Ông lão 88 tuổi gần 30 năm lan tỏa tình yêu sách cũ trong cửa hiệu nhỏ

Google News

Trong một cửa hàng nhỏ tại quận Thanh Sơn, Vũ Hán, Trung Quốc, có một câu chuyện đẹp đã lặng lẽ diễn ra suốt gần 30 năm qua. Một ông lão 88 tuổi với tình yêu cháy bỏng dành cho sách đã mở một cửa hàng sách cũ và trở thành người bảo vệ những cuốn sách bị lãng quên.

"30 năm qua, tôi đã gặp được rất nhiều người trân trọng sách cũ. Với tôi, việc gắn bó với hiệu sách cũ này đã trở thành một trách nhiệm", ông Liu Chuanzhou chia sẻ.

Không gian nơi đây chỉ vỏn vẹn cỡ 10 mét vuông nhưng 4 phía là giá sách, chiếc bàn ở giữa cũng chất sách “cao như núi”. Lối đi giữa giá sách và bàn chỉ vừa đủ cho một người đi qua. Tại đây, nhiều cuốn sách mang đậm dấu ấn thời gian, thậm chí cả những cuốn sách không còn xuất bản đã được thổi vào sức sống mới.

"Việc bán sách cũ này cũng là vì cái tình. Tôi tuy không thể thay đổi cả xã hội nhưng tôi có thể thay đổi những người xung quanh mình," ông tâm sự.

Hiệu sách như ngọn đèn của thành phố và ông chủ chính là người thắp lên ngọn đèn

“Tôi mở ra hiệu sách này là vì tôi rất thích đọc sách", ông lão 88 tuổi chia sẻ.

Ông Liu Chuanzhou là người gốc Thanh Sơn, Vũ Hán; trước đây làm việc tại thư viện của nhà máy thép Vũ Hán. Với tình yêu sách mãnh liệt, ông thường xuyên ghé thăm các sạp sách cũ trên đường.

Bất cứ khi nào tìm thấy cuốn sách ưng ý, ông đều mua về nhà. Ông luôn cho rằng việc vứt bỏ những cuốn sách đã đọc là điều rất đáng tiếc. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, ông quyết định mở một cửa hàng sách cũ.

"Tôi muốn những cuốn sách cũ này có thể giúp ích cho những người cần chúng, đồng thời cũng thỏa mãn niềm đam mê sưu tầm sách của mình", ông nói.

Dù đã gần 90 tuổi nhưng mỗi ngày ông Liu Chuanzhou đều đến cửa hàng để lau bụi trên sách, sắp xếp lại, pha một ấm trà rồi nhâm nhi trước cửa hiệu, tận hưởng ánh nắng ấm áp của mùa đông.

Những cuốn sách trong cửa hàng ông đến từ 3 nguồn chính: sách ông đã sưu tầm, sách mọi người mang đến bán và một số cuốn sách ông mua lại từ các bãi phế liệu. Hiện tại, cửa hàng có gần 10.000 cuốn sách. Tại đây, bạn có thể tìm thấy đủ loại sách, từ các tác phẩm kinh điển, tạp chí cũ, sách giáo khoa cho đến những cuốn sách cổ hiếm gặp, thậm chí là những sách độc bản.

“Sách càng cũ thì mùi càng nồng. Cái gọi là mùi hương sách chủ yếu đến từ những cuốn sách cũ”.

Ông Liu chia sẻ rằng một trong những lý do khiến ông yêu thích sách cũ là bởi mùi hương đặc trưng ấy. Một niềm vui khác khi đọc sách cũ là ông có thể tìm thấy những “bất ngờ” bên trong. Đó có thể là bức thư kẹp giữa các trang sách, những dòng chữ viết tay trên trang bìa, hay những đồng tiền cũ... Mỗi món đồ nhỏ đều mang theo những câu chuyện và dấu ấn thời gian riêng.

“Cảm giác đọc sách trên mạng và đọc sách giấy hoàn toàn khác nhau. Khi đọc sách giấy, con người ta có thể tĩnh tâm mà suy nghĩ”, ông nói.

Với sự phát triển của internet, nhu cầu đọc sách giấy những năm gần đây không còn như trước và số lượng người đến các hiệu sách cũ cũng ít đi. Tuy nhiên, quan điểm của ông Liu Chuanzhou về việc đọc sách trực tuyến và đọc sách giấy vẫn không thay đổi. Ông chia sẻ:

“Hiệu sách như ngọn đèn của thành phố, người bán sách như người thắp đèn, còn việc đọc sách là tìm kiếm một khoảng sáng cho tâm hồn mình”.

“Miễn là tôi còn khỏe, tôi sẽ tiếp tục duy trì hiệu sách này”

Tại cửa hàng của ông, giá một cuốn sách thường dao động từ 2 tệ (7 nghìn đồng) đến hơn 10 tệ (35 nghìn đồng), một số cuốn sách bìa cứng có thể lên đến vài trăm tệ. Mỗi ngày, ông Liu chỉ bán được khoảng 30 tệ (105 nghìn đồng). Ông cho biết mục đích của ông khi mở hiệu sách này không phải để kiếm tiền.

“Tôi có lương hưu, hiệu sách này không đủ để trang trải cuộc sống. Tôi chỉ muốn giữ lại kỷ niệm”, ông chia sẻ.

Trước đây, trên phố có rất nhiều cửa hàng sách cũ nhưng giờ đây lác đác chỉ còn lại 2-3 cửa hàng, chủ yếu bán sách giáo khoa. Vậy nhưng mỗi ngày, ông vẫn đều đặn mở cửa hàng từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, dù trời mưa hay nắng. Có lần phụ huynh gọi điện vào nửa đêm nhờ ông mở cửa để tìm sách cho con, ông cũng không nề hà. Với ông, việc giúp đỡ trẻ em là điều vô cùng quan trọng.

Từ ngày mở hiệu sách, ông Liu đã kết giao thêm được nhiều bạn bè. Ông kể có một vị hiệu trưởng của trường đại học gần đó thường xuyên ghé qua cửa hàng ông để tìm sách. Ông cũng đặt một vài chiếc ghế nhỏ trước cửa hàng, chuẩn bị sẵn trà mời những người qua đường dừng chân nghỉ ngơi và đọc sách.

“Có mua sách hay không không quan trọng, điều quan trọng là những người yêu sách có thể tìm thấy những cuốn sách mình yêu thích ở đây”, ông chia sẻ.

Bà Xu Fengshu, một người bán đồ ăn ngay cạnh cửa hàng chia sẻ ông Liu là người rất nhiệt tình. Biết bà là người nơi khác đến đây, gia đình ông tận tình giúp đỡ. Thậm chí, khi con cái bà cần sách, ông Liu còn cho mượn miễn phí. Hàng xóm lớn tuổi xung quanh thường ghé qua đây để trò chuyện và đọc sách.

Vì tuổi cao, ông Liu cần người giúp đỡ quản lý hiệu sách của mình. Con trai ông Liu Jihong sau khi nghỉ hưu đã tình nguyện đến phụ giúp cha mình.

“Cha tôi rất yêu hiệu sách này. Sau khi nghỉ hưu, tôi cũng không có việc gì làm nên giúp cha trông coi hiệu sách cũng là một điều tốt”, người con chia sẻ. 

Cuối cuộc phỏng vấn, ông Liu Chuanzhou chia sẻ: “Thấy ngày càng có nhiều người trân trọng và truyền bá những giá trị văn hóa trong những cuốn sách cổ, tôi cảm thấy rất vui. Tôi hy vọng rằng những cuốn sách hay sẽ tìm được độc giả của mình. Miễn là tôi còn khỏe, tôi sẽ tiếp tục duy trì hiệu sách này.”

BẢO BẢO

Bình luận(0)