĩ đến tổn thất tinh thần của người mẹ khi mất con ruột.
May mắn thay, tòa án cuối cùng phán quyết rằng cha mẹ nuôi của Lưu Thượng Thượng là nhận nuôi "bất hợp pháp", bác bỏ yêu cầu của họ.
Con trai của bà Trương Thải Hồng.
Sau bao gian nan, cuối cùng Trương Thải Hồng đã được đoàn tụ với con. Nhưng hành vi của anh họ và cha mẹ nuôi của Lưu Thượng Thượng thật đáng phẫn nộ.
Xây dựng hạnh phúc của mình trên nỗi đau của người khác, hành động này vô cùng ích kỷ và độc ác. Có lẽ việc nuôi dưỡng Lưu Thượng Thượng 17 năm rồi phải trải qua nỗi đau chia ly chính là sự trừng phạt của trời.