Cơm "treo" nụ cười
Học hỏi từ các mô hình hoạt động thiện nguyện ở nước ngoài, anh Huỳnh Tấn Minh (36 tuổi) - chủ quán cơm trên đường Lê Văn Duyệt (TP. Thủ Đức) quyết định thực hiện dự án “treo cơm” để gửi tặng các trường hợp khó khăn có một bữa ăn ngon.
Trước khi "treo cơm", anh Minh đã suy nghĩ rất nhiều về việc làm sao để đưa suất cơm đến tận tay người nhận một cách ý nghĩa nhất. Đến khi đọc được bài báo về cách thức vận hành “cà phê treo" tại nước ngoài, anh quyết định thực hiện theo mô hình này: “Quán ăn gần trường đại học nên tôi cũng hỗ trợ sinh viên khó khăn được đến đây ăn cơm miễn phí nhưng đa phần các bạn e dè, ngại ngùng từ chối. Sau này, trong một lần tình cờ đọc được mô hình “cà phê treo" ở nước ngoài, tôi quyết định học hỏi và thực hiện. Khi đến, mọi người chỉ cần lấy phiếu đưa cho nhân viên thực hiện. Từ đó, người nhận cảm thấy thoải mái hơn, không nặng nề về tâm lý”, anh Minh chia sẻ.
Chiếc thùng nhỏ được đặt trước cửa quán đã "nuôi sống" nhiều gia đình trong giai đoạn khó khăn nhất. Tuy chỉ là suất cơm trưa nhỏ nhoi nhưng giúp nhiều cô chú bán hàng rong, người lao động có một bữa no bụng, tiếp thêm năng lượng để làm việc.
Chủ quán lý giải "cơm treo" là ngẫu nhiên, không phải hình thức phát cơm từ thiện nên người nhận sẽ không bị ngại. Anh cũng luôn dặn dò nhân viên hãy luôn tươi cười, tạo sự thoải mái, tự nhiên mỗi khi có người đến lấy cơm. Đặc biệt, phải xem họ như vị khách quý, đối xử bằng cái tâm, không được nóng giận hay tỏ vẻ khó chịu.
Trước cửa quán, một chiếc thùng nhựa đỏ với màu sắc bắt mắt, thu hút sự chú ý của người đi đường với dòng chữ: “Gửi tới cô, chú, anh, chị khó khăn, nếu có thì hãy lấy dùng. Chúc cô, chú, anh, chị, ăn ngon miệng”. Cứ trong khung giờ từ 11h - 13h mỗi ngày, quán sẽ bắt đầu gửi cơm đến những thực khách của mình. Trong suốt 3 tháng qua, rất nhiều trường hợp đến quán để nhận cơm, tiếp thêm năng lượng để mưu sinh. Về thực đơn, quán luôn thay đổi mỗi ngày để các khách hàng của mình không bị ngán.
Dù làm bất kỳ ngành nghề nào trong xã hội, tuyệt nhiên khi đến quán đã là thực khách quý. Tất cả đều được phục vụ tận tình, suất “cơm treo" cũng không có sự khác biệt sẽ đầy đủ thịt và canh rau.
Một vị khách bất kỳ đến ăn cơm có thể trả thêm 1 hoặc nhiều suất cơm khác gửi lại quán. Quán sẽ dành số lượng cơm đó để trao tặng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đa phần người nhận “cơm treo" tại quán là cô, chú, anh chị lao động chân tay với rất nhiều ngành nghề khác nhau như lái xe, bảo vệ, lao công, nhặt ve chai hay bán hàng rong…
Quán cũng chọn cách để vào thùng những chiếc "thẻ cơm treo", mỗi thẻ tương ứng với một suất cơm. Anh Minh Khoa (22 tuổi) - nhân viên của quán lý giải: “Trong khoảng thời gian này, thời tiết Sài Gòn luôn trong trạng thái nóng bức, thức ăn nếu để trong thùng kín sẽ dễ bị ôi thiu, ảnh hưởng đến sức khoẻ của các cô, chú, người lao động. Vì thế, khi đến quán, mọi người cầm trên tay chiếc thẻ và nói nhỏ với nhân viên để các bạn chế biến món ăn. Khi đó, suất cơm đến tay mọi người sẽ giữ được độ ngon và ý nghĩa hơn”.
Chỉ khi những vị khách đặc biệt cầm trên tay chiếc "thẻ cơm treo", nhân viên mới chế biến để đảm bảo suất cơm đến tay vẫn giữ được độ thơm ngon.
Nụ cười thành động lực để giữ lửa quán “cơm treo"
Đến giờ trưa, quán ăn lại đông đúc, tấp nập người ra vào. Những cô, chú, anh, chị sẽ đến quán để nhận suất cơm nghĩa tình. Trong lúc chờ đợi nhân viên phục vụ, chuẩn bị suất cơm nóng hổi, họ cùng nhau ngồi xuống trò chuyện, tâm tình sau một buổi sáng lao động vất vả.
Chị Thanh Hương (40 tuổi) - vị khách đặc biệt của quán, đã nhận cơm treo hơn 2 tháng xúc động chia sẻ: "Chồng mình làm thợ hồ, gia đình lại có con nhỏ, dạo đây thời tiết nắng mưa thất thường nên công việc ảnh hưởng thu nhập bấp bênh. Thời gian gần đây, mình biết đến quán cơm này, thật sự biết ơn anh chị chủ và các bạn nhân viên thân thiện, cho mình những bữa cơm ngon, tiết kiệm được chi phí sinh hoạt. Có ngày mình nhận được 3 phần cơm, thế là đủ cho cả gia đình”.
Bé Thanh (5 tuổi) đi cùng mẹ vội vàng nhận cơm và chạy đến ôm chầm các bạn nhân viên và gửi lời cảm ơn. Những hành động nhỏ nhưng đầy ý nghĩa giữa người cho và người nhận làm ai khi chứng kiến cũng thấy ấm lòng.
Trên tay những vị khách đặc biệt cầm sẵn thẻ “cơm treo” với niềm vui hiện rõ trên từng ánh mắt, nụ cười.
Không chỉ thế, chị Thanh Hương cho biết những cô, chú, anh, chị đến đây đều chung tinh thần “tương thân tương ái". Có ngày ít suất “cơm treo", họ sẵn sàng “chia ngọt sẻ bùi" để cùng nhau có bữa ăn no bụng.
Đối với chị Thanh Hương quán cơm này đã nuôi sống cả gia đình, hỗ trợ phần cơm trưa đã giảm được nhiều gánh nặng về nỗi lo cơm áo gạo tiền.
Một suất cơm của quán có giá dao động từ 30.000-40.000 đồng. Tuy nhiên, khách hàng đã có thể chung tay treo một suất cơm tặng người khó khăn với giá 20.000 đồng/suất. Mỗi ngày có khoảng 10-20 suất cơm treo được gửi tặng. Thỉnh thoảng, vẫn có những ngày không có khách "treo cơm", chủ quán chấp nhận "lỗ", tự "treo" để đảm bảo khi có người ghé lấy đều có cơm mang về.
Khó khăn là thế nhưng chủ quán cho biết chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dừng lại hay kết thúc dự án ý nghĩa này. Bởi lẽ, khi một suất ăn được trao đi, đổi lại nụ cười, lời cảm ơn từ các vị khách đặc biệt đã tiếp thêm động lực, duy trì mô hình “cơm treo".
Ở Sài Gòn hoa lệ, đâu đó vẫn còn những trạm dừng ấm áp, đầy nghĩa tình như thế. Quán "cơm treo" không chỉ là điểm đến cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn thể hiện sự san sẻ, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Tuy chỉ là bữa cơm trưa, giá trị không quá lớn nhưng đối với nhiều người, họ phải dành dụm, đánh đổi bằng sức lao động để bữa ăn đủ đầy thịt cá. Vì thế, mô hình này xứng đáng được nhân rộng để những trường hợp khó khăn, yếu thế trong xã hội... không ai bị bỏ lại phía sau.