Uống nước đun sôi có đảm bảo an toàn trong mùa bão lũ? Bộ Y tế nhắc cần làm thêm 3 bước này mới tốt

Google News

Theo Bộ Y tế, với tình hình bão lũ ở các tỉnh miền Bắc, nước mưa ít bị ô nhiễm hơn nên cần được thu gom và xử lý để sử dụng trong việc ăn uống.

Uống nước đun sôi để nguội là một thói quen tốt với sức khỏe, được các bác sĩ khuyên dùng. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, khi nước sinh hoạt được đun sôi, các vi khuẩn và ký sinh trùng bị tiêu diệt hoàn toàn, một số chất khí độc hại có trong nước như khí amoniac (NH3), hydrosunphua (H2S)… sẽ thoát ra ngoài. 

Ngoài ra, khi uống nước đun sôi còn ấm sẽ có các lợi ích cho sức khỏe như giảm nghẹt mũi và thông họng, loại bỏ được chất thải trong hệ tiêu hóa, giải độc cho cơ thể, ngừa táo bón, tăng cường lưu thông máu hay có thể giảm cân…

Uống nước đun sôi là thói quen tốt cho sức khỏe. 

Bộ Y tế: Người dân vùng bão lũ nên sử dụng nước mưa để ăn uống

Bộ Y tế vừa đưa ra khuyến cáo, với tình hình bão lũ tại các tỉnh phía Bắc nước ta những ngày qua có thể làm nguồn nước, nhất là nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm bẩn khiến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển, dẫn đến lan truyền mầm bệnh. Các căn bệnh dễ mắc là thương hàn, giun sán, tả, tiêu chảy, sốt xuất huyết, sốt rét… Vì vậy, Bộ Y tế khuyên người dân cần đảm bảo nước uống từ nguồn an toàn. 

Điều nhiều người thắc mắc là trong tình hình bão lũ như ở các tỉnh phía Bắc hiện nay, liệu uống nước đun sôi có đảm bảo an toàn cho sức khỏe hay không? Theo Bộ Y tế, tốt nhất mọi người nên sử dụng nước uống đóng chai, dùng viên khử trùng nước hoặc đun sôi nước trong khoảng 1 phút trước khi uống.

Bộ Y tế cũng cho biết, trong tình hình bão lũ, bên cạnh những nguồn nước ngọt có trong tự nhiên như nước mạch, nước giếng thì nước mưa là nguồn nước ít bị ô nhiễm hơn, cần được thu gom và xử lý để sử dụng trong việc ăn uống. Nhưng nước mưa cần phải xử lý trong 3 bước là làm trong nước, xử lý và đựng trong thùng hoặc đồ dùng có nắp đậy để tránh bụi bẩn, côn trùng hay loăng quăng.

Cách xử lý nước mưa theo đúng với hướng dẫn của Bộ Y tế như sau:

Bước 1 làm trong nước. Theo Bộ Y tế, có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.

Theo Bộ Y tế, trong tình hình bão lũ, nước mưa là nguồn nước ít bị ô nhiễm, người dân nên tận dụng để nấu ăn, nấu nước uống. 

Đối với việc làm trong nước bằng phèn chua: Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua cho 20l nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong (chú ý vải lọc bằng cotton để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).

Bộ Y tế lưu ý, trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước.

Bước 2 là khử trùng nước. Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi.

Đối với khử trùng nước bằng hóa chất: Theo Bộ Y tế, với hộ gia đình hãy khử trùng nước bằng Cloramin B. Cloramin B được đóng gói dưới dạng viên với nhiều hàm lượng khác nhau. Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25l nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20l nước trong.

Đối với nguồn nước cấp cho tập thể hoặc nhiều hộ gia đình sử dụng: Khử trùng bằng hóa chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính, Clorua vôi) và phải do cán bộ y tế chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Cách khử trùng nước như sau:

- Viên Cloramine B 0,25g: Cho 1 viên Cloramin B 0,25g vào thùng đựng 25l nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được.

- Viên Aquatab 67mg: Cho 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20l nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.

- Khử trùng bằng hóa chất bột: Thường được sử dụng khử trùng lượng nước cấp lớn. Lượng bột cần dùng được tính toán trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10mg Cloramine hoạt tính trong 1l nước.

- Đối với bột Cloramine B 27%, để khử trùng khoảng 300l nước cần tiến hành như sau: Hòa tan 3g bột Cloramine B 27% (tương đương 1/3 thìa canh) vào một gáo nước rồi đổ vào bể hoặc thùng chứa 300l nước đã được làm trong, trộn đều, đậy nắp chờ 30 phút là có thể dùng được.

Bộ Y tế lưu ý, nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên, nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp. Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo. Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nếu không may cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi nồng.

Bộ Y tế khuyến cáo, nước mưa cần phải qua 3 bước lọc, khử trùng và nấu sôi mới nên uống. Ảnh minh họa.

Bước thứ 3 là đun sôi nước. Theo Bộ Y tế, mọi người chỉ sử dụng nước để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi. Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống. Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, các hộ gia đình có thể sử dụng thiết bị lọc để xử lý nước. Tuy nhiên, hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng…

Hiện nay có nhiều loại thiết bị lọc nước của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau. Nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm định, cấp phép của các cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để đảm bảo hiệu quả lọc nước. Nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch… để tránh bít tắc thiết bị lọc.

Nhiều người có thắc mắc, sử dụng phèn chua lọc nước liệu có an toàn hay không? Theo Bộ Y tế, phèn chua cũng là một trong những hợp chất được Bộ Y tế phê duyệt để sử dụng trong thực phẩm với một liều lượng cụ thể. Khi sử dụng phèn chua theo liều lượng được Bộ Y tế khuyến cáo, thì thức ăn hoặc sản phẩm chứa phèn chua sẽ không gây tác động đến sức khỏe. Đối với việc sử dụng phèn chua để lọc nước trong ăn uống và sinh hoạt, mọi người cũng nên sử dụng theo đúng liều lượng như khuyến cáo và hướng dẫn để đảm bảo. 

DIỆU THUẦN

Bình luận(0)