Quan niệm "mùng 5, 14, 23" xấu ngày không nên đi làm sau Tết, chuyên gia phong thủy phân tích điều đặc biệt

Google News

Rất nhiều người sau kỳ nghỉ Tết thường kiêng đi làm vào những ngày được cho là xấu, dễ gặp điều xui xẻo. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của chuyên gia phong thủy lại hoàn toàn khác.

Sau khi kết thúc dịp nghỉ Tết mọi người thường rất quan tâm đến việc đi làm ngày nào để gặp may mắn, tránh gặp những điều xui xẻo đầu năm. Đặc biệt, người xưa vẫn truyền tai nhau câu nói đó là cần tránh ngày mùng 5, 14, 23 hay tránh đi 7 về 3. Theo quan niệm dân gian xưa, đều nên kiêng kỵ mùng 5, 14, 23 bởi đây là những ngày rất xấu, có thể gặp nhiều điều xui rủi, bất trắc như phương tiện bị hỏng, giao thông khó khăn hay thậm chí là gặp tai nạn bất ngờ không mong muốn

Vậy trong những ngày đầu năm Giáp Thìn mọi người nên xuất hành đi làm ngày nào là đẹp nhất, đồng thời có cần phải tránh những ngày như đã nói trên hay không? Theo các chuyên gia phong thủy, việc cho rằng những ngày trên là ngày xấu là không hoàn toàn chính xác, và cũng không nhất thiết phải tránh bằng được những ngày đó. Bởi việc việc di chuyển sẽ tùy vào từng cá nhân, tính chất quan trọng của từng công việc để quyết định xem có nên đi hay không. Ví dụ như việc đi tham quan thì có thể xem ngày, lùi ngày và chọn giờ được, nhưng với những người có trọng bệnh, không thể nằm chờ đến ngày đẹp mới đi cấp cứu.

Việc cho rằng ngày 5, 14, 23 là ngày xấu chỉ là quan niệm từ xa xưa truyền lại và không còn phù hợp với xã hội hiện đại. Ảnh minh họa.

Chuyên gia phong thủy Phùng Hoài Phương cho biết, thực tế trong quan niệm dân gian có rất nhiều kiêng kỵ khác nhau liên quan tới các ngày mùng 5, 14, 23. Với các ngư dân, đây là các ngày con nước, để tránh các phát sinh không hay, người dân các làng chài thường kỵ ra khơi các ngày này.

Cũng có thuyết cho rằng vào thời phong kiến trước đây, mùng 5, 14, 23 là các ngày vua đi vi hành và đi cùng điều này sẽ có những quy định đi kèm, ai trái lệnh dễ bị khép vào tội mạo phạm, thậm chí tội khi quân, dần dà quan niệm trên ăn sâu vào tiềm thức và tập quán.

Tất cả các điều trên chỉ là quan niệm, việc thành hay bại của một đại sự hay dự định còn liên quan nhiều yếu tố khác”, chuyên gia Phùng Phương chia sẻ và cho biết thêm, các cụ xưa quan niệm những ngày 3, 4, 5, 7 là xấu, còn ngày 6, 8, 9 được xếp vào các ngày đẹp. Tuy nhiên, đối với thuật Trạch Nhật theo Phong Thủy Chính Phái, các ngày 6, 8, 9 chưa chắc đã đẹp, trong khi ngày 3, 4, 5, 7 không hẳn là xấu. Bởi lẽ yếu tố cần chú trọng nhất khi xem ngày là mức độ phù hợp với công việc cũng như với tuổi của gia chủ được xem. Mặt khác, với Phong Thủy Chính Phái, mặc dù xem ngày vẫn là một thủ tục không thể thiếu, nhưng đó không phải là yếu tố tiên quyết để mọi công việc được như ý, thuận lợi.

Ví dụ với một ngôi nhà, việc xem ngày động thổ nhằm mục đích giúp cho công việc nhận được nhiều Thiên khí cát lành, hạn chế các rủi ro phát sinh trong quá trình thi công xây dựng. Nhưng điều này không quyết định được các yếu tố như thời tiết có mưa thuận gió hòa hay không, sức khỏe con người (cả chủ lẫn thợ) liệu có đảm bảo không ốm đau bệnh tật trong suốt quá trình hoàn thiện công trình.

Hay việc kinh doanh của một cửa hàng còn phụ thuộc vào địa điểm, cách thức quản lý, kỹ năng của từng nhân sự chứ không chỉ dựa vào mỗi việc chọn được ngày đẹp khai trương mà lại có thể làm ăn khấm khá.

Như vậy để thấy, với Phong Thủy Chính Phái, mọi đấu pháp bao gồm cả xem ngày đều không nằm ngoài sự hợp nhất của Thiên - Địa - Nhân - Thần. Chỉ khi hiểu và vận dụng được điều này, chúng ta mới bước đầu chạm được vào cánh cửa của sự thành công”, chuyên gia Phùng Phương phân tích.

Tóm lại, nếu chỉ đi chơi, du xuân thì ta không nên xem trọng, chỉ cần lựa chọn giờ tốt trong ngày để xuất hành đảm bảo sự thuận lợi, bình an cho gia chủ. Bởi vì trong 1 năm tốt sẽ có 1 ngày xấu, 1 ngày xấu luôn có những giờ tốt.

LÊ PHƯƠNG.

Bình luận(0)