Hàng chục ca nhập viện, trong đó có cả những người trẻ
Ngày 6/8, PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong tháng 7 vừa qua, trung tâm tiếp nhận hàng chục ca mắc sốt xuất huyết nhập viện, với nhiều mức độ nặng, nhẹ khác nhau.
Theo bác sĩ Cường, những ca bệnh trung tâm mới tiếp nhận ở nhiều độ tuổi khác nhau, vì thế người dân tuyệt đối không được chủ quan, nghĩ rằng mình khỏe, đề kháng tốt là không mắc bệnh. Hơn nữa, sốt xuất huyết rất dễ gây biến chứng, bệnh tăng nặng trong thời gian ngắn, nên khi có dấu hiệu bệnh cần đến viện để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Cường lấy ví dụ trường hợp một nam bệnh nhân 25 tuổi (ở Hoàng Mai, Hà Nội), có biểu hiện sốt đến ngày thứ 5 mới vào viện, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị dương tính với sốt xuất huyết. Dù là thanh niên trẻ khỏe, nhưng trong quá trình điều trị bệnh nhân có tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc.
Một trường hợp bị sốt xuất huyết, biến chứng nặng phải thở máy đang điều trị tại BV Bạch Mai. Ảnh: BSCC.
Một trường hợp khác cũng là nam bệnh nhân, 39 tuổi (ở Hà Nội) nghĩ mình có sức khỏe nên chủ quan, sốt đến ngày thứ 5 mới vào viện, khi đó tình trạng đã khá nặng, da lạnh, mạch nhanh. Sau quá trình điều trị, các bệnh nhân đã dần hồi phục, có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Không may mắn như 2 trường hợp trên, một nữ bệnh nhân 62 tuổi (ở Đan Phượng, Hà Nội) vào viện sau gần 1 tuần xuất hiện sốt cao từng cơn, mệt mỏi người, ăn kém. Khai thác tiền sử, người bệnh cho biết có bị tăng huyết áp, viêm khớp và phải dùng thuốc thường xuyên. Qua xét nghiệm xác định, nữ bệnh nhân này dương tính với sốt xuất huyết Dengue type 2.
Sau 1 ngày nhập viện, tình trạng bệnh nhân diễn tiến xấu, tiểu cầu giảm mạnh, men gan tăng cao, suy gan. Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục và điều trị thêm kháng sinh. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân nặng do suy đa tạng nên nguy cơ tử vong rất cao.
Đặc biệt chú ý giai đoạn chuyển nặng của bệnh
PGS Đỗ Duy Cường cho biết, đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Thời gian tới mưa nhiều, tình hình bệnh sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp, vì thế người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh.
Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng, sốt xuất huyết thường trải qua 3 giai đoạn chính:
- Giai đoạn sốt: Ở giai đoạn này bệnh thường có các biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Giai đoạn này thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi.
- Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh, khi đó người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Tuy nhiên, sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan, kèm theo nôn ói.
Đặc biệt lưu ý những dấu hiệu ở giai đoạn chuyển nặng để đưa bệnh nhân đến viện kịp thời. Ảnh minh họa.
Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất, dễ xảy ra biến chứng, thậm chí tử vong nếu không được đưa đến viện sớm, điều trị kịp thời. Biểu hiện thường gặp ở giai đoạn này là xuất huyết dưới da, tiêu hóa hoặc chảy máu chân răng. Kèm theo đó là tình trạng giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.
Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não, rối loạn tri giác, suy chức năng các cơ quan khác. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương.
- Giai đoạn hồi phục: Thường từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10, lúc này sốt giảm, tiểu cầu tăng dần trở lại, tiểu nhiều, cảm giác ăn ngon miệng trở lại. Tuy nhiên, để hồi phục hoàn toàn, người bệnh sẽ mất nhiều thời gian, có thể là vài tháng.
Từ những chia sẻ trên, bác sĩ Cường khuyến cáo, khi có những dấu hiệu sốt cao đột ngột, liên tục không giảm, đau đầu, đau mỏi người, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để bác sĩ để thăm khám, xét nghiệm và đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng.
Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, vì thế người dân chủ động cần diệt muỗi, lăng quăng bằng cách lật úp các dụng cụ chứa nước, ngủ mắc màn hoặc phun thuốc muỗi khi nơi ở đang có dịch lưu hành.