Tin tức 24h: Mâu thuẫn với vợ, người đàn ông ở Hà Nội nhảy cầu Nhật Tân tự tử

Google News

Do mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, người đàn ông ở quận Long Biên (Hà Nội) đã ra cầu Nhật Tân nhảy xuống sông Hồng tự tử. May mắn, nạn nhân đã được một tàu chở cát cứu vớt lên thuyền.

Ngày 24/9, thông tin từ Công an quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) cho biết, mới đây đơn vị cùng với người dân đã cứu sống một người đàn ông nhảy cầu Nhật Tân tự tử.

Theo đó, vào khoảng 3 giờ 15 phút sáng ngày 23/9, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Tây Hồ nhận được tin báo về vụ việc một người đàn ông nhảy cầu Nhật Tân xuống sông Hồng.

Người đàn ông nhảy cầu Nhật Tân được người dân và lực lượng chức năng ứng cứu.

Ngay lập tức, đơn vị đã báo cáo chỉ huy ca trực và điều động 1 xe cứu nạn đến hiện trường. Đồng thời, Công an phường Phú Thượng, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông và các lực lượng chức năng khác của thành phố Hà Nội cũng được huy động để phối hợp ứng cứu.

Rất may mắn, người đàn ông nhảy cầu đã được một tàu chở cát đang lưu thông trên sông kịp thời cứu vớt lên thuyền. Sau đó, Đội Cảnh sát PCCC Công an quận Tây Hồ đã tiếp nhận nạn nhân và bàn giao cho Công an phường Phú Thượng để xác minh làm rõ vụ việc.

Qua xác minh, nạn nhân được xác định là anh N.N.C. (SN 1985, trú tại quận Long Biên, Hà Nội). Nguyên nhân ban đầu dẫn tới sự việc được xác định là do mâu thuẫn với vợ trong cuộc sống gia đình.

Xúc động hình ảnh người dân xếp hành dài, bật khóc khi tiễn các anh bộ đội rời Làng Nủ

Chiều 24-9, tại thôn Làng Nủ, chính quyền địa phương đã đã tổ chức lễ tiễn gần 400 bộ đội của Quân khu 2 và biên phòng sau 14 ngày tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng xảy ra ngày 10-9 tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

Nghe tin các chiến sĩ bộ đội rời làng, người dân xếp hàng dài hai bên đường để giơ tay chào. Nhiều người dân đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh những anh bộ đội rời thôn Làng Nủ sau 14 ngày tìm kiếm những nạn nhân mất tích do lũ quét, sạt lở đất và giúp người dân khắc phục hậu quả do bão số 3, ổn định cuộc sống.

Một người dân nghẹn ngào khi chia tay các cán bộ, chiến sĩ quân đội. Ảnh: Facebook

Người dân và các chiến sĩ xúc động ôm chặt nhau trước giờ chia tay. Ảnh: Cắt từ Clip

Một chiến sĩ bồng em nhỏ trước khi lên xe rời Làng Nủ

Nhiều người dân không cầm nước mắt khi các anh bộ đội rời làng

Một cụ bà ra tận xe ôtô đưa tiễn các anh bộ đội

Nhiều người dân bật khóc khi chia tay các chiến sĩ bộ đội. Ảnh: Facebook

Hàng trăm người dân xếp hàng dài đi theo tiễn các cán bộ, chiến sĩ quân đội. Ảnh: Facebook

VIDEO: Hình ảnh xúc động tại lễ tiễn các cán bộ, chiến sĩ rời thôn Làng Nủ

Được biết, thôn Làng Nủ nằm gần chân núi Voi, nơi 167 hộ với 760 đồng bào người Tày sinh sống nhiều đời.

Trận lũ quét, sạt lở đất kinh hoàng ngày 10-9 khiến 33 hộ dân bị vùi lấp, 40 gia đình bị ảnh hưởng, 55 người chết, 12 người mất tích, 14 người bị thương, 87 người an toàn.

Các chiến sĩ bộ đội tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại Làng Nủ

Từ những ngày đầu sau vụ lũ quét, Sư đoàn 316 huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, Bộ đội Biên phòng Lào Cai khoảng 40 người, Trường Trung cấp 24 Biên phòng tăng cường hai phân đội chó nghiệp vụ, huấn luyện viên, tổ chức tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ bà con dựng nhà tạm, di chuyển đồ đạc tới nơi an toàn.

Bộ đội dùng chó nghiệp vụ tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại thôn Làng Nủ

Sau khi một lực lượng rút đi, tại hiện trường lũ quét, sạt lở đất ở thôn Làng Nủ còn gần 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy quân sự huyện Bảo Yên và dân quân tiếp tục tìm kiếm 12 nạn nhân mất tích còn lại cũng như giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Mới nhất: Tìm thấy thêm 1 thi thể tại thôn Làng Nủ

Tin từ TTYT huyện Bảo Yên (Lào Cai), khoảng 10 giờ sáng nay (24/9) lực lượng tìm kiếm, cứu hộ tại thôn Làng Nủ (Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) đã tiếp tục tìm thấy 1 thi thể bị vùi lấp. 

Tuy nhiên do bị vùi lấp sâu, đến 16h15 lực lượng chức năng mới tiếp cận để đưa thi thể lên được.

Nạn nhân được xác định là bà Nguyễn Thị Mẫn (SN 1968), là vợ của ông Nguyễn Văn Sứ- người đã được tìm thấy sáng ngày 18/9.

Nhân viên y tế xử lý môi trường tại nơi tìm thấy thi thể nạn nhân.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng tìm kiếm, cứu hộ đã tìm thấy 53 thi thể, số người tử vong là 55 (1 trường hợp tử vong tại bệnh viện). Vẫn còn 11 người mất tích, chưa được tìm thấy.

Được biết, ngày hôm nay, gần 400 bộ đội của Quân khu 2 và biên phòng đã rút khỏi Làng Nủ, xã Phúc Khánh. Công việc còn lại bàn giao cho lực lượng địa phương.

Sau khi lực lượng quân đội rút đi, hiện trường còn gần 200 người đến từ Ban Chỉ huy quân sự huyện Bảo Yên, dân quân, các tổ máy móc tiếp tục tìm kiếm thêm 5 ngày, đến 30/9.

Trường tiểu học chỉ phát giấy khen học sinh ủng hộ bão lũ từ 100.000 đồng trở lên bị giải trình

Liên quan đến sự việc Trường tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, TP.HCM) chỉ phát giấy khen cho học sinh ủng hộ đồng bào bão lũ từ 100.000 đồng trở lên, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp khẳng định phòng không hề chỉ đạo các trường làm việc này. Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra dư luận không tốt về hình thức khen thưởng trên.

Lễ khai giảng tại Trường tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, TP.HCM). Ảnh: Website nhà trường

"Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp đã nhắc nhở các trường trên địa bàn chấn chỉnh tình trạng này. Các đơn vị phải cân nhắc khi tổ chức khen thưởng để tránh gây tổn thương đến học sinh và tạo bức xúc trong dư luận. Phòng đang yêu cầu trường làm báo cáo giải trình về vấn đề này", ông Thanh nói.

Chiều 24/9, một cán bộ quản lý của Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết việc khen thưởng học sinh có việc làm tốt, năng lực nổi trội,... luôn được ngành giáo dục chú trọng trong quá trình đánh giá thường xuyên. Nhà trường, giáo viên tổ chức khen học sinh tham gia ủng hộ đồng bào bão lụt là hành động rất đúng và kịp thời.

Tuy vậy, việc đưa ra mức đóng góp để nhận thư khen hay giấy khen chưa phù hợp, không gây được tác dụng lớn. Phòng GD&ĐT quận cần tổ chức rút kinh nghiệm cho trường về cách thức tổ chức và thực hiện để phù hợp hơn.

Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, hưởng ứng lời kêu gọi của địa phương, Trường tiểu học Lê Quý Đôn phát động phong trào gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3 tới cán bộ, giáo viên, công nhân viên, phụ huynh và học sinh. Trong thời gian quyên góp, nhà trường nhận được hơn 268 triệu đồng tiền ủng hộ từ học sinh 45 lớp học tại trường.

Trong sáng qua (23/9), nhà trường trao giấy khen để động viên học sinh tích cực tham gia phong trào trên. Tuy nhiên, việc khen thưởng này lại khiến nhiều phụ huynh bất bình vì học sinh ủng hộ từ 100.000 đồng trở lên mới được nhận giấy khen. Những học sinh ủng hộ ít hơn số tiền trên chỉ nhận được thư khen từ giáo viên chủ nhiệm. Trong số 2.100 học sinh tại trường, có 1.500 em được nhận giấy khen, các em còn lại sẽ nhận thư khen.

Cô Trần Thanh Tuyền, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn cho biết đây là việc làm sơ suất của nhà trường. "Chúng tôi xin rút kinh nghiệm và sẽ điều chỉnh trong các hoạt động khen thưởng tiếp theo”, cô Tuyền nói.

Đôi vợ chồng mới cưới dành 100 triệu đồng ủng hộ đồng bào bị bão lụt

Trưa 24-9, đôi vợ chồng trẻ là anh Trần Ngọc Hưng (SN 1997) và chị Dương Thị Hiền Mai (SN 2000), ngụ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội đã đến trụ sở Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động khu vực miền Bắc (ở 16F Phùng Hưng, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) đóng góp số tiền 100 triệu đồng vào chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương".

Vợ chồng anh chị Hưng - Mai (bên trái) trao số tiền 100 triệu đồng ủng hộ đồng bào lũ lụt. Ảnh: Trần Huỳnh

Anh Hưng cho biết hai vợ chồng mới tổ chức hôn lễ được hơn 10 ngày. Đây là số tiền mừng cưới và tiết kiệm của hai vợ chồng dự định để mua sắm những vật dụng cần thiết, chăm lo cho tổ ấm và đi nghỉ tuần trăng mặt. Tuy nhiên, chứng kiến những tổn thất lớn do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra cho người dân các tỉnh miền Bắc, gia đình anh Hưng, chị Mai cảm thấy rất xót xa và mong muốn thông qua Báo Người Lao Động cùng chung tay sẻ chia, hỗ trợ những người gặp nạn trong thiên tai sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Thay mặt Ban Biên tập Báo Người Lao Động, ông Phạm Hồng Kỳ, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động khu vực miền Bắc, tiếp nhận số tiền 100 triệu do vợ chồng anh Trần Ngọc Hưng và chị Dương Thị Hiền Mai ủng hộ đồng bào bị bão lụt, đồng thời bày tỏ cảm ơn, xúc động trước tấm lòng, nghĩa cử cao đẹp và sự ủng hộ quý báu của đôi vợ chồng trẻ.

"Hai bạn mới lập gia đình, còn nhiều việc phải lo cho cuộc sống mới, cho tương lai nhưng đã dành sự sẻ chia thiết thực, quý báu để chung tay xoa dịu nỗi đau, giúp đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai sớm ổn định cuộc sống. Đây là nghĩa cử cao đẹp, rất đáng trân trọng"- đại diện Báo Người Lao Động chia sẻ.

Đại diện Báo Người Lao Động cho biết bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu của bão đã gây thiệt hại vô cùng nặng nề về người và tài sản cho người dân, doanh nghiệp và đơn vị nhà nước tại các tỉnh miền Bắc. Hiện, công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão gây ra vẫn đang được các cấp, các ngành và người dân tập trung, khẩn trương triển khai.

Với tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia nhằm tiếp sức đồng bào các địa phương phía Bắc khắc phục hậu quả bão lũ, Báo Người Lao Động đã sớm kêu gọi bạn đọc ở mọi miền đất nước cũng như đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài chung tay giúp đỡ.

Ông Phạm Hồng Kỳ chia sẻ sự ủng hộ, giúp đỡ kịp thời, thiết thực và quý báu của người dân, bạn đọc của Báo Người Lao Động tới các gia đình bị thiệt hại nặng nề do bão lụt vừa qua

Anh Trần Ngọc Hưng và chị Dương Thị Hiền Mai mới kết hôn được hơn 10 ngày. Ảnh: NVCC

Đến nay, chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" do Báo Người Lao Động phát động, quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bão, lũ, sạt lở đã nhận được tổng số tiền hơn 12,38 tỉ đồng.

Thời gian qua, phóng viên Báo Người Lao Động đã trực tiếp tới hiện trường, ghi nhận các hoàn cảnh khó khăn để trao kinh phí hỗ trợ. Cụ thể, Chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" của Báo Người Lao Động đã trao 160 triệu đồng hỗ trợ 16 hộ gia đình ở Làng Nủ (Lào Cai); hỗ trợ gia đình có 3 người tử vong do sạt lở núi ở Yên Bái; hỗ trợ 10 triệu đồng cho gia đình nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu; hỗ trợ các nạn nhân ở Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ…

Ngoài việc hỗ trợ cấp bách các gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do bão số 3 và mưa lũ, Chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" của Báo cũng hỗ trợ, chia sẻ với những mất mát của các gia đình các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ phòng chống cơn bão số 3.

Nhiều gia đình bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong bão số 3 và mưa lũ

Đây đều là nguồn ủng hộ đã được các cá nhân, tổ chức khắp mọi miền đất nước gửi đến chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" do Báo Người Lao Động phát động để ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành miền Bắc bị ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất.

Hiện Báo Người Lao Động đang tích cực, khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương lập kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ mang tính cấp bách, đồng thời mang tính căn cơ, lâu dài, bền vững tại các địa phương bị thiệt hại nặng do bão số 3 và mưa lũ, xây dựng công trình dân sinh thiết yếu tại khu vực bị thiệt hại nặng, đồng thời hỗ trợ sinh kế góp phần đem lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, bảo đảm tương lai lâu dài.

Trong thời gian sớm nhất, Báo Người Lao Động trực tiếp triển khai các hoạt động chung tay tái thiết sau thiên tai và tạo sinh kế cho người dân tại một số địa phương bị thiệt hại nặng như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng…, như: Xây mới một số điểm trường cùng tặng trang thiết bị - dụng cụ học tập, sách giáo khoa, hỗ trợ học bổng; xây lại nhà ở bị lũ cuốn trôi; tặng cây - con giống, máy phát điện, máy bơm…; hỗ trợ ngư dân sửa chữa tàu thuyền và khôi phục sản xuất…

Báo Người Lao Động sẽ khảo sát, phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm tại địa phương trong việc triển khai thực hiện, đồng thời giám sát chặt chẽ các phần việc nói trên, để các công trình, quà tặng bảo đảm chất lượng, hiệu quả; đồng thời cho thấy toàn bộ kinh phí đóng góp của bạn đọc, nhà hảo tâm được phân bổ minh bạch, đúng địa chỉ, kịp thời và có ý nghĩa sử dụng lâu dài, căn cơ.

Đại diện Báo Người Lao Động khẳng định số tiền được hai vợ chồng anh Hưng, chị Mai gửi gắm qua chương trình "Hướng về miền Bắc yêu thương" cũng như các nguồn bạn đọc, nhà hảo tâm ủng hộ thời gian qua sẽ được Báo phối hợp với cơ quan chức năng chuyển kịp thời tới đúng những đối tượng được thụ hưởng.

THẢO ANH

Bình luận(0)