Núi rừng Tây Nguyên có nhiều loại cây rừng, rau rừng từ xưa đã gắn với cuộc sống của bà con các dân tộc. Chúng có hương vị độc lạ, khác hẳn với rau ở miền xuôi. Đó là nguyên liệu để làm nên nhiều món đặc sản nổi tiếng mà người thành phố không có cơ hội được thưởng thức. Trong số đó phải kể tới rau teng leng ở Gia Lai.
Lá teng leng mọc ở núi rừng Gia Lai, có vị đắng nhưng từ xưa đã được bà con sử dụng trong nhiều món ăn
Teng leng còn có tên gọi khác then len hoặc ten nen, vốn mọc hoang dại ở bìa rừng. Cây teng leng khá cao, thường phù hợp với những nơi đất sét.
Về hình dạng, lá teng leng khá giống với lá sầu đâu hoặc lá cóc nhưng mùi vị thì khác hẳn, chỉ có người dân địa phương mới phân biệt được.
Chị Thịnh (ở Gia Lai) kể: "Cây teng leng khá cao nên phải trèo lên cây hoặc dùng cây sào cao để giật cành xuống. Cây này xanh tốt quanh năm nhưng đầu năm là lúc chúng đâm chồi nảy lộc, có nhiều lá non và lá bánh tẻ có thể ăn được.
Từ xưa, người đi rừng đã hái lá teng leng để ăn kèm với thịt các loài thú rừng nướng. Hoặc có thể hơ trên lửa rồi và chấm muối ớt ăn chơi. Dù có vị đắng nhưng khi kết hợp với món ăn lại vô cùng đặc biệt. Lá tèng leng và thịt hòa quyện tạo ra một hợp vị khác lạ, khiến độ thơm ngọt của thịt tăng lên và độ ngậy béo của mỡ có trong thịt giảm đáng kể, khiến người thưởng thức không còn cảm giác ngấy ngán thường có".
Lá teng leng kết hợp với món cá nướng
Theo anh Thịnh, trước đây lá teng leng chỉ có người dân tộc ở Gia Lai biết đến thì giờ đây chúng trở thành đặc sản được các nhà hàng, quán ăn sử dụng làm nên các món đặc sản độc đáo. Nổi tiếng nhất phải kể tới lá teng leng kết hợp với cá nướng, thịt heo nướng, ăn kèm với khô cá lóc hoặc khô phồng cá tra...
Vì mang lại thu nhập nên một số bà con đi hái lá teng leng về bán ở chợ quê hoặc bán vào trong các nhà hàng, quán ăn, quán nhậu.
Cũng là người dân Gia Lai, anh Huỳnh cho hay: "Từ bé mình đã quen sử dụng lá teng leng với các món thịt nướng. Bây giờ lên thành phố, muốn ăn lá èng leng phải nhờ mẹ gửi ở quê lên nhưng hiếm khi mua được. Đây là lá rừng của Gia Lai nên ít người biết tới, khi tôi chế biến rồi mời khách và bạn bè đồng nghiệp, ai ăn thử cũng tấm tắc khen ngon và lạ miệng".
Ở Tây Nguyên còn có một loại rau rừng khác nghe tên lạ tai mà nhiều người chưa từng được nghe tên, đó là lá Rnhao. Lá này khi ăn có vị ngọt ngọt và mùi thơm đặc biệt.
Lá Rnhao khi ăn có vị ngọt ngọt và mùi thơm đặc biệt.
Người dân địa phương cho biết, lá Rnhao là nguyên liệu không thể thiếu trong món canh bồi của đồng bào dân tộc. Nguyên liệu của canh bồi là các loại rau rừng theo mùa kết hợp với thịt heo, sườn heo, thịt bò, thịt gà..., tùy vào sở thích của mỗi người mà các nguyên liệu được lựa chọn khác nhau. Thế nhưng, nếu thiếu lá Rnhao, món canh bồi sẽ giảm đi phần hấp dẫn và hương vị riêng của nó.