Tin tức 24h: 2 học sinh co giật, hôn mê sau khi ăn bim bim, lấy lời khai chủ cửa hàng tạp hóa

Google News

Công an huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã vào cuộc điều tra vụ việc 2 học sinh bị co giật, hôn mê sau khi ăn bim bim xảy ra trên địa bàn.

Vụ 2 học sinh co giật, hôn mê sau khi ăn bim bim: Lấy lời khai chủ cửa hàng tạp hóa

Công an lấy lời khai chủ cửa hàng tạp hóa

Liên quan đến vụ việc 2 học sinh co giật, hôn mê sau khi ăn bim bim ở Thanh Hóa, sáng 17/1, báo VietNamnet dẫn lời ông Nguyễn Xuân Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết, sau khi xảy ra vụ việc các học sinh mua bim bim ăn, bị lên cơn co giật, suy tim, công an đã vào cuộc điều tra.

“Trước mắt, cơ quan công an cũng đã lấy lời khai của chủ cửa hàng tạp hóa, thu thập mẫu thực phẩm. Sau khi có kết quả của mẫu thực phẩm sẽ điều tra các bước tiếp theo”, ông Hải cho biết.

Cũng theo ông Hải, hiện hai học sinh vẫn đang được điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Trước đó, vào khoảng 16h ngày 14/1, 4 học sinh gồm: C.V.T (SN 2014), Đ.T.C (SN 2020), Đ.T.D (SN 2013) và L.T.Đ (SN 2011) cùng trú tại thôn Bích Phương, xã Xuân Sinh đến quán tạp hóa Sơn Phẩm (thôn Bích Phương) mua 1 gói bim bim khoai tây và 1 gói snack vòi rồng chua cay để ăn.

Đến 17h cùng ngày, em C.V.T và Đ.T.C có biểu hiện lên cơn co giật, người lịm dần. Gia đình đã đưa các học sinh đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thọ Xuân cấp cứu và chuyển tuyến đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa sau đó.

2 học sinh co giật, hôn mê sau khi ăn bim bim đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: VietNamnet 

Các bác sĩ cho biết, hai học sinh nói trên nhập viện với chẩn đoán: hôn mê, hội chứng não cấp, rối loạn nhịp tim nặng, theo dõi ngộ độc không rõ loại (hướng đến thuốc diệt chuột thành phần Natrifloacetat).

Sức khỏe nạn nhân

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, vào khoảng 20h28 ngày 14/1, hai cháu được đưa đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng ý thức hôn mê, da tái, thở yếu, thở ức chế, tăng trương lực cơ toàn thân, nhịp tim rối loạn, huyết áp hạ và dao động.

Thông tin mới nhất từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa vào sáng 17/1, hiện tại hai cháu C.V.T. và Đ.T.C., được điều trị theo phác đồ xử trí ngộ độc cấp.

Các bác sĩ tiến hành rửa dạ dày loại bỏ độc chất, uống than hoạt tính để hạn chế hấp thu, truyền dịch thải độc, hồi sức tích cực (thở máy, trợ tim, cấp cứu ngừng tim và rối loạn nhịp tim).

Bệnh nhi C.V.T. đang trong tình trạng hôn mê phải thở máy, suy thận, lọc máu liên tục, hồi sức tích cực, điều chỉnh rối loạn nhịp tim. Bệnh nhi Đ.T.C. vẫn đang trong tình trạng hôn mê phải thở máy, và lọc máu liên tục.

Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn với tuyến trên thống nhất phác đồ điều trị, hội chẩn với các chuyên khoa phối hợp thực hiện. Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cũng đã gửi bệnh phẩm giám định độc chất tại Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai.

"Hiện tại nhịp tim của hai bệnh nhân tạm thời đã ổn, không còn rối loạn nhịp nặng nhưng cả hai vẫn đang còn trong tình trạng nguy kịch", một lãnh đạo Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết.

Năm 2024, hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khó lường

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2024, hiện tượng El Nino (pha nóng) sẽ còn duy trì đến hết mùa xuân, sau đó chuyển dần sang pha trung tính ENSO vào các tháng mùa hè. Vào các tháng cuối năm 2024, thời tiết có xu hướng chuyển dần sang pha La Nina (pha lạnh).

Với các pha thời tiết thay đổi liên tục trong một năm, dự báo năm 2024, tình hình thời tiết sẽ có nhiều biến động và các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khó lường. Người dân cần theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai của cơ quan khí tượng.

Còn năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino (pha nóng) nên nhiệt độ mùa hè là thứ thay đổi rõ rệt nhất. Các hiện tượng thời tiết cực đoan khác có diễn ra nhưng với tần suất ít hơn hoặc xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN).

Cùng nhìn lại các hiện tượng thời tiết cực đoan nổi bật đã diễn ra năm 2023:

Nắng nóng

Năm 2023, trên cả nước đã xuất hiện 20 đợt nắng nóng diện rộng. Tính từ năm 2017 đến nay thì đây là năm xuất hiện nhiều đợt nắng nóng diện rộng nhất và nhiều hơn 5 đợt so với TBNN. Đợt nắng nóng kéo dài nhất là 24 ngày ở Trung và Nam Trung Bộ (từ ngày 5-28/8).

Năm 2023 có mức nhiệt độ trung bình cao thứ 2 trong chuỗi số liệu quan trắc. Ảnh minh họa

Ngoài ra, trong đợt nắng nóng từ ngày 4-7/5, đã có 3 ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt (từ ngày 5-7/5) ở phía Tây Bắc Bộ và Trung Bộ. Nhiều nơi có nhiệt độ cao nhất vượt giá trị lịch sử (GTLS) như: Hồi Xuân (Thanh Hóa) 44,1 độ C (GTLS: 41,7 độ C); Quỳ Châu (Nghệ An) 43,2 độ C (GTLS: 41,8 độ C); Tây Hiếu (Nghệ An) 43,3 độ C (GTLS: 42 độ C); Hương Sơn (Hà Tĩnh) 42,3 độ C (GTLS: 42 độ C); Tương Dương (Nghệ An) 44,2 độ C (GTLS: 42,7 độ C).

Trong đó, nhiệt độ 44,2 độ C đo được tại Tương Dương (Nghệ An) là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc (GTLS cũ là 43,4 độ C tại Hương Khê (Hà Tĩnh)).

Đáng chú ý, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc trong năm 2023 là 24,5 độ C, cao hơn TBNN là 1,09 độ C. Đây là năm có mức nhiệt độ trung bình cao thứ 2 trong chuỗi số liệu quan trắc. Năm 2019 là năm có nhiệt độ trung bình trên toàn quốc cao nhất với giá trị là 25,1 độ C, cao hơn TBNN là 1,21 độ C.

Đặc biệt, tháng 2, tháng 7, tháng 10 và tháng 11 năm 2023 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có nền nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 1,5-2 độ C so với TBNN. Riêng tháng 1/2023, nhiệt độ trung bình tại Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ thấp hơn 0,5-1 độ C so với TBNN cùng thời kỳ.

Bão và áp thấp nhiệt đới

Do ảnh hưởng của El Nino, trong năm 2023, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ít hơn so với TBNN. Tổng cộng đã có 5 cơn bão và 3 cơn áp thấp nhiệt đới xuất hiện (TBNN bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông là 11-13 cơn).

Mùa bão năm 2023 đến sớm hơn so với TBNN (5/5/2023) và kết thúc tương đương với TBNN. Đáng lưu ý, trong năm 2023, các cơn bão hầu như không đổ bộ trực tiếp nên không gây gió mạnh trong đất liền; riêng cơn bão số 1 đổ bộ vào khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) gây gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 tại vùng ven biển Quảng Ninh -Hải Phòng.

Bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông xuất hiện ít hơn so với TBNN. Ảnh minh họa

Mưa lớn

Năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 22 đợt mưa lớn trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.

Trong đó, đáng lưu ý đợt mưa từ ngày 13-17/11 do ảnh hưởng của không khí lạnh (KKL) kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, khu vực Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; riêng khu vực Quảng Trị đến Bình Định có mưa rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa phổ biến 400-700mm; khu vực Thừa Thiên Huế có nơi trên 1.000mm như: Bạch Mã 1.924mm, Bình Điền 1.272mm, Xuân Lộc 1.310mm, Nam Đông 1.154mm... Đợt mưa lớn này đã gây ngập lụt trên diện rộng ở Thừa Thiên Huế.

Mưa lớn cực đoan xảy ra nhiều nơi ở miền Bắc và miền Trung trong năm 2023. Ảnh minh họa

Không khí lạnh

Trong năm 2023, đã xuất hiện 24 đợt không khí lạnh (KKL) xâm nhập xuống nước ta. 

Điển hình là đợt gió mùa Đông Bắc ngày 16/12 và đợt KKL tăng cường ngày 19/12 đã gây ra một đợt rét đậm, rét hại diện rộng từ ngày 17-27/12/2023 tại khu vực Bắc Bộ, trong đó từ ngày 21-24/12 xảy ra rét đậm rét hại mở rộng đến khu vực Bắc Trung Bộ; nhiệt độ thấp nhất ngày từ 8-11 độ C, vùng núi từ 4-7 độ C, vùng núi cao có nơi thấp dưới 3 độ C.

Có 24 đợt không khí lạnh trong năm 2023 ảnh hưởng tới nước ta. Ảnh minh họa

Tại Mẫu Sơn vào ngày 22/12/2023, nhiệt độ thấp nhất đạt -2,5 độ C, đây được đánh giá là giá trị nhiệt độ thấp nhất trong cùng thời kỳ tháng 12 tính theo số liệu ghi nhận tại Mẫu Sơn từ năm 2012 đến 2023.

Cũng trong đợt này, trên Vịnh Bắc Bộ ghi nhận gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9. Sương muối, băng giá xảy cũng xảy ra tại một số nơi vùng núi phía Bắc.

Ngoài ra, đợt rét đậm vào ngày 16/1/2023, nhiệt độ thấp nhất ở một số nơi giảm xuống dưới 3 độ C như tại: Đồng Văn 2,6 độ C, Mẫu Sơn -0,1 độ C; tại đỉnh núi Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) xuất hiện băng giá.

Phát hiện 5,5 tấn mỡ bò, 720kg óc lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Sau nhiều ngày đêm trinh sát tại 1 số nhà hàng và các xưởng sản xuất xúc xích tại địa bàn TP Hà Nội, trinh sát Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội (PC03 Hà Nội) đã phát hiện 1 kho mỡ bẩn nằm sâu trong khu dân cư thuộc huyện Thường Tín.

Cụ thể, ngày 17/1, Đội 7 phòng cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với đội QLTT số 17 Cục QLTT Hà Nội kiểm tra cơ sở tập kết và kinh doanh thực phẩm tại thôn Thuỵ Ứng, xã Hoà Bình, huyện Thường Tín, đã phát hiện tại cơ sở này đang kinh doanh mỡ bò, óc lợn, sụn lợn, trong đó 5,5 tấn mỡ bò, 720kg óc lợn không có hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở tập kết và kinh doanh thực phẩm tại thôn Thuỵ Ứng, xã Hoà Bình, huyện Thường Tín.

Phát hiện 5,5 tấn mỡ bò, 720kg óc lợn không có hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Chủ cơ sở là Trần Văn Đức, SN 1983, khai nhận đã thu mua mỡ bò, óc lợn trôi nổi trên địa bàn (liên lạc qua điện thoại, không biết địa chỉ), sau đó bán cho người dân, nhà hàng, bếp ăn, xưởng sản xuất xúc xích ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Hiện vụ việc đang được Đội 7 phòng PC 03 Hà Nội phối hợp xử lý.

Xem xét cho học sinh nghỉ học nếu không khí nguy hại 3 ngày liên tục

Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) khuyến cáo chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại 3 ngày liên tục xem xét cho học sinh tiểu học, mầm non nghỉ học

Theo Cục Quản lý môi trường y tế một số tỉnh, thành đã xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại 3 ngày liên tục, nên xem xét cho học sinh tiểu học, mầm non nghỉ học

Thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.

Để bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý môi trường y tế xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại 3 ngày liên tục có thể xem xét cho học sinh tiểu học, mầm non nghỉ. 

Người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố để thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe phù hợp.

Khi ra khỏi nhà thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.

Nên sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm vệ sinh, dọn dẹp nếu có nhiều bụi hoặc không khí bị ô nhiễm từ mức kém đến mức nguy hại. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, đốt rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ, bếp ga.

Những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi) nên tránh tiếp xúc với nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông; công trình xây dựng; khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, củi, rơm rạ hoặc khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí khác.

Bác sĩ khuyến cáo người dân tự bảo vệ sức khỏe trong bối cảnh không khí ô nhiễm

Bảo vệ sức khoẻ khi ô nhiễm không khí

Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nếu xuất hiện triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản, huyết áp, tim mạch… cần đến ngay cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.

Với người bình thường nên tránh hoạt động ngoài trời, chuyển sang hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; đóng cửa sổ, cửa ra vào nhà để hạn chế, tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm.

Các chuyên gia khuyến cáo mỗi người cần chú ý vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Trước tình trạng ô nhiễm bụi trong không khí tại một số tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là TP Hà Nội, có diễn biến xấu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã có công văn chỉ đạo, tập trung nguồn lực triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường.

H.A

Bình luận(0)