Lời kể của người dân vụ 3 người trong gia đình tử vong ở quận 7
Chiều 10-11, liên quan vụ 3 người trong gia đình tử vong trong phòng trọ trên đường Lý Phục Man, phường Bình Thuận, quận 7, TP HCM, Công an quận 7 cùng lực lượng liên quan tiếp tục làm rõ nguyên nhân gây sự việc thương tâm trên.
3 nạn nhân gồm người chồng là Hà Công Hùng (32 tuổi, làm bảo vệ), người vợ (41 tuổi, làm công nhân) và con gái khoảng 2 tuổi.
Trước đó, khoảng 6 giờ sáng, một phụ nữ đến phòng trọ chừng 12 m2 trên đường Lý Phục Man để tìm người thân nhưng thấy khoá cửa nên nhờ những người hàng xóm gọi giúp.
Căn phòng trọ được phong toả để làm rõ nguyên nhân.
Sau nhiều lần đập cửa nhưng không thấy động tĩnh gì nên người dân phá cửa rồi phát hiện người 3 người đã tử vong. Cạnh đó là nồi bắp luộc đã cháy khét trên bếp gas.
Người phụ nữ sống bên cạnh phòng trọ trên kể thời điểm trên, bà nội (ở quận 4) của bé gái đến đón cháu để hai vợ chồng đi làm như thường ngày. Tuy nhiên gọi nhiều lần nhưng không thấy phản hồi.
Nghi chuyện chẳng lành nên người bà nhờ hàng xóm trong dãy trọ gọi giúp rồi phát hiện sự việc đau lòng trên.
Người phụ nữ cũng cho biết tối qua ngửi có mùi như bắp luộc, khoai lang nướng bay từ phòng anh Hùng sang.
Một phụ nữ khác cho hay vợ chồng anh Hùng ngày thường đi làm đóng cửa nên ít giao tiếp với mọi người xung quanh. Tuy nhiên họ cũng không cãi vã hay có điều gì bất thường.
Công an đã thu giữ nhiều vật dụng liên quan để phục vụ điều tra. Nguyên nhân ban đầu nghi do ngạt khí.
Mất 4 người thân sau vụ cháy chung cư mini, cặp vợ chồng già từng bước vượt qua nỗi đau
Nỗi đau "người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh"
Trong căn nhà tập thể ở nhờ của người thân trên phố Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội), ông Ngô Phó Điền (66 tuổi) ngồi dựa lưng vào tường, đưa mắt thẫn thờ nhìn xa xăm. Cạnh ông là bà Đặng Thị Yên (64 tuổi, vợ ông).
Bà Yên đã cố gắng vượt qua nỗi đau mất con, cháu sau vụ cháy.
Vợ chồng ông bà vẫn không thể nguôi ngoai sau cú sốc lớn khi mất đi con gái, con rể và 2 cháu ngoại trong vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cách đây gần 2 tháng.
Bà Yên nói: Một đứa trẻ mất đi cha, mẹ người ta gọi là trẻ mồ côi, đàn ông mất vợ gọi là goá vợ, phụ nữ mất chồng gọi là quả phụ, nhưng lại không có tên gọi nào dành cho những người cha, người mẹ bị mất con, cháu.
“Không một từ ngữ nào đủ để miêu tả về nỗi đau đó. Nỗi đau quá lớn với chúng tôi, chưa biết khi nào mới nguôi ngoai được”, bà Yên òa khóc nói.
Ông Điền không kìm được nước mắt khi nghĩ về con cháu.
Vào năm 2015, hai ông bà mua căn hộ tại tầng 5 chung cư mini trên phố Khương Hạ. Là những người đầu tiên sống tại đây, có trách nhiệm và nhiệt tình nên ông bà được cư dân tín nhiệm bầu làm bảo vệ.
Vợ chồng chị T. (con gái út của ông bà) và 2 con sống cùng ông bà nhiều năm nay. Hằng ngày, bà Yên đưa đón các cháu đi học. Cách đây không lâu, vợ chồng chị T. định thuê căn hộ tại ngõ đối diện để ở riêng, dự định chuyển đến vào ngày 1/9. Tuy nhiên, chủ nhà báo chưa có nhà cho thuê nên cả nhà chị T. vẫn sống với bố mẹ trong chung cư mini, không ngờ lại gặp tai họa.
Chung cư mini nơi xảy ra vụ cháy.
Nhớ lại lại vụ cháy, bà Yên kể, đêm 12/9, ông Điền đang trực bảo vệ tại chung cư thì phát hiện tầng một bốc cháy. Lửa nhỏ, ông vác bình cứu hỏa đến dập lửa, nhưng "càng xịt càng cháy to".
Ông vội hô hoán vợ rồi báo động toàn bộ cư dân. Thời điểm đó, đa số cư dân đã đi ngủ, một số thanh niên từ các tầng nghe tiếng chuông báo cháy vội chạy xuống dưới.
Lúc này, bà cùng chồng và hàng xóm sử dụng bình cứu hỏa, liên tục dập lửa nhưng bất thành. Hàng loạt xe máy ở tầng một bắt đầu bén lửa, phát ra tiếng nổ, khói lửa nhanh chóng bao trùm tầng một rồi lan lên các tầng trên.
Bà Yên chạy lên tầng 5 gọi vợ chồng con gái và hai cháu ngoại, nhưng đến tầng 3, một cư dân chặn bà lại, nói "mọi người đã biết rồi". Trong lúc hoảng loạn, bà Yên cùng mọi người chạy xuống dưới thoát nạn. Bà không thể ngờ rằng, đêm định mệnh đó khiến vợ chồng bà mất đi quá nhiều người thân.
Món nợ ân tình của các mạnh thường quân
Trước đó, chỉ vài ngày sau khi xảy ra vụ cháy, rất nhiều mạnh thường quân đã đến Nhà văn hóa khu dân cư số 8 Khương Hạ ủng hộ tiền và hiện vật cho các nạn nhân
Sau vụ cháy, vợ chồng bà Yên chuyển đến sống nhờ nhà anh trai trên phố Thái Thịnh. Hai ông bà cố mạnh mẽ, gắng gượng sống từng ngày. Nhưng do mất ngủ triền miên nên bà Yên sụt 2kg, còn ông Điền sụt 5kg khiến con cháu, người thân lo lắng.
“Chồng tôi bị tai biến 3 lần rồi. Sau sự việc xảy ra, ông ấy như người mất hồn, lúc cười, lúc khóc. Nhìn cách con cái, người thân chăm lo cho mình từng tí một, hai thân già lại an ủi nhau gắng gượng vượt qua bất hạnh”, bà Yên nói.
Vợ chồng bà Yên lấy nhau và sinh được hai cô con gái. Cả hai đều đã xây dựng gia đình, nhưng vụ cháy đã cướp đi gia đình người con út khiến ông bà suy sụp. Gần 50 ngày qua, người con gái cả lúc nào cũng túc trực cạnh ông bà để lo toan mọi việc.
Trong lúc trò chuyện, đôi tay chai sạn của bà Yên luôn đan chặt vào nhau, nước mắt bà chảy dài trên gò má. Bà cầu mong cho con gái, con rể và 2 cháu ngoại sớm siêu thoát. Đó có lẽ là việc duy nhất người phụ nữ 64 tuổi có thể làm cho con cháu mình lúc này.
Bà Yên cho biết, hai vợ chồng bà vừa nhận được một khoản tiền hỗ trợ trong số 132 tỷ đồng ủng hộ của các mạnh thường quân. Với số tiền này, sau khi bàn bạc, tính toán, ông bà đã mua lại một căn nhà nhỏ khoảng 25m2 ở khu tập thể cũ trên phố Thái Thịnh.
Căn nhà này ở tầng 4, cùng tầng với nhà anh trai bà Yên. Bên trong có một phòng ngủ và một phòng khách. Chi phí mua nhà và sửa chữa mất hơn 1 tỷ đồng. Số tiền còn lại vợ chồng bà sẽ gửi tiết kiệm phòng lúc ốm đau, bệnh tật.
“Món nợ ân tình của các mạnh thường quân vợ chồng tôi chẳng biết bao giờ mới trả hết. Giờ tôi chỉ mong ổn định chỗ ở mới để lo hương khói cho con, cháu”, bà Yên chỉ tay về phía căn nhà đang sửa chữa rồi nói.
Quốc hội chính thức thông qua việc cải cách tiền lương từ 1-7-2024
Sáng 10-11, với 94,33% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Theo đó, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với số thu ngân sách nhà nước là 1.700.988 tỉ đồng. Thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỉ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng.
Về thực hiện chính sách tiền lương, từ ngày 1-7-2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương. Nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương bảo đảm từ nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và một phần bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách nhà nước. Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Theo đó, đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương đang thực hiện các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù, từ 1-1-2024 đến ngày 30-6-2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù. Việc này phải bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12-2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).
Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm năm 2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì chỉ thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Từ ngày 1-7-2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.
Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn,...) của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước.
Hạ cấp độ dịch, COVID-19 không được ưu tiên ngân sách khám chữa bệnh trong nhóm B
Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư quy định danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B được ưu tiên bố trí ngân sách cho hoạt động khám chữa bệnh.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B được ưu tiên bố trí ngân sách cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh gồm 8 bệnh: Dại; lao phổi; uốn ván; bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); sốt rét; bệnh do liên cầu lợn ở người; than; viêm não virus.
Một bệnh nhân uốn ván điều trị tại cơ sở y tế
Tiêu chí lựa chọn bệnh truyền nhiễm nhóm B được ưu tiên bố trí ngân sách gồm: Tính chất nguy hiểm của bệnh; tỉ lệ tử vong, để lại di chứng cao so với các bệnh truyền nhiễm khác trong nhóm B. Chưa có vắc-xin hoặc khó tiếp cận vắc-xin. Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Quản lý điều trị phức tạp; điều trị dài ngày. Thuốc, vật tư điều trị không sẵn có hoặc phổ biến trên thị trường. Khả năng chi trả của người bệnh, đặc biệt đối với bệnh lưu hành ở khu vực có nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khó tiếp cận các dịch vụ y tế. Ảnh hưởng của bệnh đối với xã hội: Dịch vụ chăm sóc y tế, nghỉ làm hoặc nghỉ học, sự quan tâm của cộng đồng.
Dự thảo nêu rõ bệnh được đưa vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B được ưu tiên bố trí ngân sách cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi đáp ứng 6/7 tiêu chí hoặc 5/7 tiêu chí và có tính đặc thù.
Như vậy, trong các bệnh truyền nhiễm nhóm B được ưu tiên bố trí ngân sách cho khám bệnh, chữa bệnh không có bệnh COVID-19.
Trước đó, ngày 20-10, Bộ Y tế đã chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, việc giám sát COVID-19 sẽ lồng ghép vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, cùng đó lồng ghép tiêm vắc-xin COVID-19 vào các buổi tiêm chủng thường xuyên tại địa phương.