Tin tức 24h: Miền Bắc đón không khí lạnh tăng cường

Google News

Từ đêm nay, không khí lạnh tăng cường nên miền Bắc tiếp tục kiểu trời nắng hanh, độ ẩm không khí thấp (40%), Hà Nội từ 24-34 độ C, Sa Pa 12-22 độ C.

Miền Bắc đón không khí lạnh tăng cường

Miền Bắc tuần qua trời quang mây, ban đêm dưới 22 độ C, vùng núi dưới 19 độ, một số điểm như Sa Pa (Lào Cai) 12 độ, Đồng Văn (Hà Giang) gần 13 độ, Sìn Hồ (Lai Châu) gần 14 độ. Nguyên nhân là miền Bắc nằm sâu trong khối không khí lạnh khô với trường gió phân kỳ thổi từ mặt đất lên độ cao 1.500 m.

Cơ quan khí tượng dự báo đêm nay và ngày mai không khí lạnh tăng cường nên tuần tới miền Bắc trời quang mây, đêm lạnh, độ ẩm phổ biến 35-41%.

Trang Accuweather của Mỹ dự báo nhiệt độ Hà Nội cả tuần tới khoảng 24-34 độ C. Điểm cao trên 1.500 m so với mực nước biển như Sa Pa (Lào Cai) ban ngày 21-22 độ, ban đêm 12-15 độ C.

Ngày 5/10, carnaval Áo dài Hà Nội diễn ra trong tiết trời thu đặc trưng nắng 32 độ C, độ ẩm chỉ 40%. Ảnh: Hoàng Giang

Miền Trung dưới tác động của không khí lạnh tăng cường cộng thêm ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió đông nên tuần tới sẽ có mưa rào, giông, tâm mưa ở Trung Trung Bộ. Nhiệt độ phổ biến 29-32 độ C.

Trong đó hai ngày 7-8/10, khu vực từ nam Nghệ An đến Thừa Thiên Huế mưa 20- 40 mm, cục bộ có nơi trên 100 mm. Các đợt mưa với cường suất lớn trên 100 mm trong 6 giờ có thể gây sạt lở đất, lũ quét.

Khu vực Đà Nẵng - Bình Thuận mưa về chiều tối, cục bộ có điểm mưa to trên 70 mm. Thanh Hóa, phần phía bắc của tỉnh Nghệ An có mưa vài nơi.

Nam Bộ và Tây Nguyên chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp xích đạo có trục 6-8 độ vĩ bắc nên tuần tới có mưa rào, giông nhiều ngày, tập trung về chiều tối. Ban ngày, Nam Bộ nắng 32-34 độ, Tây Nguyên 28-31 độ C.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định tháng 10, nhiệt độ cả nước phổ biến cao hơn 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Tháng 11-12, nền nhiệt Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ khả năng thấp hơn khoảng 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Rét đậm ở miền Bắc (nhiệt độ trung bình ngày từ 15 độ C trở xuống) có thể xuất hiện từ nửa cuối tháng 12.

Đi học về, con tá hoả phát hiện cha mẹ tử vong trong nhà

Ngày 6/10, Công an huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đang tiếp tục làm rõ vụ việc 2 vợ chồng tử vong tại nhà riêng vừa xảy ra trên địa bàn.

Nạn nhân là ông Đ.V.L. (SN 1985) và bà Đ.T.H. (SN 1987), trú thôn Đồng Giang, xã Sơn Giang.

Thông tin ban đầu, khoảng 11h trưa 5/10, cháu Đ.S.L.K. (SN 2007) đi học về, thấy nhà chốt cửa trong. Sau đó, K. mở cửa vào trong thì tá hoả phát hiện cha và mẹ đều đã tử vong.

Tại hiện trường, bà H. chết trên giường, còn ông L. chết trong tư thế treo cổ.

Nhận tin báo, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tổ chức khám nghiệm và điều tra nguyên nhân vụ việc.

Bị lừa gần 1 tỷ đồng khi đăng ký cho con tham gia giải chạy trên mạng

Chị T (trú tại Hà Nội) vừa đến cơ quan công an trình báo về việc bị lừa gần 1 tỷ đồng khi đăng ký cho con tham gia một giải chạy trên mạng. Theo trình báo, chị T đã truy cập quảng cáo trên trang facebook "KIDS RUN - Marathon" về giải chạy cho các bạn nhỏ từ 4 – 15 tuổi. Khi vào trang facebook này, chị T thấy họ thường xuyên đăng tải bài viết về cơ cấu giải thưởng cuộc thi như: Toàn bộ chi phí quà tặng cho vận động viên xuất sắc sẽ được sử dụng để thêm vào cho chuyến đi từ thiện; là giải chạy vì đồng bào; chạy vì rừng xanh…

Thấy đây là sân chơi hay, bổ ích cho con, chị T đã nhắn tin đăng ký và được "Ban tổ chức" yêu cầu tham gia hoạt động khảo sát cho phụ huynh. Theo hướng dẫn, khi nào được xét duyệt chính thức thì "Ban tổ chức" sẽ cho vào nhóm hoạt động chung của phụ huynh để giao lưu, trao đổi.

Khi được xét duyệt vào nhóm, chị T được một "phụ huynh" nhờ thực hiện nhiệm vụ để giúp các nhà tài trợ giải chạy đẩy lượt bán sản phẩm. Sau 2 lần chuyển khoản với số tiền nhỏ là 850 nghìn đồng và 3 triệu đồng, chị T nhận lại được đủ số tiền.

Trang facebook giả mạo giải chạy (ảnh Cổng thông tin điện tử Công an Hà Nội)

Tuy nhiên, khi số tiền tăng lên thì hệ thống luôn báo lỗi và chị T không nhận lại được tiền. Lúc này, các "phụ huynh dởm" trong nhóm liền nhắn tin hỏi và trao đổi "cũng không nhận lại được tiền nhưng sau khi thực hiện thêm nhiệm vụ, được nhận lại đủ số tiền của cả 2 lần". Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, chị T đề nghị các phụ huynh kia gửi ảnh căn cước. Do thấy ảnh căn cước đáng tin cậy, chị tiếp tục chuyển 7 lần với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng thì mới nhận ra mình bị lừa. Thế nhưng, tất cả đã quá muộn, toàn bộ số tiền trên đã bị "bốc hơi".

Cơ quan Công an đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.

 Dừng phà để lắp lại cầu phao Phong Châu

Ngày 6-10, thông tin từ Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, từ 12 giờ trưa cùng ngày sẽ tạm dừng hoạt động lưu thông qua phà quân sự để chuẩn bị lắp lại cầu phao Phong Châu (bắc qua sông Thao, nhánh chính của sông Hồng, nối giữa 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).

Trong chiều 6-10, lực lượng quân đội lắp lại cầu phao Phong Châu - Ảnh: Binh chủng Công binh

Đại tá Nguyễn Đăng Chiến, trưởng phòng tuyên huấn, Binh chủng Công binh, cho biết sáng nay khi đo lưu tốc dòng chảy trên sông Hồng đoạn qua cầu Phong Châu bị sập cho thấy đã đạt tiêu chuẩn cho phép lắp lại cầu phao. Do đó, 15 giờ chiều cùng này 6-10, lực lượng công binh tiến hành lắp lại cầu phao tại khu vực xảy ra vụ sập cầu Phong Châu để người dân lưu thông qua lại.

Trước đó, cầu phao Phong Châu được Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) phối hợp với lực lượng chức năng lắp đặt và hoàn thiện đưa vào sử dụng từ sáng 30-9, sau sự cố cầu Phong Châu sập. 

Cầu phao Phong Châu với cơ chế đóng/mở từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày theo điều tiết của lực lượng chức năng. Theo đó, người, xe thô sơ, xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) được phép lưu thông qua cầu phao theo hai chiều, tốc độ tối đa cho phép 5 km/giờ.

Tuy nhiên, khi tối ngày 1-10 do nước lũ ở thượng nguồn đang đổ về khiến mực nước sông Hồng dâng cao, dòng chảy lớn, Lữ đoàn 249 đã quyết định tạm thời "cắt" cầu phao Phong Châu. 

Trước tình hình nêu trên, lực lượng quân đội đã tổ chức phà thay thế khi cầu phao khi nước sông Hồng chảy xiết.

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, sự cố sập cầu Phong Châu xảy ra vào khoảng 10 giờ ngày 9-9. Thời điểm xảy ra sự cố có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (trong đó có 1 xe ôtô tải, 2 xe ôtô đầu kéo, 6 xe môtô, 1 xe máy điện); 8 người mất tích. Đến nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy 4 thi thể.

Bắt một phụ nữ phạm tội đánh bạc sau 8 năm bỏ trốn

Ngày 6-10, tin từ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC10) Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết vừa áp giải Phạm Thị Kim Thoa, bị bắt theo lệnh truy nã sau 8 năm lẩn trốn về Bình Thuận để xử lý theo quy định.

Bà Phạm Thị Kim Thoa được di lý về Bình Thuận. Ảnh PC10.

Được biết, Phạm Thị Kim Thoa (sinh năm 1967) ngụ phường Lạc Đạo, TP Phan Thiết, bị TAND TP Phan Thiết xử phạt 1 năm 6 tháng tù giam về tội đánh bạc.

Tuy nhiên ngày 19-7-2016, người phụ nữ này không chấp hành án phạt tù mà bỏ trốn khỏi địa phương và bị PC10 ra quyết định truy nã.

Quá trình lẩn trốn, người phụ nữ này liên tục di chuyển qua nhiều địa phương khác nhau để trốn tránh sự quản lý, truy bắt của cơ quan chức năng.

Đánh bạc bị kết án rồi bỏ trốn suốt 8 năm, người phụ nữ này đã bị bắt giữ. Ảnh PC10.

Qua công tác nắm tình hình, sàng lọc, truy xét, Tổ truy nã Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp nhận định Phạm Thị Kim Thoa đang lẩn trốn tại huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) nên triển khai truy bắt.

Lúc 18h30 chiều 4-10, PC10 phối hợp với Công an xã Ka Đô (huyện Đơn Dương) đã ập vào bắt Phạm Thị Kim Thoa tại phòng trọ trên địa bàn xã Ka Đô.

Sau khi di lý về Bình Thuận, Tổ truy nã của PC10 đã áp giải người phụ nữ này bàn giao cho Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận để làm thủ tục đưa đi chấp hành án theo quy định của pháp luật.

H.A

Bình luận(0)