Giá vàng hôm nay ngày 9/11 lại quay đầu giảm mạnh
Tin tức giá vàng hôm nay, ngày 9/11, có xu hướng như thế nào? Cập nhật mới nhất giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hôm nay sẽ cung cấp thêm thông tin cho độc giả.
Giá vàng trong nước hôm nay
Giá vàng ngày 9/11 giảm giá vàng miếng về mức 85,8 triệu đồng/lượng bán ra.
Theo cập nhật giá vàng hôm nay mới nhất tính đến chiều tối 9/11, giá vàng trong nước ngày 9/11 được niêm yết cụ thể bởi nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, đá quý.
Theo đó, giá vàng SJC hôm nay ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 82 triệu đồng/lượng mua vào và 85,8 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TPHCM, giá vàng SJC ngày 9/11 đang mua vào và bán ra mức tương tự so với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng. Như vậy, so với chốt phiên trước, giá vàng SJC giữ nguyên chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng Doji hôm nay tại khu vực Hà Nội đang là 82 triệu đồng/lượng mua vào và 85,8 triệu đồng/lượng bán ra, giữ nguyên chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước. Giá vàng Doji ngày 9/11 ở TPHCM đang mua vào và bán ra tương tự so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 82 triệu đồng/lượng mua vào và 85,8 triệu đồng/lượng bán ra, giữ nguyên chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Giá vàng Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 82,3 triệu đồng/lượng mua vào và 85,8 triệu đồng/lượng bán ra, giữ nguyên chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên trước.
Như vậy, giá vàng trong nước hôm nay, ngày 9/11, giảm mạnh chiều bán ra so với chốt phiên trước ở một số thương hiệu vàng lớn.
Giá vàng hôm nay, ngày 9/11, quay đầu giảm mạnh giá vàng miếng chiều bán ra.
Giá vàng nhẫn hôm nay
Giá vàng nhẫn hôm nay, ngày 9/11, giữ nguyên ở một số thương hiệu vàng, sau khi giảm cực mạnh trong phiên giao dịch hôm qua.
Cụ thể, giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại Doji niêm yết ở ngưỡng 83,35 – 85,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch trước.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn SJC loại 1-5 chỉ ở mức 82 – 84,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch trước.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở ngưỡng 83,32 – 85,12 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên giao dịch trước.
Giá vàng thế giới hôm nay
Theo cập nhật giá vàng thế giới tính đến chiều 9/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ngày 9/11 đảo chiều giảm mạnh với vàng giao ngay giảm 24,2 USD, xuống 2.684,6 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.691,8 USD/ounce, giảm 21,5 USD so với rạng sáng qua.
Giá vàng thế giới ghi nhận mức giảm hằng tuần mạnh nhất trong hơn 5 tháng do chịu áp lực từ sức mạnh của đồng bạc xanh USD, cùng dự đoán triển vọng lãi suất của Mỹ sau kết quả bầu cử Mỹ 2024 khi ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Xu hướng giá vàng
Dự báo về xu hướng giá vàng, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường vàng thế giới đang chịu một số áp lực bán sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố.
Dù vậy, Ryan McIntyre - chuyên gia tại Sprott - cho rằng, về lâu dài, giá vàng thế giới sẽ tăng nhờ các yếu tố hỗ trợ như sự mất giá của USD, tình hình tài chính bấp bênh của nhiều quốc gia phương Tây.
Trong khi đó, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, các quỹ giao dịch vàng vật chất toàn cầu đã chứng kiến dòng vốn chảy vào trong tháng 10 và là tháng thứ 6 liên tiếp. Nhiều dự báo cho rằng, giá vàng sẽ lên 3.000 USD/ounce trong năm 2025.
Giám đốc điều hành Brian Lan của đại lý GoldSilver Central có trụ sở tại Singapore cho rằng, giá vàng thế giới trong dài hạn vẫn sẽ tăng. Tuy nhiên, theo ông, trong ngắn hạn, nếu giá vàng giảm xuống 2.643 USD/ounce, mức hỗ trợ tiếp theo sẽ là 2.620-2.520 USD/ounce.
Với giá vàng trong nước quay đầu giảm và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.684,6 USD/ounce (tương đương gần 82,4 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giá vàng ngày 9/11 giữa thị trường vàng trong nước và thế giới là khoảng 3,4 triệu đồng/lượng.
Cập nhật giá vàng hôm nay mới nhất của giá vàng thế giới và giá vàng trong nước ngày 9/11 sẽ được thông tin đầy đủ, chính xác, nhanh chóng đến độc giả.
Bình Thuận: Thanh long nghịch vụ rớt giá "sốc", còn 2.000 đồng/kg
Ngày 9-11, nhiều nhà vườn trồng thanh long tại tỉnh Bình Thuận cho biết giá thu mua trái thanh long đang ở mức rất thấp. Theo đó, dù là sản xuất nghịch vụ nhưng giá loại trái cây này chỉ được thương lái trả mua xô (mua hết vườn, không kể lớn nhỏ- PV) ở mức 2.000-3.000 đồng/kg.
Nếu thương lượng mua lựa tại vườn, thương lái chỉ lấy loại trái từ 0,5 kg trở lên, sạch nấm bệnh thì mức giá từ 4.000-5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu chọn cách bán này, số thanh long chín dưới tiêu chuẩn bị bỏ lại vườn thường hơn phân nửa tổng số trái.
Trái thanh long loại nhỏ được mua bán trên các hội nhóm với mức giá rất thấp
Anh Nguyễn Hữu Hoan, nông dân xã Mương Mán (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) cho biết lứa thanh long chín hiện tại là lứa chong đèn (kích thích cây ra trái nghịch vụ - PV) thứ 3 tại địa phương.
Hai lứa trước, nông dân bán với giá từ 20.000 đồng/kg trở lên. "Đến lứa chong đèn hiện nay không rõ lý do gì mà giá rớt nhanh quá! Nhiều vườn trái tương đối đẹp, trọng lượng 0,3 – 0,4 kg mỗi trái đều bị thương lái chê, bỏ lại vườn hoặc mua với giá dưới 1.000 đồng thôi" – anh Hoan nói.
Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, phần lớn thanh long địa phương xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, nhiều tháng qua, thị trường này tiêu thụ chậm khiến mặt hàng trái thanh long bị ảnh hưởng.
"Bắt đầu từ cuối chính vụ (2 tháng trước), lượng thanh long về các cửa khẩu phía Bắc để xuất qua Trung Quốc đã dồn rất nhiều. Đến vụ chong đèn này, lượng hàng về nhiều, cộng với thị trường Trung Quốc đang ăn chậm khiến trái thanh long bị giảm giá. Việc giá lên xuống cũng là vận hành theo thị trường" - ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, nói.
Thanh long vụ chong đèn đang rớt giá mạnh
Theo thống kê, diện tích cây thanh long tại Bình Thuận hiện nay khoảng 26.900 ha, sản lượng đạt 460.000 tấn.
Thanh long của Bình Thuận được tiêu thụ chủ yếu xuất khẩu thông qua đường tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc với 85% sản lượng, còn khoảng 15% được tiêu thụ trong nước.
9 tháng đầu năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh ước đạt 6,4 triệu USD, tăng 2,31% so với cùng kỳ năm 2023.
Bão số 7 giảm tốc, sẽ suy yếu thành vùng áp thấp khu vực Quảng Nam đến Bình Định
Bão số 7 sẽ suy yếu thành vùng áp thấp từ Quảng Nam đến Bình Định
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ chiều nay 9/11, bão số 7 (bão Yinxing) ở vào khoảng 19,0 độ vĩ bắc; 114,2 độ kinh đông, trên khu vực bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía đông bắc. Bão mạnh cấp 14 (150 - 166 km/giờ), giật cấp 17.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, tốc độ khoảng 15 km/giờ. Sau khi tới gần quần đảo Hoàng Sa, bão số 7 gặp không khí lạnh và nhiệt độ bề mặt nước biển thấp nên suy yếu nhanh và đổi hướng về phía nam.
Bão số 7 sẽ thành vùng áp thấp gây mưa cho các tỉnh Quảng Nam đến Bình Định.
Đến 13 giờ ngày 10/11, tâm bão số 7 ở trên vùng biển phía tây bắc khu vực bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280 km về phía bắc. Bão mạnh cấp 12 - cấp 13, giật cấp 16, di chuyển theo hướng tây tây bắc sau chuyển hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 10 km và suy yếu thêm.
Khoảng 13 giờ ngày 11/11, tâm bão số 7 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 160 km về phía tây bắc. Bão mạnh cấp 10, giật cấp 13, di chuyển theo hướng tây nam, mỗi giờ đi được 15 km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới sau là vùng áp thấp.
Lúc 13 giờ ngày 12/11, tâm vùng thấp ở trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Do tác động của bão số 7, khu vực bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8 - cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12 - cấp 14, giật cấp 17, sóng biển cao 4 - 6 m, vùng gần tâm 7 - 9 m; biển động dữ dội. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Cơ quan khí tượng cho biết, do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 4,0-6,0m, vùng gần tâm 8,0-10,0m; biển động dữ dội. Ngày 11/11 vùng biển ngoài khơi Quảng Bình đến Quảng Ngãi có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12.
Trong 10 ngày tới dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh, có thể xuất hiện nhiều nhiễu động để phát triển thành bão/áp thấp nhiệt đới.
Đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt ứng phó bão số 7
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có điện gửi Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông về việc chủ động ứng phó với bão Yinxing (bão số 7).
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ trực lãnh đạo, trực ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và trực ứng cứu thông tin 24/24; theo dõi sát tình hình diễn biến của bão.
Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố chỉ đạo là đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn phối hợp triển khai đồng bộ các phương án ứng phó kịp thời, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc cho lãnh đạo UBND, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp tỉnh và chính quyền địa phương để chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó với bão. Tăng cường thông tin liên lạc tại các khu vực trọng điểm như các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ thủy điện, hồ thủy lợi xung yếu và các khu vực có thể bị ảnh hưởng của thiên tai.
Xác định các khu vực bị mất liên lạc do ảnh hưởng của bão để phối hợp với Cục Viễn thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai roaming giữa các mạng nhằm bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với bão.
Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố thông tin cho Sở Công Thương các khu vực cần ưu tiên điện lưới cho các trạm BTS kiên cố chịu được rủi ro thiên tai cấp 4 nhằm bảo đảm duy trì thông tin liên lạc.
Đề nghị Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu hỗ trợ, ưu tiên cung cấp xăng dầu cho các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn phục vụ chạy máy phát điện cho trạm BTS khi điện lưới bị mất.
Các doanh nghiệp viễn thông tập trung triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó bão, lên phương án ứng cứu thông tin khi có sự cố xảy ra. Tập trung gia cố nhà trạm, cột cao, cột ăng ten thuộc các hệ thống đài phát, đài thu vô tuyến, các hệ thống truyền dẫn và mạng ngoại vi có khả năng bị ảnh hưởng của bão bổ sung kịp thời các thiết bị dự phòng trên mạng lưới như máy nổ, nhiên liệu máy nổ, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn dự kiến nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Sẵn sàng tổ chức nhắn tin cảnh báo bão tới các thuê bao trên địa bàn có khả năng bị ảnh hưởng theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Sẵn sàng roaming giữa các mạng di động khi có yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn người dân cách cài đặt để máy điện thoại có thể tự động chuyển vùng dịch vụ giữa các mạng viễn thông di động.
Cung cấp danh sách các trạm BTS chịu được rủi ro thiên tai cấp 4 cho các Sở Thông tin và Truyền thông để thông báo cho người dân biết, đến sạc pin điện thoại. Lên phương án để điều động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư dự phòng để sớm khôi phục mạng lưới sau bão (nếu có sự cố xảy ra).
Đồng thời, tăng cường dự phòng các tuyến truyền dẫn Viba để khôi phục thông tin nhanh nhất khi các tuyến truyền dẫn cáp quang bị sự cố. Có phương án ưu tiên đảm bảo an toàn các tuyến truyền dẫn để triển khai hội nghị truyền hình phục vụ thông tin chỉ đạo, điều hành ứng phó với bão; đảm bảo đường truyền cho các đài khí tượng thủy văn, các camera, cảm biến đo thời tiết để thu thập thông tin hiện trường.
Bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng cho cán bộ công nhân viên tham gia công tác phòng chống thiên tai. Trang bị đầy đủ bảo hộ an toàn lao động cho cán bộ, nhân viên đi làm nhiệm vụ ứng cứu thông tin, bảo đảm thông tin liên lạc ngoài hiện trường.
Tài xế trong vụ tai nạn thương tâm ở Gò Vấp: "Bất ngờ và quá đau lòng!"
Clip: Tài xế xe buýt Lê Mạnh Cường chia sẻ lại cảm xúc của mình.
Liên quan thông tin "Nam sinh viên quẹt vào hông xe buýt 148 rồi tử vong ở TP HCM", ngày 9-11, ông Lê Mạnh Cường (60 tuổi, tài xế xe buýt số 148) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động.
Ông Cường kể lại sự việc với phóng viên Báo Người Lao Động.
"Tai nạn xảy ra bất ngờ, quá đau lòng! Đây là sự cố lớn lần đầu tiên tôi gặp phải" - ông Cường nói với vẻ mặt buồn bã sau tai nạn nghiêm trọng.
Suốt 5 năm nay, ông cho biết chưa từng để xảy ra sự cố gì. Tuy nhiên, lúc 14 giờ 48 phút ngày 8-11, ông Cường lái xe buýt số 148 chạy trên đường Nguyễn Thái Sơn, hướng từ đường Phạm Văn Đồng đi Phan Văn Trị thì xảy ra vụ việc đau lòng.
"Khi đến giao lộ đường Lê Lai thuộc phường 4, quận Gò Vấp thì nghe tiếng la hét của người dân, tôi linh cảm không hay nên lập tức dừng xe lại. Vận tốc lúc này là 18 km/h, chạy đúng làn đường" - ông Cường kể.
Xuống xe, ông thấy một thanh niên trẻ tuổi nằm dưới đất, cạnh đó là vũng máu. Quan sát gần đó thấy có một xe cứu thương đang dừng lại nên ông chạy đến đập cửa, yêu cầu cứu người nhưng được trả lời xe này đang đi làm nhiệm vụ cứu một người khác.
Ông Cường bất lực quay lại dùng tay sờ cổ thanh niên thì biết người này đã tử vong. Thương xót, ông dùng khăn trên xe để che chắn lại cho nạn nhân.
Tài xế dùng khăn trên xe để che chắn lại cho nạn nhân. Ảnh: Mạng xã hội
"Một nam tài xế chạy đến nói với tôi rằng nạn nhân đã chạy vượt lên nhưng va phải người đi xe đạp, sau đó ngã xuống xe buýt của tôi tử vong. Người này yêu cầu tôi đến một trụ sở công an gần đó tạm lánh mặt" - ông Cường kể và cho biết sau khi làm việc với cơ quan công an đến 22 giờ tối qua thì được cho về nhà.
Ông Cường cho hay có 20 năm hành nghề và lái xe tuyến 148 đã 5 năm. Theo dự kiến, đến cuối năm nay, ông sẽ nghỉ chạy xe buýt. "Cũng không biết phải nói cảm xúc như thế nào. Thực sự bất lực!" - ông Cường chia sẻ.
Clip từ camera hành trình ghi lại vụ tai nạn
Theo camera hành trình xe buýt ghi lại, 1 thanh niên đi xe máy cố vượt đã va quẹt trúng xe đạp chạy cùng chiều phía trước. Sau đó, nam thanh niên ngã xuống va vào hông xe buýt và tử vong tại chỗ.
Ông Cường đang bị cơ quan chức năng tạm giữ bằng lái nên chưa thể đi làm lại được. "Tôi muốn thắp nén nhang cho nạn nhân nhưng chưa được, bởi cậu ấy còn quá trẻ mà phải mất đi" - ông Cường buồn bã.
Như Báo Người Lao Động thông tin, nạn nhân trong vụ việc trên là anh H.N.A (18 tuổi, sinh viên Trường đại học Công nghiệp TP HCM).