Trước khi nhắm mắt bố vợ yêu cầu tôi nuôi em trai 14 tuổi, tôi mỉm cười tuyên bố ly hôn

Google News

Trước lúc lâm chung, bố vợ muốn tôi chăm sóc em trai vợ, lo cho em nó ăn học đến nơi đến chốn nhưng tôi đã khước từ, chọn ly hôn.

Sau khi kết hôn, mỗi tháng làm được bao nhiêu tiền tôi đều nộp hết cho vợ để cô ấy tính toán chi tiêu trong nhà và tiết kiệm, tôi chỉ giữ lại một khoản để ăn sáng, xăng xe. Nhưng ai mà ngờ, vợ tôi lại ngấm ngầm dùng số tiền đó để phụng dưỡng bố mẹ cô ấy.

Ban đầu tôi không biết, vợ cũng chẳng nói. Chỉ là sau 3 năm cưới nhau, tôi muốn đổi sang căn nhà to hơn để ở, nhưng khi hỏi đến tiền thì vợ lại ngập ngừng không nói rồi viện hết lý do này đến lý do khác để không đổi nhà.

Nghi ngờ vợ giấu giếm điều gì đó, tôi lén kiểm tra thì phát hiện tiền tiết kiệm của gia đình chỉ còn hơn 100 triệu. Tính cả tiền trước cưới, lẽ ra bây giờ tiền tiết kiệm cũng được hơn 1 tỷ rồi nhưng giờ gần như cạn kiệt. Hỏi vợ tiền đã đi đâu hết, lúc này cô ấy mới chịu nói ra sự thật là đưa tiền cho bố mẹ đẻ.

Thất vọng về vợ, nhưng cô ấy nhận lỗi và hứa sau này không tái phạm nên tôi bỏ qua. Thời gian sau đó, vợ không gửi tiền về cho bố mẹ ruột nữa. Chúng tôi dành dụm thêm 2 năm, cuối cùng cũng mua được một căn nhà trả góp.

Khi biết vợ lén gửi tiền cho nhà ngoại, tôi vô cùng tức giận. (Ảnh minh họa)

Sau khi mua nhà, áp lực của tôi càng lớn hơn. Tôi cố gắng kiếm tiền từng ngày để sớm trả hết khoản nợ, vợ hiểu được sự vất vả của chồng nên rất quan tâm đến tôi. Những ngày tháng đó tuy cực nhọc nhưng cũng đáng lắm.

Nhưng sau đó, tôi phát hiện vợ lại lén gửi tiền về cho nhà ngoại. Không kìm nén được nữa, tôi quát vợ:

- Anh ngày ngày đi làm vất vả, tiền nhà thì chưa trả xong, còn cả cục nợ như thế mà em lại gửi tiền về cho bố mẹ em. Em làm như thế có nghĩ tới anh, nghĩ tới con gái của chúng ta không hả? Thà rằng em biếu bố mẹ mỗi tháng 1-2 triệu anh không nói, đằng này mỗi tháng em gửi về hơn chục triệu, bằng 1/3 lương của anh rồi. Em không nghĩ cho tương lai của chúng mình à?

Vợ cũng không vừa, liền quay ra trách móc tôi:

- Em mới đưa ít tiền cho bố mẹ mà anh đã làm ầm lên vậy? sao anh keo kiệt, hẹp hòi thế, tiền cho bố mẹ cũng tiếc. Đó là người đã sinh ra vợ anh cơ mà? Em phụng dưỡng bố mẹ em có gì sai? Với lại, bố mẹ em 42 tuổi mới sinh thêm cho em một đứa em, giờ bố mẹ gần 50 tuổi rồi, không đi làm được như trước, em phải có trách nhiệm lo cho em trai chứ? Nếu anh không chịu được thì ly hôn đi.

Tôi tức đỏ cả mặt, chỉ muốn ký vào đơn ly hôn luôn, nhưng nghĩ tới con gái nên đành nín nhịn. Cuối cùng tôi đành xuống nước, đồng ý mỗi tháng chu cấp cho nhà vợ 5 triệu, nhưng với điều kiện vợ không được giữ hết tiền nữa. Mỗi tháng tôi sẽ đưa cho vợ 5 triệu cộng thêm khoản tiền đi chợ, còn tiền đóng học cho con, tiền trả góp căn nhà tôi tự đóng.

Hai vợ chồng vì chuyện tiền gửi cho nhà ngoại mà cãi nhau rất nhiều lần. (Ảnh minh họa)

Thời gian trôi nhanh, em trai vợ và con gái tôi ngày một khôn lớn, còn bố mẹ vợ sức khỏe lại yếu dần đi theo năm tháng. Khi em trai vợ lên 12 tuổi, mẹ vợ qua đời vì ung thư. Sau khi mẹ đi, bố vợ cũng đau buồn quá độ mà đổ bệnh, gắng gượng được 2 năm thì qua đời.

Trước lúc lâm chung, ông muốn tôi chăm sóc em trai vợ, lo cho em nó ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng, lời ông nói ra lại không hề dễ nghe chút nào:

- Con là con rể, cũng tính là một nửa con trai. Bố yêu cầu con làm gì thì con phải làm nấy. Chăm sóc em trai là trách nhiệm của con. Con đã cưới con gái bố thì phải lo cả cho em trai tới khi nó lấy vợ.

Bố vừa dứt lời, vợ tôi liền nói tiếp:

- Đó là em trai em, em phải có trách nhiệm và nghĩa vụ nuôi nấng nó. Cho dù anh không muốn, em vẫn sẽ đưa nó về ở cùng. Nếu anh không đồng ý, chúng ta sẽ ly hôn.

Nghe vợ đưa chuyện ly hôn ra dọa để ép tôi nuôi em trai, tôi thất vọng đến cùng cực. (Ảnh minh họa)

Lại là hai chữ “ly hôn”. Lần nào cũng vậy, cô ấy đều đưa hai chữ này ra để ép tôi phải cúi đầu, nhưng lần này tôi quyết không nhượng bộ nữa. Con gái tôi đã 17 tuổi, một năm nữa con bé sẽ vào đại học và ra ở riêng, nên với tôi, sự uy hiếp đó của vợ giờ đây không còn chút trọng lượng nào nữa.

Tôi điềm tĩnh nói với vợ:

- Anh đã muốn ly hôn từ hơn 10 năm trước, khi em lén lút gửi tiền về cho nhà ngoại hết lần này đến lần khác. Nhưng vì con còn nhỏ, sợ con bị tổn thương, ảnh hưởng tâm lý nên anh mới nhượng bộ em để con có một mái nhà. Còn bây giờ, con đã khôn lớn rồi, chúng ta ly hôn đi. Anh chịu đựng em, gia đình em ngần ấy năm là đủ rồi. Em nuôi em trai em, anh không cấm, nhưng em hãy tự nuôi một mình đi. 

Đến lúc này vợ mới hoảng sợ, khóc lóc quỳ xin tôi nghĩ lại. Tuy nhiên, tôi không còn chút tình cảm nào với vợ nữa. Khi ly hôn, tài sản chia đôi, con gái cũng hiểu cho tôi, còn em trai thì tự vợ đi kiếm việc làm, kiếm tiền mà lo cho em, tôi không quan tâm nữa.   

CẨM TÚ

Bình luận(0)