Năm 2024 có thể nói là một năm nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 10 cơn bão đổ bộ vào biển Đông. Mặc dù cơn bão số 10 được dự báo sẽ suy yếu khi đi vào vùng biển Ninh Thuận - Bình Thuận trong đêm nay (24/12) nhưng những thiệt hại mà các cơn bão trước đó đã gây ra khiến chúng ta phải lo sợ.
Đặc biệt, siêu bão số 3 - Yagi đầu tháng 9 đã để lại những ký ức kinh hoàng cho tất cả người dân Việt Nam khi cướp đi tính mạng, tài sản của rất nhiều người. Trước những mất mát, đau thương không thể nào bù đắp mà siêu bão Yagi gây ra, trong những đống hoang tàn, đổ nát là một cuộc sống mới được "hồi sinh" từ tình yêu thương của mọi người dành cho nhau. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đã được lan toả một cách mãnh liệt nhất... Cùng nhìn lại những hình ảnh ấm áp về tình người trong trận bão lũ lịch sử ở miền Bắc qua loạt câu chuyện, hình ảnh dưới đây.
Những đoàn xe cứu trợ khắp nơi lên đường tiến về miền Bắc
Ngay từ những ngày đầu khi cơn bão số 3 vừa tiến vào đất liền tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, những đoàn xe chở hàng cứu trợ từ nhiều nơi đã nhanh chóng được tổ chức, sẵn sàng lên đường.
Miền Bắc gọi, miền Trung trả lời
Đến khi hoàn lưu của bão số 3 ảnh hưởng rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc, những nhóm tình nguyện viên, từ các tổ chức, công ty cho đến cá nhân, đều chung tay đóng góp, thu gom lương thực, quần áo, nước sạch và thuốc men để vận chuyển đến các vùng bị thiệt hại.
Hình ảnh những đoàn xe nối dài, trên đó là những dòng chữ “hướng về miền Bắc” hay “cứu trợ đồng bào bão lũ” đã thể hiện tình thần tương thân tương ái cao đẹp.
Đoàn xe cứu trợ tiến về miền Bắc ngay trong đêm
Ô tô đi chậm, che chắn cho xe máy giữa mưa bão
Khi cơn bão ảnh hưởng tới Hà Nội gây mưa to, gió giật mạnh, việc di chuyển bằng xe máy trở nên vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là trên các cây cầu lớn. Vậy nên, nhiều tài xế ô tô đã tình nguyện giảm tốc độ, chạy sát bên cạnh những người đi xe máy để che chắn gió mưa, giúp họ có thể an toàn vượt qua quãng đường đầy khó khăn.
Ô tô đi chậm chắn gió cho xe máy qua cầu an toàn
Hình ảnh những tài xế ô tô kiên nhẫn đi chậm, cùng nhau “dìu” những chiếc xe máy vượt qua khó khăn trên cầu Nhật Tân, Thanh Trì, hay các ngả đường lớn tại Hà Nội là một trong những khoảnh khắc được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội, thật sự cảm động và ấm áp tình người.
Sẵn sàng mời người lạ vào nhà tránh bão
Tại thời điểm cơn bão đổ bộ vào đất liền, trên mạng xã hội không chỉ có những lời cầu chúc hay kêu gọi quyên góp ủng hộ mà rất nhiều sự giúp đỡ thiết thực được đưa ra. Nổi bật nhất là những thông báo hỗ trợ chỗ ở, nơi trú, tránh bão cho người lao động ngoại tỉnh, người vô gia cư hoặc các gia đình sống ở khu vực thiếu an toàn.
Bữa cơm tránh bão dành cho mọi người tại nhà chị Phương Anh
Trong số đó có chị Nguyễn Phương Anh (Thanh Xuân - Hà Nội). Gia đình chị Phương Anh đã dành căn hộ rộng 100m2 cho 15 người lao động đến trú nhờ trong thời gian Hà Nội chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3. Cảm động trước tấm lòng thảo thơm của chị, hàng xóm xung quanh cũng cho mượn thêm chiếu, chăn, hỗ trợ nhiều loại nhu yếu phẩm khác.
Mỗi người một cách ủng hộ, có bao nhiêu góp bấy nhiêu
Trong đợt bão lũ đã qua, mỗi người dân đã có một cách ủng hộ riêng, từ em nhỏ tới cụ già, người tàn tật, chú bán vé số,... tuy chỉ là thùng mì, hộp sữa hay vài trăm nghìn đồng cũng đều rất ý nghĩa và thiết thực. Chắc hẳn mọi người còn nhớ hình ảnh một thanh niên khuyết tật bán vé số ở Quảng Trị tự mình đến hòm quyên góp ủng hộ người dân vùng lũ. Hay cô gái mù chữ cùng mẹ bắt xe đi từ tỉnh Đồng Nai lên TP.HCM, mang toàn bộ số tiền dành dụm để chia sẻ với đồng bào.
Anh Nguyễn Xuân Tiến ủng hộ đồng bào vùng lũ
Đó còn là người đàn ông tàn tật tự mình đi xe lăn, mang thùng mì tôm tới điểm quyên góp để ủng hộ, hay chú tài xế xe ba gác đã mang hết số tiền tích góp để chia sẻ với bà con vùng lũ. Tất cả những hình ảnh đẹp ấy được chia sẻ trên mạng xã hội đều khiến người xem cảm động vô cùng.
Chị Lê Thị Lài cùng mẹ ủng hộ 50 triệu đồng
Cô lái đò xung phong vào tâm lũ, chèo thuyền cứu trợ
Tại thời điểm đó, đồng bào cả nước đã hết lòng hỗ trợ nhau về sức người sức của khi các đoàn tiếp ứng từ nhiều tỉnh, thành đều đã lên đường vào tâm lũ. Bà Nguyễn Thị Lý, làm nghề chèo đò chở khách tại chùa Hương cũng là một trong số những tình nguyện viên xung phong tới vùng lũ. Bà là người lái đò nữ duy nhất trong số các đoàn tình nguyện tới vùng lũ tiếp sức bên cạnh nhiều nam giới.
Cô lái đò chùa Hương vào tâm lũ cứu trợ bà con
Bà Lý đã có kinh nghiệm 40 năm chèo đò, trở thành "tài xế" đặc biệt giúp lực lượng chức năng, các đoàn thiện nguyện điều khiển đò tiếp cận các khu dân cư bị cô lập do nước lũ ở Thái Nguyên. Trên mạng xã hội thời điểm đó đã đồng loạt chia sẻ hình ảnh về bà Lý và bày tỏ sự khâm phục trước tinh thần hăng hái, dũng cảm của người phụ nữ 56 tuổi.
Người dân khắp nơi nấu cơm, gói bánh cứu trợ tâm lũ
Trước tình cảnh bà con vùng tâm bão luôn trong tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu, người dân ở những nơi khác đã quyên góp, ủng hộ và đưa vật phẩm đến tay bà con. Thậm chí, họ còn huy động mọi người cùng nhau chuẩn bị từng suất ăn, nắm cơm muối vừng, hộp ruốc thịt, cái bánh chưng để gửi tới người dân giữa tâm lũ.
Người dân Nghệ An gói bánh chưng gửi ra Bắc
Chị em Quảng Bình làm ruốc thịt ủng hộ đồng bào
Từ Nghệ An, bà con đã tập chung gói hàng nghìn chiếc bánh chưng để gửi tới vùng lũ. Còn ở Quảng Bình, nhiều người dân đã cùng nhau làm 500 hộp ruốc thịt để gửi ra miền Bắc. Trong khi đó, ở những khu vực gần với vùng ngập lụt hơn, người dân địa phương cũng cùng nhau nấu cơm, chuẩn bị những suất ăn đầy đủ cho mọi người trong tâm lũ.
Rất nhiều suất ăn được chuẩn bị cho bà con vùng tâm lũ
Những người lính không quản ngại khó khăn và bữa cơm ấm tình quân dân
Xông pha nơi tuyến đầu chống lũ là các chiến sĩ quân đội, công an, lính cứu hỏa, dân quân địa phương, họ đã không ngại hiểm nguy để giúp dân hộ đê, đưa người bị cô lập đến nơi sơ tán, phát lương thực cho từng nhà,… Dù phải đội mưa, ngâm mình dưới nước nhiều giờ, những người lính vẫn nở nụ cười khi thấy đồng bào mình ra chờ nhận đồ ăn, nước uống.
Lực lượng cứu trợ đưa người dân về nơi an toàn
Chiến sĩ hết lòng vì dân, bà con cũng đáp lại bằng những bữa cơm ấm tình quân dân ngay tại vùng lũ. Người dân ở những khu vực chịu ít ảnh hưởng của bão lũ đã chuẩn bị những suất ăn gửi tới các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. Khi thấy bộ đội giải lao, họ còn sẵn sàng mời bộ đội vào nhà, nấu mì tôm hay cơm canh nóng hổi để cho “các chú bộ đội ấm bụng còn đi cứu người”.
Những người lính tranh thủ ăn uống để còn tiếp tục cứu trợ
Bộ đội vì dân, dân không để bộ đội đói
Làng Nủ "hồi sinh" từ những thương đau...
Khi nhắc đến Làng Nủ (Bảo Yên - Lào Cai), người dân cả nước sẽ nhớ mãi ký ức đau thương trong những ngày đầu tháng 9 khi thiên nhiên “nổi giận” cuốn đi tất cả. Nhưng giữa nỗi đau ấy, tình người và sự chung tay của cả dân tộc đã viết nên câu chuyện về hy vọng và tái sinh.
Khu tái định cư Làng Nủ được xây dựng nằm trên đồi cao rộng 10ha, gồm 40 nhà sàn dân sinh kiên cố rộng 96m2, nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300m2, một điểm trường rộng 200m2 đầy đủ hệ thống viễn thông, điện nước.
Khu tái định cư ở Làng Nủ
Từ ngày khánh thành, khu tái định cư Làng Nủ luôn nhộn nhịp, hối hả. Các gia đình sắp xếp đồ đạc vào nhà mới, với sự hỗ trợ của lực lượng chức năng và người dân địa phương. Niềm vui hiện rõ trong ánh mắt từng người dân, lan tỏa khắp khu tái định cư.
Làng Nủ hôm nay đã không còn những giọt nước mắt đớn đau đến tận cùng, thay vào đó là những cái ôm, tiếng cười sẻ chia của nghĩa tình đồng bào dưới những ngôi nhà mới khang trang giữa khu đồi sim tím.
Một cuộc sống mới đã nảy nở từ sau những đau thương
Những hình ảnh đẹp về tình đoàn kết, sự sẻ chia và lòng nhân ái của đồng bào không chỉ làm ấm lòng người dân vùng bão lũ mà còn thể hiện sức mạnh nội tại của dân tộc trong việc đối phó với thiên tai. Đúng là có một thứ bão lũ không thể cuốn trôi, đó là tình người trong gian khó, là tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái ngàn đời của dân tộc Việt Nam.